Thắp sáng niềm tin biên cương

Bình minh trên sông, chiếc vỏ lãi ngược dòng Giang Thành đến với miền biên cương.

Nhìn cánh cò trắng đậu kín hàng cây, gợi lên cảnh thanh bình ở một miền quê trù phú. Ngó sang hai bên, nước xăm xắp đôi bờ, những vuông tôm nối tiếp nhau giữa không gian mênh mang. Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: “Trước đây, khu vực này còn hoang hóa, dừa nước mọc tràn lan, từ khi đổi mới, những bàn tay cần cù đã biến đầm lầy thành vuông tôm, thửa ruộng, xóm ấp san sát bình yên”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: HÀ CHUYÊN

Đi giữa quê hương Phú Mỹ anh hùng, nơi bảo tồn cánh đồng cỏ bàng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, không những tạo nguồn sinh kế bền vững cho bà con mà còn góp phần phát triển làng nghề thủ công truyền thống. Cùng với đó, Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Phú Mỹ được thành lập, góp phần giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Nhờ thế mà sếu đầu đỏ quý hiếm thường lui về đây tìm kiếm thức ăn.

Theo kế hoạch, cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ lên mốc giới 304/8 để trao học bổng “Nâng bước em đến trường” tặng học sinh nghèo vượt khó tại xã Prây Cơ Rớt, huyện Kam Pong Trach, tỉnh Kam Pot (Vương quốc Campuchia), trị giá mỗi suất 6 triệu đồng. Đây là hoạt động thường niên, hỗ trợ các học sinh nghèo vượt qua hoàn cảnh, góp phần thắt chặt quan hệ tốt đẹp giữa BĐBP Việt Nam với người dân cũng như các lực lượng của nước bạn Campuchia.

Anh Tâm cho biết thêm: “Hiện đơn vị đỡ đầu cho 40 học sinh nghèo vượt khó, trong đó có 9 em của nước bạn, ngoài ra còn nhận nuôi 1 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Nguồn quỹ được trích từ lương của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang.

Tiếng máy giảm dần, chiếc xuồng ghé vào bờ, nơi có căn nhà lá nằm dưới tán cây xanh của ông Lý Văn Nhợi (thường gọi là chú Ba). Trước kia, chú Ba dựng căn nhà ở đây để trông coi những vuông tôm. Ở miết mấy chục năm thành thân thiết. Các con của chú Ba ở ấp Kênh Mới, xã Phú Mỹ từng nhiều lần mời bố về để tiện chăm sóc lúc tuổi già, nhưng ông không chịu, quyết định ở lại với dòng sông, đồng hành với người lính quân hàm xanh miền biên cương nắng gió.

Nhắc tới chú Ba Nhợi, Đại úy QNCN Chau Cuốn, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Phú Mỹ không quên kỷ niệm về ông, người từng nhường căn nhà thân yêu của mình để bộ đội làm nhiệm vụ trong đại dịch Covid-19.

Khi xác định dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát diện rộng, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã triển khai lực lượng chốt chặn các đường mòn, lối mở. Tổ công tác của đồng chí Chau Cuốn nằm giữa mênh mông sông nước, xa khu dân cư, xa lộ chính, chỗ ăn nghỉ chưa có. Nhìn cảnh bộ đội phải “màn trời chiếu đất”, chú Ba thương lắm, giọng quả quyết: “Nhà của tui cũng là nhà của bộ đội, các chú cứ vô, có chi mà ngại”.

Từ trước tới nay, căn nhà chỉ có một mình ông Ba, giờ thêm người, tất nhiên phải cải tạo. Người thì lên dặm lại mái tranh cũ, người ghép thêm vài tấm gỗ thành “giường”. Dưới bếp có sẵn củi, các anh mang theo soong, nồi, bát đĩa, gạo, muối của mình, vậy là chuyện ăn nghỉ cũng tạm ổn. Phú Mỹ nổi tiếng với muỗi, trong bữa cơm tối đầu tiên ấy, mọi người phải quây màn xung quanh để ngồi ăn cơm. Khi bộ đội dựng lán dã chiến, ông Ba nhường vị trí đẹp nhất của khu đất để các anh sử dụng.

Trăng rằm sáng vằng vặc, ông Ba thức giấc sớm, ra sông ngắm bông lục bình trôi. Nhìn về phía lán bộ đội, ánh trăng vàng vẫn đậu trên đôi vai người lính áo xanh, cảm xúc chợt trào dâng. Ông lẳng lặng xuống bếp cời lửa bắc nồi cháo, khi cháo chín mang sang tặng bộ đội. Sương đêm thấm đẫm lá cây, mùi cháo thơm ngậy buổi sớm mai như vị cháo của mẹ. Bất chợt cảm giác cay cay nơi sống mũi.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Từ cơ sở về, vai áo còn lấm tấm mồ hôi, Trung tá Lê Tuấn Phong, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên không giấu được niềm vui, anh chia sẻ: “Gia đình bà Nguyễn Thị Kiểng ngụ tại tổ 6, phường Đông Hồ (TP Hà Tiên) được BĐBP tặng căn nhà tình thương, bữa nay về nhà mới, anh em đang ở đó giúp chủ nhà chuyển đồ”.

Chẳng kịp nghỉ ngơi, anh Phong dẫn tôi đi thăm cung đường tuần tra biên giới. Dưới cái nắng gắt, bóng cây thốt nốt xòe tán rộng như những chiếc ô xanh khổng lồ giữa cánh đồng. Hướng tay về phía trước, anh giới thiệu: “Đây là đường lên mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia”.

Nhìn con đường mềm như dải lụa giữa miền biên cương, khó có thể hình dung ra con đường mòn ngày trước, mỗi mùa nước về là ngập trắng cả một vùng.

Ngày ấy, BĐBP đóng quân tại Thạch Động, một điểm cao lý tưởng với nhiều hang động kỳ vĩ. Còn mốc 314 thì nằm ở vùng trũng, cỏ mọc um tùm. Vào mùa lũ, nước ngập sâu, bộ đội phải gói ghém quần áo cho vào túi ni lông, nhìn theo hướng ngọn cây mà đi.

Thương bộ đội vất vả, chị Thị Mỹ Loan kéo chiếc bè chuối, phương tiện của gia đình vẫn dùng trong mùa nước nổi, tặng các anh đi lại cho đỡ cực. Có lần cả quân và dân cùng ngồi trên chiếc bè, dùng chiếc sào dài đẩy, chiếc bè đi được đoạn xa thì vướng phải cây rừng bị bể, ai nấy đều ướt từ đầu tới chân. Nhắc lại kỷ niệm, chị Loan vẫn rưng rưng cảm xúc.

Đại diện cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ trao học bổng “Nâng bước em đến trường” tặng học sinh nghèo vượt khó Campuchia. 

Thời điểm nước rút càng vất hơn, ngoài việc lau dọn nhà cửa, chị Loan còn tranh thủ ra cột mốc dọn vệ sinh, nước rút tới đâu, chị ra cọ rửa bùn đất tới đó, nếu để lâu, bùn bám khô sẽ rất khó làm sạch. Chị Loan tâm sự: “Hồi đó, cuộc sống của bà con mình còn thiếu thốn, nhưng tình cảm dành cho bộ đội thì không bao giờ vơi”. Nói đến người lính, trên gương mặt chị cứ ánh lên niềm vui.

Đi trên cung đường tuần tra, nghe tiếng trẻ nô đùa vang khắp xóm, ghé vào thăm gia đình ông Chau Chai ở khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức để cảm nhận thêm về đời sống của bà con. Thấy người quen, ông Chau Chai từ trong nhà chạy ra niềm nở đón khách. Nhìn cơ ngơi khang trang, ông vui vẻ cho biết căn nhà này vừa được khánh thành cách đây mấy tháng.

Nhớ về ký ức, ông bảo: “Nhà tui trước kia cũng nghèo lắm, từ ngày được BĐBP tặng cặp bò giống làm nguồn sinh kế thì kinh tế mới vực lên được”. Không chỉ chăm bò để nhân giống, hai vợ chồng ông Chau Chai còn kiếm việc làm thêm. Do chịu thương chịu khó, lại biết tằn tiện trong chi tiêu nên gia đình ông vừa có cuộc sống ổn định, vừa nuôi được con cái học hành đến hết đại học.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, ông Chau Chai còn giúp đỡ những hộ nghèo khác cùng vươn lên thoát nghèo. Nhờ tích cực tham gia công tác xã hội, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản. Ngoài ra, ông Chau Chai còn tham gia Tổ bảo vệ đường biên, cột mốc; Tổ giữ gìn an ninh phum, ấp. Hiện tại, ông là điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào khu vực biên giới thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hoàng hôn nhuộm nền trời màu hoàng thổ, cầu Tô Châu đã sáng đèn, rọi xuống dòng sông như muôn vàn bông hoa ngũ sắc. Đi trên các con lộ lớn tới các phum, ấp đều thấy sạch sẽ. Hóa ra, đó là sáng kiến của tuổi trẻ biên phòng phối hợp với đoàn viên, thanh niên TP Hà Tiên duy trì những hoạt động ý nghĩa, thắm tình quân dân như: Thắp sáng đường biên, trồng cây xanh, thu gom rác thải, góp phần làm đẹp quê hương...

Vẫn biết, với vẻ đẹp vốn có của Kiên Giang, dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa cũng không đủ. Xin được mượn lời của tác giả Lê Giang thay cho lời kết: “Trăng nhú lên bến cảng quê hương/ Trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp/ Sao đâu đâu cũng đẹp/ Trăng lấp lánh lung linh bến nước/ Đoàn tàu về loang loáng trên sông... Kiên Giang mình đẹp làm sao!”.

Ghi chép của PHÙNG MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.