Học nghề và truyền nghề

Cho đến hôm nay, ở các bệnh viện và trường đào tạo y khoa trong nước vẫn chưa có một chuyên khoa, chuyên ngành nào về điều trị rắn cắn. Vì thế, những tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn về điều trị rắn cắn còn rất hạn chế. Hơn 40 năm kể từ khi “khai hoang, lập đơn vị”, tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã ngấm sâu vào mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (sau đây gọi tắt là Trung tâm).

Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trung tâm về công tác tại đơn vị đã gần 20 năm, là một trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, điều trị rắn cắn. Số điện thoại của anh được công bố để tư vấn điều trị rắn cắn; tiếp nhận, trao đổi thông tin về các loài rắn. Có ngày, anh nhận tới hơn 300 cuộc gọi về các vấn đề trên. Nhưng để trở thành “người truyền nghề”, anh cũng phải trải qua quá trình “học nghề” như tất cả y sĩ, bác sĩ mới về Khoa Điều trị rắn cắn. Anh Lương cho biết: “Mỗi loại rắn lại có một cách xử lý ban đầu, điều trị khác nhau. Vì thế, việc nhận biết vết rắn cắn và các triệu chứng tại chỗ cắn, triệu chứng toàn thân để đưa ra hướng xử lý chính xác là rất quan trọng. Vì vậy, không ai về Khoa Điều trị rắn cắn là làm việc ngay được. Ai cũng phải trải qua ít nhất một năm đào tạo, trực kèm và phải thực sự đam mê mới đảm nhiệm được công việc”.

Thiếu tá Lê Văn Tâm, Phó chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn, mới về công tác tại đơn vị hơn hai năm, chia sẻ: “Để được phân công trực chính, các y sĩ, bác sĩ khi nhìn vào vết rắn cắn phải chẩn đoán được xem đó là vết cắn của rắn độc hay rắn không độc; loại cực độc hay độc vừa phải; loại độc làm tổn thương hệ thần kinh hay gây độc cho máu; rắn hổ mang hay rắn lục cắn; rắn hổ mang chúa hay hổ mang đất cắn… để đưa ra hướng xử lý, điều trị phù hợp. Chúng tôi học những điều này từ Bảo tàng rắn của Trung tâm; tài liệu do các y sĩ, bác sĩ trong khoa đúc kết và một số sách tham khảo… Nhưng quan trọng nhất là học từ đồng nghiệp. Suốt quá trình đào tạo, tôi và các bác sĩ trực chính luôn như hình với bóng để khi có bệnh nhân là được trực tiếp nhìn dấu răng, triệu chứng tại chỗ rắn cắn, triệu chứng toàn thân, cách xử lý. Nếu không có mặt ngay lúc đó, các triệu chứng sẽ nhanh chóng thay đổi, rất khó để phân biệt”.

Thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương thăm khám cho bệnh nhân bị rắn cắn.

Kỷ niệm nhớ mãi

Thượng tá Vũ Ngọc Lương đã trực tiếp cấp cứu, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân bị rắn cắn, nhưng trường hợp của ông Nguyễn Văn Tài, quê ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre xảy ra vào khoảng năm 2011, 2012 khiến anh nhớ nhất. Ông Tài bị rắn hổ mang đất cắn và được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre sơ cứu và chuyển đến Trung tâm. Trên đường đi cấp cứu, không may xe bị chết máy giữa cầu Rạch Miễu nên phải một lúc sau ông Tài mới được đưa đến Khoa Điều trị rắn cắn. Lúc này, ông Tài đã ngừng thở nhưng các y sĩ, bác sĩ trực hôm đó vẫn cố gắng thực hiện hồi sức cấp cứu. Sau khoảng hai giờ, khó khăn lắm anh em mới lấy được mạch và khoảng 4 giờ sau thì ổn định được huyết áp.

Hôm sau ông Tài tỉnh dậy nhưng có dấu hiệu loạn thần, nói không bình thường. Bác sĩ Lương chẩn đoán, có thể do hôm trước ông bị ngưng thở nên thiếu ô-xy lên não và cho bổ sung, tăng tuần hoàn não. Đến hôm sau thì ông Tài ổn định, trở lại bình thường. Khi ra viện, ông nằng nặc đòi làm 5-6 mâm cơm mừng ngày ông sinh ra lần thứ hai và cảm ơn Ban giám đốc Trung tâm cùng các bác sĩ của khoa vì đã cứu sống mình, nhưng các anh từ chối. Rồi ông giảm xuống còn hai mâm cơm và chỉ mời Ban giám đốc dự cùng gia đình. 

Thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương cho biết: "Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm cũng miễn phí tiền giường bệnh, khám bệnh cho bệnh nhân đến điều trị. Nếu cần tư vấn điều trị, cung cấp thông tin về các loài rắn, người dân có thể liên hệ với tôi qua số điện thoại 0918.652.742. Hiện nay, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cũng thành lập cơ sở thứ hai với tên Trại rắn Đồng Tâm 2 nhằm nghiên cứu, bảo tồn loài rắn, nuôi trồng dược liệu, tham quan và điều trị rắn cắn cho quân, dân trên đảo”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN