QĐND - Trong những năm chống Mỹ, trên đường Trường Sơn, quân đội Mỹ sử dụng máy bay AC-130E để ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc. AC-130E có sức chở lớn, chứa nhiều nhiên liệu và đạn, có khả năng hoạt động liên tục tới 6-8 giờ, ngay cả trong đêm tối. Hệ thống trinh sát của máy bay hoạt động theo nguyên lý mới và có độ nhạy rất cao, như máy trinh sát khuếch đại ánh sáng mờ, máy trinh sát hồng ngoại… Hỏa lực trên máy bay có 4 pháo 40mm và 20mm, 4 súng máy, được điều khiển bằng điện tử. Máy bay AC-130E đã gây cho lực lượng vận tải Trường Sơn tổn thất nặng nề, riêng mùa khô 1970-1971 đã có 1.022 xe ô tô bị bắn cháy (chiếm 69% số xe thiệt hại), gây tâm lý hoang mang, dao động cho lái xe.

Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng chỉ thị các đơn vị nghiên cứu biện pháp phòng, chống máy bay AC-130E. Sau một thời gian, Viện Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu loại pháo sáng TC70 chỉ thị mục tiêu cho pháo cao xạ, dùng tên lửa không đối không K13 và cải tiến tên lửa đất đối đất H6 thành tên lửa đất đối không, để chống lại máy bay AC-130E. Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu lắp đặt pháo cao xạ 23mm lên thùng xe ZIL-157 (pháo vẫn quay được 360 độ, ổn định xạ kích) và bố trí đi xen kẽ trong đội hình vận chuyển bảo vệ đoàn xe, khiến cho máy bay AC-130E không dám bay thấp bắn phá. Tháng 8-1970, Xưởng A34 (Quân chủng Phòng không-Không quân) cải tiến pháo 37mm chỉ nặng 1,1 tấn để đưa lên các chốt trên Trường Sơn. Quân chủng tiếp tục nghiên cứu lắp pháo 37mm lên xe xích ATC59. Tháng 12-1971, Xưởng A34 lắp đặt 12 khẩu lên xe ATC59 và giao cho bộ đội Trường Sơn. Quân chủng còn nghiên cứu lắp giá treo và thùng rốc-két của máy bay MiG-19 vào máy bay huấn luyện L29 tham gia trực chiến ở Mặt trận Đường 9-Quảng Trị, góp phần hạn chế hoạt động của máy bay AC-130E.

HẢI MINH