QĐND Online - Đồng chí Hoàng Văn Thái là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng có tác phong, phong cách quân sự kiểu mẫu, tấm gương sáng về đức độ, tài năng, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ; là sự hội tụ, tỏa sáng giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng khẳng định rằng, chăm lo rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ là một trong những biện pháp quan trọng nhất để quân đội ta mau tiến lên chính quy, tiên tiến, hiện đại, có đủ sức mạnh để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Theo quan điểm của Đại tướng, tác phong, phong cách quân sự là bộ mặt của tâm hồn, là trang phục của tư tưởng, là sự thể hiện bản chất và tính cách của cán bộ, chiến sĩ quân đội cách mạng. Tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta thể hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, ở đạo đức cách mạng, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, trọn vẹn cuộc đời vì nhân dân phục vụ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nghiên cứu thân thế, cuộc đời binh nghiệp và các bài viết, bài nói của Đại tướng Hoàng Văn Thái, chúng ta thấy rất rõ sự nhất quán trong thể hiện tác phong, phong cách quân sự của ông và nhiều điều quý giá cần được phổ biến, truyền lại cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta; đặc biệt là sự cần thiết phải nghiên cứu, học tập, giáo dục, rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quan điểm của Đại tướng Hoàng Văn Thái về rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hiện nay có thể khái quát qua mấy điểm sau đây.

 Một là, kết hợp chặt chẽ giữa tính nguyên tắc cứng rắn với biện pháp thực hiện linh hoạt, mềm dẻo. Một trong những yêu cầu đầu tiên mang tính nguyên tắc của Đại tướng Hoàng Văn Thái đối với việc rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta là làm cho mỗi người dù ở cương vị, chức trách nào, điều kiện hoàn cảnh nào cũng đều thấu triệt sâu sắc nguyên tắc về sự thống nhất giữa sự cứng rắn, chắc chắn về nhận thức, quan điểm, lập trường giai cấp và hoạt động thực tiễn quân sự với tính năng động, sáng tạo, mềm dẻo trong ứng xử linh hoạt, hiệu quả trước mọi tình huống, nhất là những tình huống, vấn đề nhạy cảm, mới xuất hiện, chưa có trong tiền lệ. Đại tướng đặc biệt quan tâm đến tính chủ động, tích cực; tính khẩn trương, thận trọng, tỉ mỉ và chính xác; tính kỷ luật tự giác nghiêm minh trong duy trì, thực hiện nền nếp chính quy; tính hiệu quả, thống nhất giữa lời nói và việc làm; tính quyết đoán của cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với người chỉ huy các cấp...

Đại tướng cho rằng, cương - nhu, cứng - mềm trong hoạt động quân sự là những phẩm chất không thể thiếu để tạo nên tác phong, phong cách quân sự đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Thực tế chỉ ra rằng, thực tiễn hoạt động quân sự rất đa dạng, phong phú và luôn vận động, biến đổi không ngừng, mọi tình huống phức tạp, khó lường có thể xảy ra ngoài dự kiến, nhưng mọi sự vận động, biến đổi ấy không phải là vô nguyên tắc, nằm ngoài tính quy luật, không phải là không thể nhận thức được và thiếu biện pháp giải quyết. Để ứng xử hợp lý, hợp tình trước các tình huống bất ngờ xảy ra, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần có tác phong, phong cách quân sự bình tĩnh, đĩnh đạc, đường hoàng, khẩn trương, nhanh nhẹn, chắc chắn, nói đi đôi với làm, lý luận gắn chặt với thực tiễn và kỷ luật “thép”.

Đồng chí Hoàng Văn Thái họp tham mưu trong Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh tư liệu

