QĐND - Tình cờ tôi gặp nữ Phó đại đội trưởng Đại đội 145, Phân đội 1, Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) khi chị đang đi nộp hồ sơ chuẩn bị kết nạp Đảng cho học viên của đơn vị. Chị khiến tôi bất ngờ từ việc này đến việc khác: Trẻ trung, xinh đẹp và cương nghị. Thượng tá Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Tuyên huấn Học viện KTQS, liền giới thiệu với tôi: “Đó là Trung úy Phạm Thị Bích Vân, sinh năm 1986; một trong số rất ít học viên nữ được giữ lại Học viện làm giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp”.
Học viện KTQS là một trong những trường trọng điểm quốc gia, “đầu bảng” về đào tạo những kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành về KTQS. Vậy mà, từ vùng núi xa xôi, Bích Vân đã quyết tâm học, thi đỗ vào Học viện KTQS (chuyên ngành công nghệ thông tin) với tổng số điểm cao tuyệt đối (30 điểm). Hơn 5 năm học tập và rèn luyện tại Học viện, năm nào Vân cũng được nhà trường khen thưởng và đạt giải thưởng với các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Tiêu biểu như: Giải xuất sắc với đề tài “Thuật toán song song xử lý câu truy vấn” (năm 2007); Giải ba thi Ô-lim-pích Tin học toàn quốc (năm 2008); Giải nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội với đề tài “Phương pháp khai phá dữ liệu sử dụng lưới thích nghi và ứng dụng” (năm 2009); Giải thưởng VIFOTEC với đề tài “Phát hiện xâm nhập mặn sử dụng phân cụm” (năm 2010)…
 |
Trung úy Phạm Thị Bích Vân.
|
Tôi hỏi Vân:
- Là “phái yếu”, sao Vân lại thi vào Học viện KTQS, môi trường dường như chỉ phù hợp với “phái mày râu”?
Rất tự tin, Vân nói:
- Cha mẹ tôi đều là bộ đội. Vì thế, từ nhỏ tôi đã ước ao và quyết tâm sau này cũng sẽ trở thành Bộ đội Cụ Hồ như cha mẹ.
- Trên cương vị là người chỉ huy, là giảng viên trường quân sự, khi tuổi đời chỉ nhỉnh hơn học viên đôi chút, vậy, khó khăn nhất đối với Vân lúc này là gì ? Tôi hỏi.
- Điều khiến tôi trăn trở nhất là làm sao có nhiều thời gian để trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, kiến thức quân sự, đặc biệt phương pháp sư phạm và bản lĩnh, tác phong của người chỉ huy. Hiện nay, tôi cố gắng thu xếp thời gian biểu hợp lý để tham gia dự giảng, tập giảng và đầu tư, chọn lọc kiến thức soạn bài giảng. Bên cạnh đó, tôi cũng gắng học hỏi những giảng viên đi trước về kinh nghiệm truyền thụ bài giảng, giúp học viên dễ hiểu nhất. Học viên tiếp thu nhanh được những vấn đề mà giáo viên giảng dạy là mục tiêu phấn đấu của tôi. Là cán bộ trẻ, lại vừa tốt nghiệp, nên tôi thấy mình cũng có không ít thuận lợi. Đó là, tôi rút kinh nghiệm từ bản thân khi còn là học viên để vận dụng vào quản lý, điều hành đơn vị và tham gia giảng dạy. Chẳng hạn: Tham khảo phương pháp giảng bài của giảng viên đã giúp tôi dễ tiếp thu bài nhất; hiểu tâm lý học viên; bám sát, gần gũi học viên nhưng phải nghiêm túc; đồng thời phải gương mẫu từ việc thực hiện đúng điều lệnh, tác phong…
Chia tay Bích Vân, tôi tin tưởng, bằng sức trẻ và nghị lực, chị sẽ thành công trên chặng đường mới.
Bài và ảnh: Mai Chi