QĐND - Hủy nổ là một trong những biện pháp được sử dụng phổ biến trong quá trình xử lý bom, mìn, đạn dược. Mỗi nước đều có những phương pháp tiến hành hủy nổ theo các tiêu chuẩn riêng hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế. Bài báo này giới thiệu sơ bộ phương pháp hủy nổ đạn hệ II của một số nước thuộc khối NATO. 

Phân loại đạn

Việc nhận dạng và phân loại đạn trước khi hủy nổ là công đoạn rất quan trọng, đặc biệt là với các loại bom, đạn mới dò tìm được. Trên cơ sở phân loại sẽ quyết định phương pháp xử lý phù hợp. Thông thường, đạn hệ II (đạn của các nước tư bản) được chia thành các loại cơ bản: Đạn nổ mạnh có ký hiệu HE (high-explosive) là các loại đạn nổ phá, nổ phá sát thương; đạn lõm chống tăng ký hiệu HEAT (high-explosive antitank) là các loại đạn sử dụng hiệu ứng nổ lõm để phá hủy các loại xe tăng, xe bọc thép; đạn xuyên thép, ký hiệu AP (armor-piercing), là các loại đạn sử dụng vật liệu cứng để xuyên qua các vỏ thép; đạn chống người, ký hiệu APERS. Đạn chống người thường có vỏ mỏng, phía trong thân đạn có khía các rãnh để tạo mảnh làm tăng hiệu quả sát thương.

Ngoài ra, đạn hệ II còn có các loại khác như đạn chùm (submunition); đạn nổ nén có ký hiệu HEP (high-explosive plastic) hay HESH (high explosive squash head); đạn hóa học (chemical); đạn rải đinh, đạn ria (canister); đạn nhiều công dụng (dual purpose munitions…

Cán bộ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn thực hành hủy nổ mìn.

Khi phân loại đạn dược, cần dựa vào ký hiệu, màu sơn trên thân đạn. Với những loại đạn dược mới dò tìm, cần đặc biệt chú ý đến tình trạng kỹ thuật. Theo cách phân loại này, đạn được chia làm 2 loại: Đã mở và chưa mở bảo hiểm. Đạn đã mở bảo hiểm gồm: Bom, đạn con đã ra khỏi đạn mẹ. Bất kỳ loại đạn con nào khi đã ra khỏi bom, đạn mẹ đều không thể biết chính xác tình trạng kỹ thuật của đạn nhưng thông thường khi ra khỏi bom, đạn mẹ thì chúng đã mở bảo hiểm và rất nguy hiểm. Điển hình của các loại đạn này là bom bi và các loại đạn có ngòi nổ nhưng bị mất đai dẫn hoặc có đai dẫn đã bị hư hỏng... Với các loại đạn này, khi phát hiện cần tiến hành hủy nổ tại chỗ. Ngược lại, với các loại đạn chưa mở bảo hiểm thì có thể di chuyển đến bãi để xử lý. Đạn chưa mở bảo hiểm gồm các loại đạn còn đai dẫn nguyên vẹn hoặc các loại đạn không có ngòi.           

Các kỹ thuật hủy nổ

Trước khi hủy nổ bom, đạn cần phải tính toán khối lượng thuốc nổ mồi cần sử dụng để gây nổ hoàn toàn khối lượng đạn cần hủy. Khối lượng thuốc nổ mồi (thuốc nổ TNT) phụ thuộc vào cỡ đạn cần hủy. Thông thường, với các loại đạn pháo, đạn cối, rốc-két, khi hủy nổ một viên có cỡ nhỏ hơn 75mm cần 100g thuốc nổ TNT; từ 75mm đến 105mm cần 500g; từ 106mm đến 240mm cần 1000g và từ 241mm đến 345mm cần 1250g thuốc nổ mồi... Trường hợp hủy nổ hai hay nhiều viên đạn thì khối lượng thuốc nổ mồi cần sử dụng gấp đôi khối lượng thuốc nổ mồi cho quả đạn có cỡ lớn nhất.

Sau khi có đủ thuốc nổ mồi, bước tiếp theo là tính toán hố hủy đạn. Hố hủy liên quan đến hiệu quả nổ, mảnh văng và sóng xung kích. Một hố hủy tốt phải bảo đảm tăng hiệu quả hủy nổ hoàn toàn đạn trong hố hủy, đồng thời giảm được tác động của mảnh văng đối với môi trường xung quanh và giảm sóng xung kích khi nổ. Chiều sâu hố hủy phụ thuộc vào kích cỡ đạn, loại đạn cũng như khối lượng thuốc nổ, hệ số độ bền nền đất và hệ số điền đầy. Chiều sâu hố hủy ít nhất phải lớn hơn 11 lần cỡ đạn.

Có nhiều cách xếp đạn trong hố hủy để vừa tăng hiệu quả hủy nổ, vừa bảo đảm an toàn. Cách xếp theo hình tháp phù hợp với các loại đạn nổ mạnh nhưng không sử dụng cho các loại đạn xuyên, đạn khói, đạn cháy. Với các loại đạn nổ mạnh ngòi chưa mở bảo hiểm hoặc các quả đạn không có ngòi nổ thì có thể xếp theo hình tròn. Có thể sử dụng hố kết hợp khi xử lý nhiều loại đạn khác nhau trong cùng một hố hủy. Khi đó đặt các đầu đạn có ít thuốc nổ xuống dưới đáy hố, các đầu đạn có nhồi nhiều thuốc nổ mạnh lên trên và xếp quả đạn có lượng thuốc nổ mạnh lớn nhất lên trên cùng (không hủy đạn phốt pho trong hố hủy kết hợp).

Quá trình hủy nổ đạn nhất thiết phải tính được khoảng cách an toàn. Khoảng cách an toàn tối thiểu đối với mảnh văng phụ thuộc vào khối lượng thuốc nổ của quả đạn đơn nhưng không phụ thuộc vào tổng khối lượng thuốc nổ trong hố. Nếu có hai hay nhiều quả đạn xếp trong một hố nổ thì chỉ lấy quả đạn có khối lượng thuốc nổ lớn nhất làm khối lượng để tính toán khoảng cách an toàn. Ngược lại, khoảng cách an toàn với sóng xung kích phụ thuộc vào tổng khối lượng thuốc nổ trong hố hủy. Nếu có hai hay nhiều quả đạn được xếp trong hố thì phải lấy tổng khối lượng thuốc nổ để tính toán khoảng cách an toàn tối thiểu đối với sóng xung kích.

Bài và ảnh: Đoàn Văn Vững