Trong ứng xử, đối phó với mọi công việc, tình huống xảy ra, kể cả thường xuyên và đột xuất, nếu cứng nhắc, tuyệt đối hóa nguyên tắc, chỉ ban hành mệnh lệnh mà không tính đến điều kiện hoàn cảnh thực tế, con người cụ thể và các tình thế sẽ diễn ra, không dự báo đúng, trúng các phương án để có đối sách, biện pháp giải quyết phù hợp thì tất yếu “cứng quá sẽ gãy”, mọi việc dù là nhỏ hay là to đều hỏng. Nếu mềm quá sẽ nhu nhược, sinh ra yếu đuối, thiếu tính quyết đoán, bỏ lỡ thời cơ, vận hội; hệ quả là chậm chễ, sự phối hợp không nhịp nhàng, ăn khớp, dẫn đến hỏng việc, liên lụy đến người khác, ảnh hưởng đến tập thể; thậm chí bộ đội có thể phải đổ máu, hy sinh.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là trong mọi hoạt động quân sự, bất kể là ai, từ tướng lĩnh đến chiến sĩ đều phải phục tùng nguyên tắc, phải có kỷ luật tự giác nghiêm minh để “trống không đánh xuôi, kèn không thổi ngược”. Muốn vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phải được chuẩn bị tâm thế, được học tập, rèn luyện chu đáo, phải thành thạo các thao tác quân sự của người quân nhân cách mạng, phù hợp với từng vị trí công tác, chức trách, nhiệm vụ được giao. Điều cốt lõi là từng cán bộ, chiến sĩ phải ra sức tự học, tự rèn luyện, tự “gột rửa, cắt bỏ những thói quen, nếp sống cũ, đã lạc hậu, lỗi thời” để tôi rèn tác phong, phong cách mới: Nếp sống quân sự chính quy, hiện đại, gắn bó với tập thể, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động; có sức khỏe, có kiến thức khoa học, nghệ thuật quân sự, chính trị vững chắc, luôn thấu triệt chức trách, nhiệm vụ của mình. Tác phong, phong cách quân sự tạo nên giá trị phẩm chất nhân cách, năng lực thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta, làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng, là tiêu chí, thước đo sự khác biệt giữa người quân nhân cách mạng với các công dân khác trong xã hội, với các nghề nghiệp mang tính chất dân sự.

Theo Đại tướng Hoàng Văn Thái, tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hoàn toàn khác tác phong, phong cách của người nông dân, người tiểu thương, thợ thuyền... Trong quân đội ta, phần lớn cán bộ, chiến sĩ có nguồn gốc xuất thân từ nông dân và các tầng lớp xã hội khác, nên một số anh em vì lý do này lý do khác chưa được học tập, rèn luyện tác phong, phong cách quân sự một cách cơ bản, chính quy, chưa tinh thông các nghiệp vụ quân sự thì nhất thiết người chỉ huy phải đưa họ vào môi trường thích hợp để rèn luyện, thử thách, khi nào nhận thấy họ đã tiến bộ, tôi rèn được tác phong, phong cách quân sự chắc chắn thì hãy giao cho họ những công việc thích hợp để họ có thể đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là công việc cần kíp nhưng phải làm từ từ, thận trọng từng bước, không thể chủ quan, nóng vội, mong muốn họ có ngay tác phong, phong cách quân sự mà gò ép họ làm dồn, làm gấp, buộc họ phải thực hiện ngay công việc này công việc khác khi nếp sống, thói quen, lề lối, đặc biệt là nếp suy nghĩ của người nông dân, người buôn bán tự do đã ăn sâu, bám chắc vào họ, trong một khoảng thời gian nhất định họ chưa thể rời bỏ nó.

Theo Đại tướng: "Trung với Đảng", "Trung với nước, hiếu với dân" là phẩm chất cơ bản xuyên suốt mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Đại tướng khẳng định đây là điều căn cốt nhất để tạo nên tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Cho nên, giáo dục, rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ phải đặc biệt quan tâm rèn giũa các kỹ năng sống, công tác, hoạt động quân sự cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới. Đó cũng là điểm khác biệt căn bản nhất về tác phong, phong cách của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta so với tác phong, phong cách của binh lính quân đội đánh thuê nhà nghề, thực hiện mục đích gây chiến tranh xâm lược, đi áp bức bóc lột dân tộc khác để vơ vét tài nguyên, của cải để đưa về nước, làm giàu cho chính quốc và cũng là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa người quân nhân cách mạng với người dân bình thường, các đối tượng khác trong xã hội.

Đối với quân đội ta, tác phong, phong cách quân sự được Đảng, Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Trong thực hiện các chức năng: Là đội quân chiến đấu, là đội quân công tác hay là đội quân sản xuất, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đó là cái khả biến, còn cái bất biến tạo nên bản chất, giá trị vốn có của tác phong, phong cách quân sự - nét đẹp của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là luôn kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; không bao giờ thay đổi trước những khó khăn, thách thức. Đó là những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Đó là tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta và nó cần rèn giũa thật kỹ lưỡng cho bộ đội trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Chừng nào cán bộ, chiến sĩ quân đội ta chưa rèn luyện được tác phong, phong cách quân sự với tư cách là cái vốn có, hoàn toàn tự giác thì chừng ấy, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới chưa thể an tâm, chưa thể đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Đó là điều lúc sinh thời, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn băn khoăn, trăn trở, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ quân đội ta và nó vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội ta hiện nay.

