QĐND - Thực tế các vụ chữa cháy rừng ở Tây Bắc, Trung Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2012 cho thấy, vai trò của LLVT nói chung, các đơn vị quân đội nói riêng là rất quan trọng. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của quân đội với nhiệm vụ PCCC và bảo vệ rừng có nhiều vấn đề cần bàn. Đặc biệt, cần sớm tháo gỡ một số khó khăn, bất cập.
Tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của Văn phòng UBQG TKCN, so với năm trước tình hình cháy rừng năm 2012 diễn ra phức tạp hơn. Ngay trong quý I, đã có trên chục vụ, điển hình là vụ cháy rừng Hoàng Liên xảy ra tại địa bàn xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai) kéo dài từ ngày 2 đến ngày 7-3 làm thiệt hại gần 75ha rừng. Chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-2012), riêng địa bàn TP Đà Nẵng đã liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, số vụ cháy rừng xảy ra trong mùa khô năm 2012 tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước...
Tận mắt chứng kiến sự vào cuộc của LLVT nói chung, của cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng mới thấy quân đội ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong công tác PCCC rừng nói riêng và bảo vệ rừng nói chung. Trong vụ cháy rừng đặc dụng Nam Hải Vân, ngay sau khi nhận được tin báo khẩn cấp Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 đã có mặt ngay tại hiện trường trực tiếp tổ chức, chỉ đạo LLVT Quân khu 5 tham gia chữa cháy. Chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau đó, hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực thuộc Bộ CHQS, Bộ CHBP Thành phố Đà Nẵng cùng các đơn vị của Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã có mặt triển khai phương án chữa cháy. Dưới sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND thành phố và Tư lệnh Quân khu 5, phương án dập lửa cứu rừng được cán bộ, chiến sĩ quân đội phối hợp với lực lượng tại chỗ triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Trung tá Trần Công Thành, Phó tham mưu trưởng và Thiếu tá Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cho biết: Khi xảy ra vụ cháy rừng đặc dụng Nam Hải Vân, BĐBP Thành phố đã điều động tăng cường 185 cán bộ, chiến sĩ, 5 xe ô tô kịp thời có mặt tại hiện trường tham gia chữa cháy. Phối hợp với lực lượng của một số đơn vị thuộc Quân khu 5, BĐBP tiếp cận hiện trường phía trước tiến hành cắt rừng lập hành lang cản lửa. Tuy nhiên, do gió quá to, lửa bốc dữ dội nên đường băng cũng không cản được lửa cháy lan, nên bộ đội phải dùng dụng cụ cầm tay lao vào trực tiếp dập lửa và đã thành công, sau đó phương pháp này đã được áp dụng cho các lực lượng trên những hướng khác...
 |
Cán bộ chiến sĩ LLVT Đà Nẵng dập lửa chữa cháy rừng tại khu vực xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tối 10-8-2012. Ảnh: Ngọc Diệp. |
Tương tự trong vụ cháy rừng Hoàng Liên, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và các lực lượng đã có mặt sớm và tham gia dập lửa cứu rừng rất tích cực. Anh em đã không quản nguy hiểm, tiếp cận các đám cháy, dùng can nhựa chứa nước và bình phun nước đeo vai để dập lửa, dùng dụng cụ cầm tay trực tiếp dập lửa, dùng cưa xăng chặt hạ những cây gỗ mục để hạn chế nguồn lửa phát tán…
Tính đến hết tháng 10-2012 trên địa bàn cả nước xảy ra 1.932 vụ cháy nổ, cháy rừng, sập đổ công trình, làm chết 153 người, bị thương 307 người, cháy 1.329,45ha rừng các loại. Các đơn vị quân đội đã tham gia dập lửa ứng cứu 121 vụ cháy rừng. Tại những vùng trọng điểm về cháy rừng như: Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế… các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt. Có rất nhiều ý kiến, thư khen, thư cảm ơn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương về tinh thần dũng cảm, khả năng cơ động kịp thời và xử trí tình huống linh hoạt, hiệu quả của bộ đội. Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR đánh giá: Với vai trò nòng cốt, các đơn vị quân đội luôn chủ động phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng, chống cháy rừng. Thực tế thời gian qua cho thấy nếu không có sự phối hợp, hiệp đồng hiệu quả đó thì thiệt hại do cháy rừng còn lớn hơn nhiều...
