QĐND - Ngoài công việc chiếu phim phục vụ hai đoàn ta và khách, chúng tôi còn tranh thủ cải tạo đất xung quanh nhà ở để trồng rau cải thiện bữa ăn, trồng hoa điểm tô cho cuộc sống thêm vui, thêm lạc quan tin tưởng ngày chiến thắng. Hậu phương lớn miền Bắc gửi quà vào như: Vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên... sau khi ăn, chúng tôi ươm hạt và trồng bên những luống rau xanh. Anh em còn trồng cả xoài, mít, sầu riêng… vì cuộc sống chiến đấu có thể còn kéo dài, Mỹ-ngụy vẫn còn chống trả quyết liệt, chúng tôi phải luôn chủ động, không bao giờ lơ là mất cảnh giác trước kẻ thù.

Ở giữa vòng vây của quân thù, cuộc sống sinh hoạt và làm việc của chúng tôi vẫn giữ nền nếp bình thường như những ngày còn trong căn cứ đơn vị. Tùy theo sở thích của từng người, chúng tôi tham gia các môn thể thao, văn nghệ... Tôi vốn cao hơn một mét bảy nên vào đội bóng rổ, anh Hòe cũng cao tương đối nên vào đội bóng chuyền. Những trận thi đấu bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, tenis với các đội trong Ủy ban Quốc tế luôn diễn ra sôi nổi, quyết liệt, hấp dẫn và hữu nghị. Khán giả là cán bộ, chiến sĩ của hai đoàn ta, có cả vợ, con binh lính ngụy trong khu gia binh gần đó. Vào dịp lễ, Tết, không khí sinh hoạt của chúng tôi trong Trại Đa-vít nhộn nhịp khác thường. Nhiều lúc, chúng tôi quên rằng xung quanh hàng rào doanh trại là mấy chục vọng gác. Các họng súng đen ngòm tua tủa chĩa vào trụ sở mình. Bên kia đường Lê Văn Lộc là trại lính dù, có hàng nghìn tên, mỗi sáng chúng hò hét "Đả đảo Cộng sản". Các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy dày đặc vây ép xung quanh trụ sở của hai đoàn ta. Tất cả những trò uy hiếp ấy không làm chúng tôi mảy may sờn lòng, tiếng cười vui, tiếng reo hò cổ vũ, tiếng hát, tiếng đàn cứ vút cao bay xa. Mặc cho quân thù suốt đêm ngày mất ngủ để tìm mọi mưu sâu, kế độc hòng hãm hại chúng tôi, phá hoại hiệp định Pa-ri. Nhiều lần chúng cắt điện, cắt nước, cắt chuyến bay liên lạc với hậu phương. Chẳng còn ai đếm xem bao nhiêu lần địch khiêu khích bằng những hành động bỉ ổi với những người làm công tác ngoại giao quân sự của cách mạng Việt Nam nữa.

Lãnh đạo Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với một số cán bộ, chiến sĩ tại Trại Đa-vít sau ngày toàn thắng. Ảnh tư liệu.

Không chỉ có vậy, chúng còn đề ra nhiều phương án đê hèn khác hòng hủy diệt Trại Đa-vít, tiêu diệt hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ta.

Những ngày đầu xuân 1975, toàn đơn vị được phổ biến phải khẩn trương chuẩn bị chiến đấu. Từ ngoài nhìn vào, Trại Đa-vít vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt bình thường, những buổi tập thể dục, vui chơi thể thao rất đúng giờ. Nghe tiếng còi báo thức là mọi người khẩn trương ra điểm tập trung, tiếng hô các động tác, nghiêm, nghỉ vẫn dõng dạc như không có chuyện gì sắp xảy ra. Còn anh em theo sự phân công đã bắt tay ngay vào từng việc của mình. Mọi người đều xác định, cuộc chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng quyết liệt, có thể phải hy sinh. Dù thế nào cũng không ngần ngại. Bao năm thử lửa trên chiến trường, bom chùm, pháo bầy, đạn thẳng như vãi trấu, những bộ mặt lỳ lợm hung dữ của kẻ thù chẳng làm ai nao núng. Giờ đây, giữa sào huyệt, hang ổ quân thù nhưng có cả nước luôn ở bên chúng tôi, bạn bè trên thế giới, nhiều người đã biết và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta nên mọi người rất vững vàng, kiên định… Cả đơn vị bắt tay vào đào đắp công sự ngay trong từng căn phòng đang ở. Xẻng cuốc không có vì khi vào đây chẳng ai nghĩ sẽ phải chiến đấu với kẻ địch bằng vũ khí làm gì. Chỉ với mấy chiếc xẻng cá nhân, những mảnh tôn của cánh tủ, cọc sắt đập dẹp… chúng tôi đào đắp thành hầm hào nối liên hoàn, từ nhà nọ sang nhà kia giúp cho việc đi lại khi cần chiến đấu rất thuận tiện. Ngoài hầm hào chiến đấu, chúng tôi còn làm cả hầm quân y, hầm hậu cần dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống...

Tất cả anh chị em của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Tổ liên hợp quân sự 4 bên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đều đã sẵn sàng chiến đấu với những vũ khí có trong tay gồm tiểu liên AK47, súng ngắn K59 và K54... Gần đến chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được bổ sung thêm hai hòm thủ pháo chống tăng để sẵn sàng đối phó nếu địch dùng xe tăng, xe bọc thép chà xát Trại Đa-vít hòng tiêu diệt chúng tôi.

Ngày 28 và 29 tháng 4 năm 1975, tiếng pháo 130mm đã nổ rất gần Sài Gòn. Đại quân của chúng ta không còn cách xa nữa. Pháo binh từ Nhơn Trạch đã trút xuống Tân Sơn Nhất, đường băng bị phá nát, xới tung thành những hố sâu, máy bay địch không thể lên xuống sân bay này. Các loạt pháo bắn khá chính xác, trúng vào các vị trí cần tiêu diệt, chứng tỏ sự phối hợp, hiệp đồng giữa chúng tôi với Bộ đội Pháo binh là khá tốt…

Sáng 30-4-1975, đã nghe rõ tiếng nổ của súng AK. Bộ binh của ta đã đến rồi! Đồng đội ơi! Đồng đội ơi! Lòng tôi xốn xang vì trận chiến đấu đang diễn ra xung quanh.

Vào khoảng 8 giờ sáng, đồng chí Hoàng Anh Tuấn truyền lệnh của Trưởng phái đoàn xuống, đồng chí Mười Sương - Trưởng ban Chính trị gọi tôi - Phạm Văn Lãi - đến giao nhiệm vụ trèo lên tháp nước của Trại Đa-vít cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì tháp nước là một cao điểm ở thành phố Sài Gòn nên cần gấp rút cho bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn thấy lá cờ của quân giải phóng thì địch sẽ hoang mang dao động về tinh thần, đặc biệt là Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa có trụ sở cách đó không xa thấy cờ của ta đã làm chủ phấp phới bay trên bầu trời thành phố chúng sẽ hoảng loạn tự bỏ chạy thoát thân. Còn lực lượng của quân đội ta càng phấn khởi khích lệ tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh về nội đô phối hợp với các lực lượng để giải phóng thành phố. Nhận thức được điều đó, tôi đã nhanh chóng đi tìm cán cờ, loay hoay một lúc mới tìm được đoạn ống nước. Và gặp đồng chí Cẩn gác tại cổng phái đoàn, tôi cũng nhờ phụ giúp. Tôi lên trước rồi gọi đồng chí Cẩn theo sau tới điểm cao ở tháp nước, tôi đứng trên cột chặt cán lá cờ. Mọi việc hoàn tất, đúng 9 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên điểm cao nhất của Trại Đa-vít. Đứng trên tháp nước, nhìn xung quanh khu vực về hướng Tây của sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thấy có nhiều tiếng súng nổ dữ dội, có cả tiếng pháo lớn, tiếng xe tăng gầm rú đang tiến về ngã tư Bảy Hiền. Có thể hướng này địch chống cự quyết liệt nên tiếng súng không hề ngớt. Tôi chợt nghĩ, nếu được phép chia lửa với các anh thì từ đây chúng tôi thành một cánh quân đánh ngang sườn chi viện rất tốt cho các anh đang tiến vào từ hướng Bà Quẹo về ngã tư Bảy Hiền, làm như thế sẽ đỡ đổ máu của đồng đội trước cửa ngõ Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất.

Phía đường Hoàng Hoa Thám đã thấp thoáng những chiếc mũ tai bèo tiến về khu vực Trại Đa-vít. Có một tổ cùng với cán bộ quân giải phóng đã vào được trụ sở của phái đoàn ta. Các đồng chí tự giới thiệu là đơn vị thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vào và xin ý kiến đồng chí Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn. Anh Tuấn và Ban chỉ huy Đoàn B cùng các đồng chí Tổ Liên hiệp quân sự 4 bên của Đoàn A gặp bộ phận anh em cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 3 thật vui sướng biết bao. Anh Tuấn động viên cán bộ, chiến sĩ quân đoàn tiếp tục tiến sâu để sớm giải phóng Sài Gòn.

Vào 11 giờ 30 phút, quân ta chiếm Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Đại thắng rồi! Đại thắng rồi! Không ai bảo ai, những tiếng hô vang, tiếng hò reo, tiếng gào thét vui sướng…

Nước mắt nóng hổi cứ trào ra khóe mắt, chảy tràn trên gò má. Mặc, nước mắt của độc lập, của tự do, của thống nhất đất nước bị dồn nén từ bao năm rồi giờ đây mới có dịp tuôn trào. