Thời còn đi học phổ thông tại quê nhà Bạc Liêu, cô học trò Thái Anh thường tham gia các chương trình văn nghệ của trường và là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Lúc ấy Thái Anh chỉ tham gia đội hát chứ chưa biết gì về múa. Năm 2007, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ) gửi giấy tuyển sinh về huyện.

Với năng khiếu và niềm yêu thích nghệ thuật, Thái Anh đăng ký dự thi chuyên ngành thanh nhạc. Khi lên trường, Thái Anh vô tình gặp được cô Phan Thị Thanh Vân, giảng viên múa. Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn của Thái Anh, cô Phan Thị Thanh Vân khuyên làm thêm hồ sơ đăng ký dự thi chuyên ngành múa. Ngày thi tuyển, chuyên ngành múa thi trước thanh nhạc, cô Thanh Vân báo kết quả đỗ nên Thái Anh không thi thanh nhạc nữa mà quyết định sẽ theo học múa.

Lần đầu tiên xa nhà, Thái Anh phải thuê nhà trọ và tự túc mọi sinh hoạt, học tập. Tuy vất vả nhưng vì đam mê nghệ thuật múa nên khó khăn mấy Thái Anh cũng kiên trì vượt qua. Theo học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ được gần một năm thì Thái Anh biết tin Đoàn Văn công Quân khu 9 tuyển diễn viên múa. Thái Anh làm hồ sơ dự thi và nhận được thông báo trúng tuyển. Thêm một may mắn nữa, biết hoàn cảnh của Thái Anh, Đoàn Văn công Quân khu 9 đã tạo điều kiện trợ cấp cho cô mỗi tháng 300.000 đồng suốt thời gian học còn lại. Việc này giúp Thái Anh thêm yên tâm khi theo đuổi con đường nghệ thuật. Năm 2010, tốt nghiệp ra trường, Thái Anh chính thức đầu quân về Đoàn Văn công Quân khu 9.

leftcenterrightdel
Lâm Thái Anh trong tiết mục ca múa "Giọng hò người lính". 

Trên sân khấu, khán giả thường thấy Thái Anh bay bổng với từng động tác uyển chuyển, cuốn hút cùng gương mặt biểu cảm. Nhưng, để có những giây phút thăng hoa ấy là cả một quá trình khổ luyện. Khó nhất với Thái Anh là môn múa cổ điển châu Âu bởi nó mang tính quy phạm, chính xác cao, như: Múa trên giày mũi cứng, độ mở của chân, độ uốn thân... Ngày mới vào học, vì ép cơ đau quá nên có đôi lần Thái Anh muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến cha mẹ đã vất vả để cô có thể bước chân lên Cần Thơ theo đuổi đam mê, Thái Anh lại tự vực dậy, cố gắng từng chút một để hoàn thành bài tập.

Đến nay, Thái Anh đã đảm nhiệm vai chính nhiều tiết mục múa của đoàn. Hội thi Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2012 tại Sơn La là hội thi chuyên nghiệp đầu tiên Thái Anh được tham gia. Cảm xúc hồi hộp trước khi biểu diễn và niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ vẫn là kỷ niệm đẹp với cô diễn viên múa tài hoa này. Lúc đó, cơ sở vật chất và kinh nghiệm diễn của Đoàn Văn công Quân khu 9 chưa nhiều, nhưng với sự nỗ lực, Đoàn đã giành về 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của diễn viên múa Thái Anh.

Năm 2014, Thái Anh cùng Đoàn tham gia Hội diễn toàn quân, đoạt Huy chương Vàng tác phẩm múa “Mùa lũ”, Huy chương Bạc tác phẩm “Cánh đồng chết”. Tiếp đó, năm 2016, Đoàn tham gia "Liên hoan nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar" và đoạt 2 Huy chương Vàng cho tác phẩm múa “Mùa cá linh” và “Mắt lá”; năm 2018, đoạt Huy chương Vàng tác phẩm “Ký ức bông lục bình” trong Hội diễn toàn quân.

Càng đạt được nhiều thành công, Thái Anh càng thấy mình cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm với khán giả, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9. Khi tham gia các hội thi chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân, Thái Anh xác định phải luôn có tinh thần đoàn kết, sáng tạo cùng tập thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đoàn giao. Đối với những lần biểu diễn tại các nước bạn, Thái Anh cùng đội múa xây dựng nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc. Để làm được điều đó, chị và đồng đội đã tìm hiểu kỹ về văn hóa nước bạn để lựa chọn, biên đạo các tiết mục sao cho phù hợp, đồng thời cũng giới thiệu cho bạn bè quốc tế về văn hóa Việt Nam. Mỗi chuyến lưu diễn đều mang lại cho Thái Anh nhiều bài học kinh nghiệm quý để lần sau hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Tháng 9-2022, Thái Anh được Đoàn Văn công Quân khu 9 tạo điều kiện đi học lớp Biên đạo múa hệ quân sự tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thái Anh luôn nghĩ và tự ý thức cố gắng trau dồi, học hỏi thêm những kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè để sau khi tốt nghiệp sẽ quay về tiếp tục cống hiến cho Đoàn Văn công Quân khu 9.

Nỗ lực và thành công trên con đường sự nghiệp, thế nhưng khi hỏi về "một nửa" của mình, chị chỉ mỉm cười, khẽ nói: "Múa đã trở thành một phần cuộc sống của em. Vì vậy, em vẫn đang trên đường kiếm tìm một trái tim cảm thông, chia sẻ, sẵn sàng đồng hành với em trên con đường nghệ thuật".

Bài và ảnh: KHÁNH CHI