QĐND Online - Để đào tạo được những phi công quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Không quân luôn coi trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cấp. Bởi họ chính là những người chắp cánh ước mơ bay cho những học viên.
Sau buổi huấn luyện bay, Thiếu tá Nguyễn Hàm Kiên, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn Không quân 920 cùng các học viên của mình trao đổi kinh nghiệm về bài bay không vực phức tạp mới thực hiện sáng nay. “Cử chỉ ân cần và những câu hỏi mang tính gợi mở của thầy Kiên giúp cho chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ các thao tác kỹ thuật cũng như các khoa mục bay, bài bay”, học viên Bùi Quốc Tuấn, khóa 39 tâm sự.
 |
Thiếu tá Nguyễn Hàm Kiên, Phó phi đội trưởng Phi đội 2 (bên trái) trao đổi kinh nghiệm cùng học viên sau chuyến bay.
|
Là người nhiều năm gắn bó với nghề, Đại tá Nguyễn Trần Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo của trường, bởi vậy việc đẩy mạnh kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và tổ chức chuyên ngành là một việc làm hết sức cần thiết. Do đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã thường xuyên chú trọng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho các giảng viên và cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, nhà trường luôn coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên trẻ… đồng thời trân trọng các nhà giáo có nhiều đóng góp, cống hiến lâu năm.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật trong tình hình mới, nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của trường nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên và cán bộ quản lý bảo đảm theo các tiêu chí về trình độ học vấn, trình độ sư phạm, trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học. Đến nay, 100% các khoa, chuyên ngành nhà trường đều ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện, giảng dạy cho học viên.
Được biết, mục tiêu của nhà trường trong thời gian tới sẽ xây dựng trường thành “Trường Đại học Hàng không”, trong đó khoa Chỉ huy tham mưu là một trong những khoa chủ quản để đào tạo phi công có trình độ đại học. Theo Đại tá Hồ Trọng Bình, Chủ nhiệm khoa Chỉ huy tham mưu, khoa đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tạo nguồn một số giảng viên có trình độ, năng lực cao để gửi đi đào tạo, nghiên cứu sinh ở các trường trong nước cũng như ngoài nước, bảo đảm cho biên chế của khoa có từ 1 đến 2 cán bộ, giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo của trường trong giai đoạn mới.
 |
Thầy và trò Trung đoàn Không quân 920 trước giờ cất cánh. |
Bên cạnh việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, trường còn đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy, học, kết hợp giáo dục- đào tạo với nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực với bồi dưỡng tài năng quân sự. Trước mắt, nhà trường xây dựng, bồi dưỡng tạo nguồn sao cho bảo đảm đủ số lượng giảng viên so với biên chế để các giảng viên giảm bớt áp lực thời gian lên lớp, có điều kiện thời gian nghiên cứu khoa học, nhất là đội ngũ giảng viên ở các khoa kỹ thuật hàng không. Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Duật, Nhà giáo Ưu tú, Chủ nhiệm khoa Khoa học xã hội và nhân văn nói: “Để đạt được mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, ngoài việc xây dựng các nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn công tác, trong quá trình lên lớp, các giảng viên còn phải biết kết hợp dạy chữ với dạy nghề và dạy người. Dạy phương pháp làm sao để người học có thể tự học suốt đời, làm giàu tri thức của mình trong suốt quá trình làm việc, đồng thời gương mẫu trong thực hiện điều lệnh, điều lệ và các chế độ quy định…”
Theo Đại tá Nguyễn Trần Hồng, để thực hiện hiệu quả “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020”, Trường Sĩ quan Không quân đang tiếp tục đổi mới toàn diện về mọi mặt, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng hiệu quả công tác giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường không chỉ tích cực chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học cũng như các cơ sở trang thiết bị dạy học mà còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường liên kết đào tạo với các đơn vị làm kinh tế nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG