Cán bộ Binh đoàn Hương Giang kiểm tra công tác giáo dục chính trị cho chiến sĩ mới tại Đoàn S25. Ảnh: Đức Khải

Gắn tuyển quân với địa bàn động viên không những tạo nguồn tại chỗ cho các đơn vị dự bị động viên, mà còn góp phần tạo nguồn cán bộ cho địa phương, cơ sở, đồng thời giảm chi phí, tốn kém do không phải đi tuyển quân, làm công tác động viên xa địa bàn đơn vị đóng quân. Thiếu tướng Phạm Chân Lý, Cục trưởng Cục Quân lực cho biết như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo QĐND.

 

 

PV: Đề nghị đồng chí Cục trưởng đánh giá kết quả và một số kinh nghiệm qua công tác tuyển quân đợt 1-2009?

 

Thiếu tướng Phạm Chân Lý: Từ ngày 10 đến 14-2, các địa phương, đơn vị đã hoàn thành giao, nhận quân đợt 1 năm 2009, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao hơn năm 2008 cả về tiêu chuẩn chính trị, văn hóa, sức khỏe.

Lễ giao, nhận quân ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được tổ chức theo đúng hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, bảo đảm trang trọng, nhanh gọn, thực sự là ngày hội của toàn dân, của tuổi trẻ tòng quân. Các đơn vị tổ chức cho bộ đội hành quân đường bộ với 1940 chuyến xe ô tô, nhiều ghe, xuồng; hiệp đồng với ngành đường sắt vận chuyển 5 chuyến tàu với gần 2.500 chiến sĩ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đạt được kết quả trên, trước hết các địa phương, đơn vị đã quán triệt nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về tuyển quân đợt 1 năm 2009, có kế hoạch triển khai, kiểm tra cụ thể, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Các bước sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt, thâm nhập và phát lệnh gọi nhập ngũ bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, đúng Luật Nghĩa vụ quân sự. Công tác tuyên truyền, giáo dục được tiến hành đồng bộ, sâu rộng, bằng nhiều hình thức, để mọi người dân, nhất là thanh niên hiểu và thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự; động viên thanh niên hăng hái tham gia khám tuyển và sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo công tác tuyển quân. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, hội đồng khám sức khỏe, tạo sự thống nhất cao giữa địa phương, đơn vị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ bù đổi, loại trả.

Trong tuyển quân đợt 1 năm 2009, toàn quân đã tổ chức 689 đoàn, với hơn 4.300 cán bộ về các địa phương thực hiện “3 gặp, 4 biết”. Kinh nghiệm cho thấy, các đơn vị nhận quân phải hiệp đồng chặt chẽ với địa phương; tổ chức khung đi thâm nhập đủ thành phần, cử cán bộ có năng lực, trách nhiệm, đã được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp, ứng xử khi về địa phương thực hiện “3 gặp, 4 biết”.

PV: Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, trong tuyển quân đợt 1 năm 2009, Quân khu 5 và Quân khu 7 không tổ chức thực hiện “3 gặp, 4 biết” ở một số địa phương, đơn vị thuộc quân khu để rút kinh nghiệm. Đề nghị đồng chí Cục trưởng cho biết kết quả bước đầu, những khó khăn, thuận lợi và “lộ trình” thực hiện chủ trương này?

Thiếu tướng Phạm Chân Lý: Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, đợt 1 năm 2009, Quân khu 5 và Quân khu 7 không thực hiện “3 gặp, 4 biết” ở một số địa phương, đơn vị thuộc quân khu để tổ chức rút kinh nghiệm. Qua kiểm tra thực tế tại Quảng Ngãi cho thấy, có Ban CHQS huyện cử 8 cán bộ đi thâm nhập, thực hiện “3 gặp, 4 biết” phải mất 20 ngày để tuyển chọn được 130 chiến sĩ đủ tiêu chuẩn bàn giao cho đơn vị. Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu chỉ tiêu giao quân thường xuyên của huyện là hơn 500 chiến sĩ/đợt, Ban CHQS huyện có đủ khả năng “vận hành” công tác tuyển quân và hoàn thành chỉ tiêu giao quân bảo đảm số lượng, chất lượng, thời gian? Có đơn vị của Quân khu 5 nhận quân không thực hiện “3 gặp, 4 biết”, tỷ lệ chiến sĩ mới phải loại trả cao hơn trước.

Thực hiện “3 gặp, 4 biết” trong tuyển quân là một chủ trương chiến lược, do vậy cần có bước đi thận trọng, lộ trình chặt chẽ. Các đơn vị thí điểm không thực hiện “3 gặp, 4 biết” đã có một số thuận lợi bước đầu, song cũng bộc lộ những khó khăn, cần tiếp tục nghiên cứu để đi đến thống nhất. Trong các mùa tuyển quân tới, sẽ tiếp tục mở rộng việc không thực hiện “3 gặp, 4 biết” đối với một số đơn vị chủ lực thuộc các quân chủng, binh chủng… đóng quân trên địa bàn quân khu.

PV: Chúng tôi được biết, việc tuyển quân gắn với địa bàn động viên được thực hiện hiệu quả, có chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây. Đồng chí Cục trưởng có thể khái quát hiệu quả “kép” trong thực hiện chủ trương này?

Thiếu tướng Phạm Chân Lý: Đúng vậy. Gắn tuyển quân với địa bàn động viên không những tạo nguồn tại chỗ cho các đơn vị dự bị động viên, mà còn góp phần tạo nguồn cán bộ cho địa phương, cơ sở, đồng thời giảm chi phí, tốn kém do không phải đi tuyển quân, làm công tác động viên xa địa bàn đơn vị đóng quân. Đợt 1 năm 2009, Binh đoàn Tây Nguyên và một số đơn vị thuộc các quân chủng: Hải quân, Phòng không-Không quân; các binh chủng: Đặc công, Hóa học và Tổng cục Kỹ thuật… đóng quân ở miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam đã tuyển đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, đúng địa bàn. Thực hiện tuyển quân theo địa bàn đã góp phần tăng cường mối quan hệ phối hợp hiệp đồng giữa đơn vị nhận quân, làm công tác động viên với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương; nâng cao nhận thức về công tác quân sự, quốc phòng địa phương cho đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó nhiều đồng chí là chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về tiếp tục tham gia lực lượng dự bị động viên và bổ sung nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương.

PV: Xin cám ơn đồng chí Cục trưởng!

 

PHẠM QUÂN (thực hiện)