Một trận đá bóng. Ảnh: Internet

Bóng đá là môn thể thao vua. Nếu coi các cầu thủ bóng đá như những người lính ra trận và các HLV là chỉ huy thì có thể thấy, bất cứ “chỉ huy” nào cũng muốn “người lính” của mình phải hiểu “quân lệnh như sơn”.

Trên bảo dưới nghe, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, nếu coi đó là những “mệnh lệnh” bắt buộc thì cũng có thể hiểu rằng, mỗi HLV luôn muốn “lính tráng” của mình phải tuân thủ và thực hiện theo mọi yêu cầu được đề ra. Mỗi cán bộ, chiến sĩ của ta đều hiểu và nắm rất rõ thế nào là “quân lệnh như sơn”. Nhưng trong và ngoài sân bóng, ở những giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới, không phải cầu thủ nào cũng chấp nhận tuân theo quy định của “chỉ huy” và hậu quả thì ai cũng thấy.

Trước ngày khai mạc World Cup 1998, HLV Pa-xa-re-la của đội tuyển Ác-hen-ti-na yêu cầu: mỗi cầu thủ phải như một người lính. Điều đó đồng nghĩa với việc: không ai được tập trung muộn theo giờ quy định, không ai được để tóc, râu dài, không ai được rời khỏi “trại” mà không báo cáo với HLV... Tóm lại, đội tuyển Ác-hen-ti-na gần như là một “trung đội” mà người “chỉ huy” là Pa-xa-re-la.

Hầu hết các tuyển thủ Ác-hen-ti-na đều chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của “chỉ huy” Pa-xa-re-la, chỉ trừ một người: tiền vệ Phéc-nan-đô Rê-đôn-đô. Vào thời điểm ấy, Rê-đôn-đô được coi là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất thế giới, nhưng anh này đã kiên quyết từ chối cơ hội được cống hiến cho đội tuyển chỉ vì... không chịu cắt tóc.

Dĩ nhiên, khái niệm “ngôi sao” không tồn tại và HLV Pa-xa-re-la loại Rê-đôn-đô tức khắc. Một trong những “Ma-ra-đô-na mới” đã không có cơ hội tỏa sáng ở Cúp thế giới, nhưng “chỉ huy” Pa-ra-xe-la tuyên bố rõ: không hiểu “quân lệnh như sơn” thì giỏi đến mấy cũng bị loại.

DƯƠNG VÂN THÔNG