Những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ
Theo Đại tá Cao Đắc Cử, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai: “Kinh nghiệm qua các đợt diễn tập và nhiều lần ra quân dập lửa cứu rừng cho thấy hầu hết địa bàn xảy ra cháy là núi cao, vách đứng, hiểm trở, cơ động khó khăn nên các trang bị hiện đại không phát huy được tác dụng, chủ yếu là dùng dụng cụ cầm tay triển khai thành nhiều hướng bao vây phong tỏa, khoanh vùng, cô lập, đón đầu hướng gió, phát quang tạo vành đai ngăn lửa...”. Tuy nhiên, không chỉ ở Lào Cai mà ở nhiều nơi dụng cụ cầm tay như: Dao phát, vỉ dập lửa… cho các lực lượng làm nhiệm vụ cũng không đủ. Từng theo chân các chiến sĩ đối mặt với “giặc lửa”, chúng tôi nhận thấy công tác đảm bảo an toàn cho các lực lượng nói chung và cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia chữa cháy rừng nói riêng hầu như không có. Quần áo chữa cháy, găng tay, ủng cao su… không có. Trong quá trình dập lửa cứu rừng, không ít chiến sĩ đã bị bỏng, bị cháy quần áo; giày, dép... Địa bàn xảy ra cháy là rừng sâu, núi cao, không có sóng điện thoại di động nên công tác chỉ huy, hiệp đồng cũng rất khó khăn… Thiếu tá Đinh Tiến Dũng cho biết thêm: Phương án bảo đảm hậu cần, nhất là nước uống không đáp ứng được. Lực lượng trực tiếp đối mặt với "giặc lửa" chủ yếu là bộ đội khát khô cổ vì không có nước uống, nhưng lực lượng phía sau chủ yếu là thanh niên địa phương cũng không tiếp tế. Phương án cứu thương cũng còn nhiều bất cập, xe cứu thương thường ở dưới chân núi, rất xa vị trí xảy ra cháy, nhưng việc tổ chức lực lượng y tế mang theo băng ca, cáng... đi cùng bộ đội tuyến trước lại không có...
Chủ động triển khai các biện pháp
Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương mới đây, vấn đề phát huy vai trò của quân đội, nhất là Bộ đội Biên phòng trong nhiệm bảo vệ rừng cũng được đề cập. Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP cho rằng: Ở nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương miền núi, biên giới rừng đang bị tàn phá nặng nề, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước; lực lượng kiểm lâm thì quá mỏng rất khó để đấu tranh, ngăn chặn... Trung tướng Võ Trọng Việt đề nghị Chính phủ có chủ trương, chính sách để Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng tham gia có hiệu quả hơn vào công việc quan trọng này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần đó và nhất trí giao Bộ Quốc phòng xây dựng đề án.
Bên cạnh tích cực tham gia PCCCR, Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu các đơn vị phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Để các đơn vị chủ động phát huy vai trò, kịp thời tham gia xử lý các tình huống phòng, chống thiên tai, thảm họa, Bộ Quốc phòng cũng cho phép khi có nhiệm vụ thì người chỉ huy được phép huy động lực lượng cứu nạn và sau đó báo cáo chứ không nhất thiết phải chờ đợi... Theo Đại tá Phạm Văn Tỵ, năm 2012, Cục CH-CN đã mua và cấp bổ sung cho các đơn vị nhiều trang bị, phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ PCLB-TKCN nói chung và PCCCR nói riêng. Năm 2013 sẽ tiếp tục công việc này. Đại tá Cao Đắc Cử - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm: “Để phòng, chống cháy rừng hiệu quả chúng tôi vừa chủ động trong phối hợp với các lực lượng, đồng thời tích cực làm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các phương án sát với nhiệm vụ, thực tiễn địa bàn, địa hình. Mặt khác, tăng cường huấn luyện, hội thao, diễn tập… được chúng tôi xem là biện pháp quan trọng để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy và rèn luyện khả năng cơ động xử trí tình huống cho bộ đội”. Tìm hiểu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… chúng tôi thấy, các đơn vị quân đội còn tham gia khá tích cực vào tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng và hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp PCCCR, bảo vệ rừng.
Nhóm phóng viên QP-AN