Đã có mấy lần đi trên các tuyến đường ngang dọc Trường Sơn nhưng lần này càng đi, tôi càng thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Trường Sơn đông nắng, tây mưa

Ai chưa tới đó như chưa rõ mình.

Quả thật, nếu ai chưa một lần đặt chân trên dải Trường Sơn hùng vĩ, sẽ thiếu hụt một mảng kiến thức vô cùng quan trọng trong đời. Trường Sơn bao la, bạt ngàn rừng núi vẫn còn nhiều nơi vắng bóng người. Chỉ đến hôm nay, khi những cán bộ, chiến sĩ QĐND được giao trọng trách mở đường tuần tra biên giới (TTBG), những cánh rừng già nguyên thủy và những ngọn núi trập trùng ấy mới có cơ may được đánh thức.

Chưa nói đến những gian nan vất vả của người lính mở đường mà chỉ đi thăm và kiểm tra cùng đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã gặp khá nhiều tình huống bất ngờ, nan giải. Đoàn xe vừa tiến vào cánh rừng già của tỉnh Bình Phước chừng 10km đã lạc đội hình. Thượng tá Vũ Đức Thắng, cán bộ của Ban quản lý dự án 47, được giao “cắm chốt” ở địa bàn Tây Nguyên để theo dõi, đôn đốc các đơn vị thi công, mặc dù đã nhiều lần qua lại trên các nẻo đường này nhưng cũng chưa nhớ hết lối đi khi đưa đoàn công tác đến tuyến. Dừng chân bên sông Sa Thầy, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn-Chủ nhiệm chính trị, Bí thư đảng ủy Bộ Tổng tham mưu, Trưởng đoàn công tác nói với chúng tôi: “Đường rừng hoang vu, hẻo lánh quá, không có ai trên đường để mà hỏi thăm. Chỉ tìm đến được các đơn vị thi công đã khó khăn như vậy rồi. Có đến tận đây mới thấy hết khó khăn, gian khổ của anh em cán bộ, chiến sĩ mở đường”.

Đoàn kiểm tra vượt sông Sa Thầy (Kon Tum) đến những điểm đang thi công. Ảnh: Xuân Gụ

Mới vào đầu mùa mưa, các dòng suối nhỏ nước cạn, xe có thể vượt ngầm. Nhưng với dòng sông lớn như Sa Thầy, Sê San, nước đã dâng cao, chảy xiết, ô tô không thể vượt qua. Vì thế, có những đoạn đường mở thông tuyến nhưng vướng sông sâu, cả đoàn công tác phải quay trở lại quốc lộ xa vài ba chục cây số rồi vòng vào tuyến ở đoạn tiếp theo. Hôm qua sông Sa Thầy, nhìn dòng nước xiết dâng cao, cả đoàn đã tính chuyện quay trở lại. Nhưng với kinh nghiệm và sự quyết đoán, Thiếu tướng Hoàng Kiền yêu cầu cho xe U-oát vượt sông trước. Chiếc xe nhảy chồm chồm trên đá ngầm như một con trâu nước và bò được sang bờ bên kia. Tiếp đó, cả đoàn xe lần lượt rú ga, rẽ nước vượt qua. Mấy xe bị nước ngập tới cánh cửa, tràn vào trong sàn. Chiếc xe của Công ty xây dựng Lũng Lô bị ngập sâu, cháy mất máy phát điện. Thế là đêm hôm đó, xe đi trong mưa không đèn, không còi, không điều hòa nhiệt độ, không đèn hiệu. May mà đi đường rừng, không sợ vi phạm luật giao thông. Gần 100km, một xe đi trước dẫn đường, một xe đi sau rọi ánh sáng, 3 xe đi so le, rồng rắn để bò về thị trấn Ngọc Hồi (Kon Tum). Giữa thời bình, trên công trường xây dựng đường TTBG vẫn thường xuyên có những chuyến xe đi trong đêm Trường Sơn như thế. Có đêm xe hỏng, anh em cán bộ Ban 47 phải cuốc bộ 6-7km đi tìm thuê xe công nông vào kéo xe ra. Các anh cho biết, đã hàng chục lần đi kiểm tra tuyến, lần nào cũng gặp những tình huống bất ngờ, ngoài dự kiến nên hành trang đi đường bao giờ cũng phải chuẩn bị chu đáo như thời chiến. Vì làm việc theo kế hoạch, đi theo cung tuyến, mỗi ngày phải hành quân chặng đường vài ba trăm cây số, qua bao đèo dốc, sông suối, ăn uống thất thường. Cứ 5-6 giờ sáng xuất phát mà có khi nửa đêm mới về tới điểm dừng chân… Tôi chợt nghĩ, xe đi kiểm tra gọn nhẹ hơn nhiều còn như vậy thì hàng triệu lượt chuyến xe tải đang và sẽ chuyển vật liệu, phương tiện vào xây dựng các tuyến đường còn khó khăn nguy hiểm bao nhiêu!