Hai là, kết hợp chặt chẽ tính cách mạng với tính khoa học. Tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta không phải tự nhiên mà có được, cũng không phải đào tạo, trang bị, rèn luyện một lần là xong rồi cứ như thế mà khai thác mãi. Nó cần được bồi đắp, rèn giũa, mài sáng hằng ngày; thậm chí phải được đào tạo, rèn giũa thành thói quen, kỹ xảo, kỹ năng sống, học tập, công tác, huấn luyện một cách thường xuyên, tự giác. Động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ quân đội ta rèn luyện tác phong, phong cách quân sự là sự thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về bản chất của chiến tranh và quân đội, các vấn đề quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chỉ đến khi nào, các phẩm chất nhân cách, lẽ sống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trở thành thói quen, nền nếp ổn định, vững chắc trong tác phong, phong cách sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta thì họ mới say mê, tận tụy với công việc, biết tìm tòi, sáng tạo, đề ra những phương án tối ưu nhất để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Không ít lần, Đại tướng Hoàng Văn Thái khẳng định rằng, tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội là sản phẩm kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình cách mạng với sự am hiểu công việc, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn quân sự theo cương vị, chức trách được giao của cán bộ, chiến sĩ. Có ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình cách mạng nhưng mà thiếu tri thức khoa học, nghệ thuật quân sự, thiếu ý thức chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh của quân đội, tất yếu sẽ dẫn tới việc nhận thức sai, làm sai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nôn nóng, chủ quan duy ý chí, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại cách mạng một cách vô ý thức. Đại tướng rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của V.I.Lê-nin: Nhiệt tình cách mạng cộng với sự dốt nát bằng đại phá hoại cách mạng.

Tính khoa học và nghệ thuật quân sự là những yếu tố bắt buộc không thể thiếu để cấu thành tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phải được đảm bảo bằng tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, luôn luôn được soi sáng bởi tri thức khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vì vậy, Đại tướng Hoàng Văn Thái thường nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quân đội ta: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (1). Đại tướng cho rằng, một trong những yếu tố tạo nên tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta là bất kỳ ở điều kiện hoàn cảnh nào, mọi quân nhân cũng đều phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập, huấn luyện quân sự, chính trị để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng; không được để bộ đội bị tụt hậu.

 Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách và quyết đoán. Là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu, người có trọng trách lớn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Đại tướng luôn nêu tấm gương sáng mẫu mực về rèn luyện tác phong, phong cách quân sự, phương thức làm việc dân chủ, tập thể. Thực hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Đại tướng cho rằng, một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề phức tạp, cũng như không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như đời sống xã hội. Vì vậy, chức quyền càng cao, trọng trách càng lớn thì cần phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân. Đại tướng Hoàng Văn Thái rất tâm đắc lời dạy của Bác Hồ: “Dễ mười phần không dân cũng chịu; khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đại tướng cho rằng, thắng lợi trên chiến trường cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, một mình chỉ huy, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể làm nổi. Do đó, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hơn ai hết cần rèn luyện cho được tác phong, phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nếu không rèn luyện được tác phong, phong cách ấy thì cán bộ chỉ huy không phát huy được trí tuệ tập thể, sẽ sinh ra tệ nạn độc đoán, chuyên quyền, coi thường cấp dưới, xa rời cán bộ, chiến sĩ. Đó là điều không thể chấp nhận vì nó trái với bản chất truyền thống của quân đội ta.

Bên cạnh việc đề cao ý thức tập thể, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, phát huy trí tuệ của họ, nhưng trong tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ, nhất là người chỉ huy lại không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời, chính xác và do đó không thể đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của chiến trường cũng như công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Công việc sẽ ùn tắc, không thể tiến triển. Về điều này, Đại tướng Hoàng Văn Thái rất tâm đắc lời dạy của Bác Hồ: “Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng cứ đưa ra bàn mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy là hiểu máy móc. Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ. Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng mới cần tập thể quyết định” (2). Đặc biệt, trong những thời điểm then chốt, khi có thời cơ, người chỉ huy phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm; nếu không “Lạc nước hai xe đành bỏ phí” như Bác Hồ đã dạy chúng ta. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý, chỉ huy là trái với tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta.

