QĐND - Như thường lệ, cuối giờ chiều, Binh nhất Phạm Minh Ngọc lại cùng Binh nhất Mai Văn Vượng, chiến sĩ  đảo Sinh Tồn Đông và các đồng đội ra ghế đá trước đơn vị ngồi trò chuyện. Chẳng biết các chàng lính trẻ tỉ tê những gì mà mỗi khi họ cùng cười thì như át cả tiếng sóng biển.

 

Ngọc quê ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, còn Vượng quê ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Tuy mỗi người một vùng quê, một giọng nói khác nhau nhưng hai chàng trai này lại chơi rất thân với nhau. Mai Văn Vượng thổ lộ: “Những ngày đầu ra công tác ở đảo, ai cũng nhớ nhà, nhớ đất liền. Những lúc đó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lại ngồi quây quần bên nhau trò chuyện, đàn hát giúp cho mọi người vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và thêm hiểu về bản thân và hoàn cảnh gia đình của đồng đội”.

Phút thư giãn của các chiến sĩ trẻ đảo Sinh Tồn Đông

 

Xa đất liền, xa người thân khiến cho tình cảm của những người lính thêm gắn bó keo sơn. Bởi thế, khi có nhiệm vụ khó khăn, vất vả, mọi người trong đơn vị đều tự giác, cùng gánh vác chia sẻ cho nhau. Có lần biết Vượng bị cảm từ chiều, mặc dù đã phải gác ca tối nhưng Ngọc vẫn xung phong gác thay cho đồng đội lúc rạng sáng hôm sau. Hôm đồng đội thấy Ngọc gọi điện xong, vẻ mặt buồn rười rượi, anh em cùng tiểu đội gợi hỏi, Ngọc mới thổ lộ do người yêu hiểu lầm nên giận dỗi đòi chia tay. Biết được sự việc, cả tiểu đội ngồi bàn bạc cách minh oan cho đồng đội, bằng cách viết chung một bức thư gửi bạn gái của Ngọc. Trước những dòng chữ mộc mạc, chân thành và sự lập luận phân tích có lý có tình của các chiến sĩ nơi đảo xa, đã khiến bạn gái của Ngọc hiểu hơn về tình cảm và tấm lòng của những chàng lính biển. Từ đó, tình yêu của họ càng thêm mặn nồng.

 

Được trò chuyện với các chiến sĩ trẻ nơi đảo xa, giúp tôi hiểu hơn về tình cảm, trách nhiệm của họ với đồng chí, đồng đội. Tôi luôn tin rằng, sự đoàn kết gắn bó của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng hôm nay sẽ là động lực để họ cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

 

Bài và ảnh: HỒNG KHÁNH CHI