QĐND Online – Chăm chỉ, khéo tay, lành nghề; không chỉ giỏi trong chuyên ngành máy bay động cơ (MBĐC), mà kể cả hệ thống đèn sân bay, trạm nạp…Thượng tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Hán Minh Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật hàng không (KTHK), Công ty Trực thăng miền Bắc (Binh đoàn 18-Bộ Quốc phòng) đều có thể “can thiệp” hiệu quả. Có lẽ vì thế mà đồng nghiệp ở Công ty gọi anh bằng cái tên thân mật: “Ong thợ” của sân bay…

“Bí quyết” giản đơn?

Chia sẻ suy nghĩ của mình về Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy, Thượng tá Phạm Minh Tuấn, Phó chủ nhiệm Chính trị Công ty Trực thăng miền Bắc, vốn là kỹ sư hàng không, từng công tác nhiều năm với đồng chí Thủy tại Trung tâm Bảo đảm KTHK, cho biết: “Tốt nghiệp Cao đẳng KTHK ở Nga về nước, Thủy lăn lộn, gắn bó với trạm xưởng, đường băng ở nhiều đơn vị, nên không có điều kiện tiếp tục học cao hơn nữa. Thiệt thòi đấy, nhưng bù lại, Thủy có “vốn liếng” kinh nghiệm thực tiễn ít người có được. Nhờ thế, có những “pan” hỏng hóc KTHK, Thủy đều “bắt bệnh” chính xác, khắc phục nhanh, khiến không ít người bất ngờ và khó hiểu, nên đành cho rằng đó là “bí quyết” của anh”.

Câu chuyện mang tính gợi mở của Thượng tá Phạm Minh Tuấn đã thôi thúc chúng tôi đi tìm bí quyết thành công của Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy.

 
 Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy (bên trái) tham gia chuẩn bị bay cùng đồng nghiệp.

Tại ga trực thăng Gia Lâm, đã là ngày đầu tháng 10 dương lịch, song nắng vẫn khá gay gắt, nhất là khi nó rót xuống nền bê tông. Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy đang tỉ mỉ hướng dẫn các nhân viên kỹ thuật chuẩn bị tời cẩu hàng, sẵn sàng di chuyển một khối hàng có trọng lượng khoảng 1,2 tấn lên chiếc trực thăng Mi-17, để sáng mai trực thăng đưa hàng cơ động xuống Yên Tử (Quảng Ninh).

Cũng như bao kỹ sư, nhân viên KTHK lành nghề khác mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, Hán Minh Thủy được đào tạo tại Nga. Năm 1983, chàng trai quê Tam Nông (Phú Thọ) nhập ngũ vào Sư đoàn không quân 371. Sau ba tháng huấn luyện chiến sĩ mới, anh được cử sang đào tạo KTHK tại Nga, chuyên ngành MBĐC. Năm 1987, anh về nước và nhận công tác tại Nhà máy A41 (Cục kỹ thuật Quân chủng PK-KQ), năm 1990, về Lữ đoàn không quân 918 rồi đến năm 1995 về công tác tại Công ty Trực thăng miền Bắc cho đến nay.

Trước câu hỏi tại sao anh có khả năng “bắt bệnh” nhanh, chính xác, “trị bệnh” hiệu quả khi phát sinh hỏng hóc KTHK, Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy khiêm tốn cho rằng, kết quả ấy không phải là của riêng cá nhân anh, mà đó là sự góp trí, cộng lực của cả tập thể.

Gặng hỏi, rằng thực tế có những phát sinh hỏng hóc, nếu không có sự can thiệp kịp thời của anh, đồng nghiệp sẽ mất nhiều thời gian cho việc xử lý, vậy hẳn anh phải có “bí quyết” gì chứ? Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy mới bộc bạch rằng: Dòng trực thăng Mi mà Công ty đang sử dụng được Nga sản xuất. Tài liệu, trong đó có tài liệu KTHK bằng tiếng Nga liên quan đến dòng máy bay này không hiếm. Muốn hiểu về máy bay, hiểu về KTHK thì phải thông thạo tiếng Nga, đặc biệt là tiếng Nga chuyên ngành.