Bốn là, tác phong, phong cách làm việc quần chúng. Sống trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn cảm nhận sâu sắc tình cảm quý mến, yêu thương mà mọi người dành cho ông. Đáp lại tình cảm yêu thương, sự ân cần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Đại tướng đã cố gắng sống hết mình và làm việc hết mình; Đại tướng thường tâm sự với cán bộ, chiến sĩ: Chúng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Mục tiêu, lý tưởng của quân đội ta là đem lại hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được làm điều gì để nhân dân buồn phiền. Phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Điều gì nhân dân chưa hiểu thì nghĩa vụ của chúng ta là phải giải thích cặn kẽ, làm cho nhân dân thông hiểu. Có như vậy, nhân dân mới gắn bó, yêu thương, giúp đỡ chúng ta. Được như thế thì chẳng có khó khăn nào ngăn cản được bước tiến của chúng ta.

Đại tướng luôn luôn nhắc nhở, phê bình một số cán bộ, chiến sĩ không chịu nghe ý kiến của nhân dân; học tập kinh nghiệm của nhân dân; cho nên ý kiến của họ thành ra lý thuyết suông, không hợp với thực tế nên không phát huy được sức mạnh của sự đoàn kết quân dân. Đại tướng cho rằng, cán bộ chỉ huy, nhất là những đồng chí quyền cao, chức trọng, nhưng xa cách cán bộ cấp dưới, chiến sĩ và quần chúng nhân dân, chắc chắn không thể hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cấp dưới mình phụ trách và nhân dân. Do đó, mọi chỉ thị, biện pháp ban hành, không được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đồng tình ủng hộ, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chắc chắn không cao. Cho nên, Đại tướng cho rằng, cán bộ, dù ở cấp nào, chức vụ cao hay thấp đều phải luôn vừa là người đồng hành vừa là người dẫn dắt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Muốn vậy, cán bộ, chiến sĩ phải rèn luyện tác phong, phong cách quần chúng; luôn đi sâu, đi sát cơ sở; hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người mình đang phụ trách và đề ra được chính sách hợp lòng dân. Làm được như thế, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sẽ tin, sẽ yêu, sẽ nể phục, sẽ đi theo, làm theo và thành tâm ủng hộ chúng ta.

Đại tướng luôn phê phán những cán bộ mà tác phong, phong cách quân sự có vấn đề, đó là những biểu hiện: Quan liêu, hách dịch, chỉ “loanh quanh ở văn phòng, chuyện bàn giấy”, coi thường cấp dưới, xa rời quần chúng nhân dân. Đại tướng yêu cầu: Cán bộ chỉ huy phải bám sát cơ sở; có chân thì phải đi, có mắt thì phải nhìn thấy, có tai thì phải lắng nghe, miệng nói, tay phải làm, đầu óc phải nghĩ, có như vậy mới nắm bắt được thực chất tình hình tư tưởng bộ đội; điều tra, kết luận chính xác mọi vấn đề; kịp thời rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ cấp dưới và nhân dân. Theo Đại tướng, tác phong, phong cách quân sự của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta thể hiện ở chỗ: Cán bộ, chiến sĩ phải hòa mình vào đời sống của nhân dân; không được tỏ ra quan cách, khác biệt với nhân dân. Nhân dân có tin mình và mình có đem lại niềm vui, hạnh phúc cho họ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tác phong, phong cách quân sự mà cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã rèn luyện. Đại tướng rất tâm đắc lời dạy của Bác Hồ: Xa rời quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta sẽ giống như cá bị tách ra khỏi nước, mất hết khả năng và sức sống.        

Để vận dụng các quan điểm nêu trên của Đại tướng Hoàng Văn Thái vào việc rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trong xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần đẩy mạnh nghiên cứu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, nhất là các tác phẩm của Đại tướng. Qua đó, vận dụng, tuyên truyền, giáo dục giá trị, ý nghĩa quan điểm của Đại tướng Hoàng Văn Thái về rèn luyện tác phong, phong cách quân sự cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là các học viên đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, chú trọng việc xây dựng nền nếp chính quy, tác phong, phong cách lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội ta hiện nay.

      Thiếu tướng, PGS, TS, NGND, NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr. 215.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, S.đ.d,  tr. 505.