QĐND Online - 10 năm trở lại đây, trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 2 xảy ra hàng trăm vụ thiên tai, hỏa hoạn, gây tử vong và mất tích hơn 700 người, bị thương 562 người, thiệt hại về tài sản ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Hầu như vụ việc thiên hai gây hậu quả nghiêm trọng nào cũng có mặt cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện của Lữ đoàn công binh 543 tham gia khắc phục hậu quả, góp phần ổn định vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đại tá Trần Xuân Cương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 543 phân tích, địa bàn Quân khu chủ yếu là rừng núi, có độ dốc lớn, chiếm 90% diện tích. Bên cạnh đó là đặc điểm địa hình bị chia cắt mạnh, hệ thống sông suối phức tạp, cấu tạo địa chất yếu, giao thông chưa phát triển và là địa bàn trọng điểm về nguy cơ cháy rừng, động đất, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất đá. Anh nhớ lại nhiều vụ thiên tai đau thương mà cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn được trực tiếp tham gia.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Lữ đoàn luôn xác định nhiệm vụ, trách nhiệm là đơn vị giữ vai trò nòng cốt, lực lượng chủ yếu, trực tiếp của Quân khu trong phòng, chống, thiên tai bão lũ khắc phục những sự cố, ứng phó với các thảm họa. Bên cạnh triển khai hoàn thành tốt nhiệm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các công trình quốc phòng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ của đơn vị công binh hỗn hợp, Lữ đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

 Lữ đoàn 543 giúp đân khắc phục hậu quả ở Lào Cai.

Để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ khả năng cho cán bộ, chiến sĩ khi xử trí tình huống. Tiểu đoàn công binh vượt sông 17 được giao là đơn vị nòng cốt thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Tiểu đoàn trưởng, Trung tá Phan Tiến Trọng chia sẻ, hằng năm, trên cơ sở nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, Tiểu đoàn đã triển khai đồng bộ các biện pháp về tư tưởng, tổ chức và kỹ thuật. Đơn vị thành lập các đội chuyên trách tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn sông nước, một đội trên cạn. Các đội được huấn luyện cơ bản về nội dung, phương pháp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và rèn luyện nâng cao bản lĩnh, kỹ năng tác nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với từng phân đội, từng cán bộ, chiến sĩ là phải biết vận dụng sáng tạo; từng vụ việc, từng địa hình cụ thể cần triển khai nhanh nhất các biện pháp có thể, không dập khuôn máy móc, càng nhanh càng tốt khi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Cán bộ, chiến sĩ các phân đội được huấn luyện những kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn như: Cách chằng, chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu vận chuyển người bị nạn, phương pháp phòng, chống cháy nổ, sập đổ công trình... Một trong những vấn đề cốt lõi của các tổ, đội công tác là sử dụng, vận hành thành thạo các phương tiện, khí tài tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hiện đại, chuyên dùng được trang bị như: Xe cứu hộ đa năng, xuồng cao tốc, xe cẩu, máy súc lật… phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Theo Thượng úy Nguyễn Hữu Minh, Phó Đại đội trưởng kỹ thuật Đại đội 10, trên các phương tiện, có nhiều trang thiết bị chuyên dụng, để sử dụng được cần phải huấn luyện, rèn luyện thành thạo rồi phát huy tác dụng. Khi mới tiếp cận, nhiều chiến sĩ “choáng” với phương tiện, nhất là 119 trang thiết bị trên xe đa năng. Để sử dụng được, đơn vị đã cử cán bộ, kỹ thuật viên đi tập huấn, sau đó về huấn luyện tỉ mỉ, luyện tập thành thục cho toàn phân đội, trọng tâm huấn luyện cho đội ngũ sĩ quan, QNCN và kíp tác nghiệp. Các chiến sĩ được biên chế về phân đội tăng cường rèn luyện về sức khỏe, tâm lý, từng bước tiếp cận và học cách sử dụng. Sau thời gian ngắn, bộ đội đã vững vàng tâm thế, khai thác, sử dụng thành thạo các loại trang thiết bị, phương tiện. Khi thực hành tìm kiếm, khắc phục hậu quả một số vụ thiên tai, hỏa hoạn gần đây, cán bộ, chiến sĩ đã khẳng định được vai trò của mình. 

Theo chia sẻ của Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chính ủy Lữ đoàn, bài học có ý nghĩa quyết định đến kết quả nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai-tìm kiếm cứu nạn là xây dựng động cơ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Đây là nhiệm vụ chiến đấu thường xuyên trong thời bình, đồng thời có tính đột xuất, phức tạp đòi hỏi rất khẩn trương. Mỗi nhiệm vụ, đơn vị thông tin cho bộ đội về tình hình thiên tai, những đặc điểm thuận lợi, khó khăn; phương án kế hoạch thực hiện, nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận; cách tiến hành công tác dân vận khi tham gia. Chỉ huy Lữ đoàn và các cơ quan được phân công thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, phối hợp với địa phương và các lực lượng trên địa bàn, nắm chắc tình hình, tổ chức chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ; điều động lực lượng, phương tiện, kịp thời.  

Đồng chí Chính ủy khẳng định: “Dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận lệnh, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, trong thời điểm cam go nhất, sát cánh cùng với địa phương, các lực lượng để chống chọi lại với thiên tai, sự cố để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Trong gian nan, cán bộ, chiến sĩ càng thể hiện rõ vai trò người lính công binh Tây Bắc “Đi trước về sau đã dạn dày”.

Năm 2004, 100 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 đầu máy tham gia cứu hộ tại Hà Giang,  san gạt gần 2 nghìn mét khối đất đá, giải phóng giao thông 6,5km đường, 5 ngầm.

Năm 2005, cơ động tìm kiếm cứu nạn khắc phục hậu quả cơn bão số 7 trên địa bàn Văn Chấn (Yên Bái) và Hạ Hòa, Tam Nông (Phú Thọ).

Năm 2007, khắc phục hậu quả cơn bão số 4 tại Cẩm Khê, Hạ Hòa (Phú Thọ); Bảo Yên/Lào Cai; tổ chức di rời dân ra khỏi vùng sạt lở đất đá nguy hiểm, dựng nhà tái định cư tại Mộc Châu (Sơn La).

Năm 2013, tham gia khắc phục hậu quả cháy nổ tại Nhà máy Z121.

Tháng 6-2014 khắc phục hậu quả sạt lở mỏ đá tại Tân Sơn (Phú Thọ)…













Bài và ảnh: ĐỨC ĐÀO