Nhưng từ khi phát động phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên mốc giới”, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới luôn ổn định và được giữ vững.
Trao đổi với Đại tá Đỗ Quang Thành, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, chúng tôi được biết: Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã thành lập các tổ, đội vận động quần chúng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân khu vực biên giới, nhất là nhân dân ở các xóm sát biên giới, các gia đình có đất sản xuất, canh tác trên biên giới hiểu rõ lịch sử, thực trạng đường biên, cột mốc, để mỗi người dân xác định được trách nhiệm với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; các quy định cụ thể trong Luật Biên giới quốc gia, Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới, các văn kiện pháp lý về biên giới để nhân dân tự giác chấp hành. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, để thực hiện tốt công tác phân giới cắm mốc, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, kế hoạch, nội dung tuyên truyền về công tác phân giới cắm mốc. Các đồn biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức, biện pháp tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ đường biên, mốc giới tới từng xóm, bản, từng hộ gia đình với hơn 6.300 buổi cho gần 275 nghìn lượt người nghe. Qua đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khu vực biên giới về chủ trương phân giới cắm mốc của Đảng, Nhà nước.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tổ chức tuần tra bảo vệ mốc giới.
Để phong trào trở thành hoạt động tự giác của mỗi gia đình, mỗi người dân, các đồn biên phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn biên giới chỉ đạo, hướng dẫn các xóm, bản xây dựng quy ước, hương ước tự quản của từng xóm (bản). Những nơi trước đây đã có quy ước, hương ước tự quản về đường biên, cột mốc biên giới, nay bổ sung thêm nội dung tự quản về an ninh trật tự. Các nội dung tự quản trong quy ước, hương ước đều được lấy ý kiến và phổ biến quán triệt tới từng người dân trong xóm, sau đó từng xóm, bản tổ chức họp dân để phát động và tổ chức cho từng gia đình đăng ký thực hiện. Đến nay, 100% xóm, bản biên giới (158/158 xóm) đã xây dựng được quy ước, hương ước, thành lập được 252 tổ nòng cốt tự quản đường biên cột mốc; nhiều xóm, bản đã in các nội dung tự quản thành văn bản có tính pháp quy, ràng buộc đối với từng hộ gia đình lưu giữ để thực hiện.
Đại tá Bùi Văn Nhị, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng cho biết: "Việc triển khai đăng ký tự quản đường biên, cột mốc được thực hiện ngay trên thực địa với sự có mặt chứng kiến của đại diện đồn biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và các chủ hộ trong từng thôn, xóm. Đối với những gia đình cư trú hoặc có đất đai sản xuất, canh tác sát đường biên giới, ngoài trách nhiệm tham gia tự quản theo xóm, bản còn tự giác, tự quản trên chính các khu đất thuộc gia đình mình. Những nơi không có dân cư sinh sống, sản xuất thì tổ chức vận động các xóm, bản liền kề tham gia tự quản. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới của tỉnh đã được quần chúng nhân dân khu vực biên giới đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ".
Trong quá trình tổ chức và duy trì phong trào, các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới đã quan tâm đến việc xây dựng các lực lượng nòng cốt của phong trào. Ngoài việc tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân, công an xã, các đồn biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 252 tổ tự quản về đường biên, cột mốc biên giới và an ninh trật tự ở các xóm. Đặc biệt đã phối hợp với Hội phụ nữ các xã xây dựng 12 tổ phụ nữ trung kiên để huy động, tập hợp và tổ chức cho chị em phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; khuyên bảo, giáo dục chồng con thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ các chủ trương, biện pháp, cách làm trên đây, quần chúng nhân dân các dân tộc biên giới đã phát hiện, cung cấp cho BĐBP 6.748 nguồn tin có giá trị phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; tham gia tuần tra, tu sửa, phát quang đường tuần tra biên giới 6.489 lần/24.091 lượt người... góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Bài và ảnh: KHƯƠNG DOÃN