QĐND - Trong ngày 30-10, liên tiếp xảy ra các sự cố như vỡ đập ở huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), cháy lớn tại xưởng gỗ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Mặc dù các sự cố xảy ra bất ngờ, nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và LLVT địa phương luôn có mặt kịp thời, phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng
Sau một ngày dầm mưa, căng mình vận chuyển đất, đá, cát… để hàn khẩu thân đập và giúp nhân dân sơ tán người, tài sản, dường như ai cũng thấm mệt. Thế nhưng mới 6 giờ sáng 31-10, hơn 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị thường trực, địa phương, công an và dân quân đã hối hả tỏa đi các phố của thị trấn Đầm Hà và đến chân đập phụ thuộc đập Đầm Hà Động, trên địa bàn xã Quảng Lâm để hàn khẩu thân đập và giúp dân dọn dẹp nhà cửa. Tại khu phố Minh Khai và Lý A Coỏng (2 phố bị nặng nhất) thuộc thị trấn Đầm Hà, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 43 (Sư đoàn Bộ binh 395, Quân khu 3) đang cùng với các chiến sĩ dân quân tất bật giúp các hộ dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất. Nhà bị sập hoàn toàn, hầu hết vật dụng bị hỏng và bị nước cuốn đi khiến gia đình chị Tô Thị Hường, phố Lý A Coỏng gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Chị xúc động nói: “Trong lúc khó khăn này, gia đình tôi được các chú bộ đội và dân quân thị trấn đến giúp đỡ tìm lại vật dụng và dọn dẹp, khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn”. Có mặt tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Văn Phúc, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đầm Hà cho hay: “Trong ngày 31-10, có hơn 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban CHQS huyện, công an, dân quân các xã, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà và Trung đoàn 43, Trạm Ra-đa 28 (Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân), các Đồn Biên phòng: 5, 7, 11, 19 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, tham gia khắc phục. Tại vị trí thân đập có gần 200 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ hàn khẩu. Số còn lại tiếp tục giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa và dọn bùn, đất ở Trung tâm Y tế huyện”. Theo đánh giá của chính quyền huyện Đầm Hà, dù trời đã nắng, nhưng do sức tàn phá ghê gớm của cơn “đại hồng thủy”, nên công việc giải quyết hậu quả gặp rất nhiều khó khăn và dự kiến phải kéo dài ít nhất một đến hai ngày tiếp theo.
 |
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia chữa cháy kho hàng ở 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày 30-10-2014. Ảnh: Hữu Thu
|
Tuy tình huống vỡ đập xảy ra vào rạng sáng, nước lũ dâng nhanh, nhưng điều đáng mừng là không có thiệt hại về người. Điều đó cho thấy việc phát huy vai trò “4 tại chỗ” của chính quyền địa phương, cũng như sự cảnh giác cao của người dân và các lực lượng tại chỗ và địa bàn lân cận tham gia ứng cứu đã cơ động và phản ứng kịp thời, nhất là vai trò của LLVT. Cụ thể, ngay sau khi có sự cố, Ban CHQS huyện Đầm Hà đã kịp thời báo cáo với Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh và cấp ủy, chính quyền địa phương để có phương án xử lý. Đồng thời, thông báo với các đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện và tỉnh để tăng cường, chi viện lực lượng, phương tiện ứng cứu. Sáng 31-10, Sở chỉ huy nhẹ của Bộ tư lệnh Quân khu 3 tại tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khắc phục hậu quả, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ngay sau khi có sự cố, ngoài việc huy động lực lượng, phương tiện của các huyện, thành phố tỉnh Quảng Ninh, Bộ tư lệnh Quân khu 3 còn điều động lực lượng của Trung đoàn 43 và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 tham gia khắc phục sự cố.
Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của LLVT thời bình
Trong ngày 30-10, tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân gây hỏa hoạn thì nhiều, song đều xuất phát từ sự chủ quan của cá nhân và doanh nghiệp chủ quản. Ngày 31-10, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến hiện trường vụ cháy ở 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội để tìm hiểu sự việc. Đây là xưởng sản xuất, chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Đại Ngàn và Công ty quảng cáo Mặt trời đỏ thuê lại mặt bằng Công ty Lâm sản Giáp Bát. Thiệt hại do các vụ cháy gây ra rất lớn. Chia sẻ về kinh nghiệm trong tổ chức chữa cháy, Trung tá Đoàn Việt Tiến, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Tại cụm kho ở 32 Đại Từ, phường Đại Kim có gần 10 kho hàng nằm sát nhau, trong đó có cả xưởng sửa chữa ô tô. Nếu lực lượng chức năng không cơ động nhanh, kịp thời ngăn chặn cháy lan trên diện rộng thì thiệt hại là rất lớn. Khi nhận thông tin, đơn vị đã điều động 30 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường di dời tài sản cho nhân dân. Để bảo đảm cơ động nhanh, Ban CHQS quận Hoàng Mai đã huy động lực lượng dân quân của 4 phường: Đại Kim, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Giáp Bát và 20 đồng chí tự vệ của Công ty Phát triển nhà và đô thị Hà Nội, Công ty Hoàng Hà, đến hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng khống chế đám cháy”.
Thượng tá Đỗ Trí Dũng, Trưởng ban Cứu hộ, cứu nạn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã điều động 216 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân, tự vệ, cùng 2 kíp xe cứu hỏa và 2 xe tải phối hợp với lực lượng tại chỗ của quận Hoàng Mai và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội tham gia vận chuyển, di dời, cách ly hàng hóa, bảo vệ hàng hóa tập kết tại khu vực an toàn, đồng thời phối hợp với Cảnh sát PCCC dập lửa, chống sập…
Mặc dù đường sá cơ động khó khăn, khu vực nhà xưởng chủ yếu là gỗ và các vật liệu dễ cháy, nguồn nước chữa cháy tại chỗ không bảo đảm, nguy cơ mất an toàn rất lớn do nhiệt độ cháy cao, gây sập đổ nhà, xưởng, nhưng xác định nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của LLVT trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia chữa cháy, giảm tối đa thiệt hại, bảo đảm an toàn tuyệt đối người, trang bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
DUY HỒNG – TUẤN NAM – TUẤN LINH