Do tuyến mới được phát cây, mở lối bằng xe ủi nên đất đá mấp mô, rễ cây to bằng cổ tay tua tủa nhô lên đầy mặt đường, đập vào gầm xe bôm bốp. Đi qua các nẻo đường công vụ, cành cây xòa xuống thấp, quất vào kính và thân xe ràn rạt. Nhiều sườn núi quá dốc, xe ủi chưa hạ thấp được độ cao, xe lao lên rồi chúc xuống chừng 450. Xe lên dốc, ai nấy ngửa mặt nhìn mây trời; xe xuống dốc, tưởng như muốn đâm sầm xuống khe suối. Tay chân mỏi nhừ vì phải bám chặt, toàn thân lên gân cốt để chống đỡ với liên tục những cú lắc, rung. Chưa hết, gặp cơn mưa rào hoặc có chỗ nước ngầm tuôn ra, bùn đất nhão nhoét, xe bò ngoằn ngoèo rồi trôi ngang, trôi dọc. Mọi người phải xuống lội bộ, vượt đèo chờ xe qua. Một vài chỗ vừa dốc, vừa trơn, bùn lún quá sâu, xe Land Cruiser 4500 cũng đành quay tít cả 4 bánh, xoay chéo đít rồi ngập bùn tới cánh cửa. Phải nhờ đến xe ủi buộc dây, lần lượt kéo từng xe lên. Nhiều đoạn đường quá hẹp, chỉ vừa đủ vết bánh xe lăn, một bên là vực sâu hun hút, người yếu bóng vía chắc chắn không dám ngồi xe qua đó.

Các đơn vị thi công ở những đoạn đường vùng Tây Bắc cũng khó khăn không kém, thậm chí còn mở đường qua những đỉnh núi cao hơn. Hôm kiểm tra công trường ở huyện Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La), chúng tôi phải đi bằng xe ôm, leo dốc dài 4-5km mới vào đến tuyến. Xe gài số 1, ga hết cỡ, ống bô và má phanh bốc mùi khét lẹt, xe nhảy chồm chồm qua bờ ruộng bậc thang. Người ngồi sau liên tiếp đập mặt vào gáy người ngồi trước. Khi lao xuống dốc, dùng cả phanh chân, tay mà xe vẫn trôi đi. Chỉ chạy được một lúc, kim đồng hồ báo xăng đã tụt xuống rất nhanh.

Với cánh lái xe chuyên nghiệp, ai từng một lần đi qua những nẻo đường như thế mới thực sự được thử thách tay nghề. Đoàn xe đi kiểm tra có một xe Mitsubisi của Công ty Tân Cảng, do Thiếu úy Nguyễn Văn Thắng cầm lái. Do chỉ quen chạy ở thành phố nên gặp địa hình hiểm trở, anh tỏ ra hoang mang, nét mặt lúc nào cũng căng thẳng. Xe anh chuyên tụt hậu nên cũng hay bị lạc trong rừng, khiến cả đoàn nhiều lần phải chờ đợi. Một hôm đi qua suối, dân lâm nghiệp chỉ bắc cầu tạm bằng mấy cây gỗ tròn, chuyên dùng cho xe tải. Lái xe phải căn thật chuẩn thì hai hàng bánh xe mới bò lên hai cây gỗ qua cầu. Đoàn xe đi khoảng dăm cây số, dừng lại không thấy xe của Thắng đâu, đoán ngay là anh này trượt bánh xuống khe hai cây gỗ. Tất cả đành quay lại tìm cách cứu kéo. Tối ấy, khi đã ra đến đồn biên phòng Bu Cháp (Đắc Nông), trời lại mưa rào, Thắng tỏ ra mệt mỏi nên chạy chậm, gần nửa đêm mới về tới Buôn Ma Thuột.

Mỗi một đợt kiểm tra phải mất chừng nửa tháng. Thiếu tướng Hoàng Kiền tâm sự: “Mặc dù đã có cán bộ của Ban 47 “cắm chốt, nằm vùng” ở các địa bàn nhưng chúng tôi vẫn phải mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần đi kiểm tra và đôn đốc trên công trường như thế. Nền nếp này đã được duy trì từ năm 2005, khi đó đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Đại tá, nguyên Phó tư lệnh Công binh, là giám đốc đầu tiên của Ban dự án 47. Mùa mưa đang đến rồi, vật liệu ở đâu cũng khan hiếm, chúng tôi lo tiến độ chậm nên càng phải bám sát hiện trường để cùng các đội thi công tháo gỡ khó khăn. Chậm trễ ngày nào là giá cả vật liệu đội lên và kinh phí phát sinh thêm ngày đó. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tiền bạc vay của dân, không thể lãng phí…”.

Đi cùng đoàn kiểm tra, chúng tôi đã cảm nhận thêm bao điều mới mẻ và ấn tượng khó quên về công trình thế kỷ.

(Kỳ sau: “Đá lát nền đường lấy ở đâu?)

Bài: ĐỨC TOÀN