Chính nhờ lợi thế được đào tạo tại Nga, có “vốn liếng” tiếng Nga kha khá, cộng với tích cực đọc tài liệu tiếng Nga nên Hán Minh Thủy có vốn kiến thức rất cơ bản về KTHK. Ngoài ra, anh còn là người luôn lăn lộn với thực tiễn. Hiện nay, mặc dù đã trên cương vị Phó giám đốc Trung tâm bảo dưỡng KTHK, song anh vẫn cần mẫn như một anh “ong thợ”, thường xuyên cơ động xa đơn vị, làm công tác bảo đảm, bảo dưỡng KTHK cho các máy bay của công ty hoạt động ngoại trường…

Những kinh nghiệm mà Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy chia sẻ chỉ vỏn vẹn trong vài câu nói ấy. Thoạt nghe cứ ngỡ "bí quyết" của anh khá giản đơn. Nhưng không phải vậy, nó được đúc kết bằng nhiệt huyết, sự say nghề, và cả những tháng ngày bám đường băng, bám nhà xưởng, hay theo máy bay lên rừng thẳm, ra khơi xa của chàng "ong thợ"...

Còn cách nào hiệu quả hơn không?

Đó là câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy, mỗi khi anh làm việc, với cái đích hướng tới là giảm sức lao động, đạt hiệu suất cao, an toàn cho người và phương tiện, tiếp đến là tiết kiệm kinh phí cho đơn vị. Câu hỏi đó đã thôi thúc anh đi sâu nghiên cứu và triển khai thành công nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Năm 2011, một đối tác của Công ty Trực thăng miền Bắc, tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Họ có nhu cầu đưa một thiết bị khoan, nặng hơn 1 tấn lên núi cao, với điều kiện máy khoan phải giữ nguyên trạng, không được tháo rời. Làm thế nào để đưa chiếc máy khoan đó lên, xuống trực thăng quả là bài toán khó đặt ra đối với tập thể công ty. Sau một thời gian ngắn mày mò nghiên cứu, Hán Minh Thủy đã thiết kế thành công hệ thống tời, cẩu hàng lên máy bay, đáp ứng được yêu cầu của đối tác và được họ đánh giá rất cao.

Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác đăng ký sổ sách của nhân viên kỹ thuật, trong ngày chuẩn bị bay.

Sau đó, cũng nhờ hệ thống tời cẩu hàng này mà Công ty Trực thăng miền Bắc đã thực hiện thành công nhiệm vụ bay chuyên cơ lên Mường Nhé (Điện Biên).

Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy kể lại: “Với những chuyến chuyên cơ hoạt động xa sân bay cơ bản, luôn phải có xe chở nhiên liệu đi trước, tiếp nhiên liệu để máy bay cơ động trở lại sân bay. Tuy nhiên nhiệm vụ được giao khi đó rất gấp, xe ô tô chở nhiên liệu không kịp cơ động trước, nên chiếc tời cẩu lại được trưng dụng để vận chuyển thùng dầu nặng gần một tấn theo máy bay Mi, để tiếp nhiên liệu cho chiếc chuyên cơ EC-155B1 quay trở về Hà Nội”.

Một trong những sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác của “ong thợ” Hán Minh Thủy mang lại hiệu quả cao khi ứng dụng vào thực tiễn, đó là hệ thống thông báo thông tin cho hành khách trên các máy bay Mi. Trước đây hệ thống thông báo hành khách ADO do Helitechco thiết kế phải sử dụng đường truyền bằng dây lắp vào cáp chống ồn của hành khách, nên có thể vướng và cản trở hành khách khi có tình huống thoát hiểm. Nhận thấy sự bất cập này, Hán Minh Thủy đã nghiên cứu và thiết kế thành công hệ thống thông báo hành khách, có tên SGU-15, vừa có tác dụng cung cấp cho hành khách những thông tin cần thiết của chuyến bay, vừa “loại bỏ” được những sợi dây vướng víu trước đó.

Một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị khác của anh có thể kể đến như: Hệ thống điện 220v-50Hz phục vụ bay cho Viện Khoa học Công nghệ Vũ trụ; xe đẩy cánh quay, thang sửa chữa động cơ; máy tạo áp suất thủy lực động cơ mặt đất; thiết bị rửa động cơ cơ động; bộ nguồn thông điện mặt đất các máy bay Mi-8, Mi-17, EC-155B1…

Những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của Thượng tá QNCN Hán Minh Thủy được đồng đội, đồng nghiệp rất trân trọng và được đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. Trong 5 năm liên tục, từ 2009-2013, Hán Minh Thủy được tặng Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở; năm 2012 được tặng Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp toàn quân...

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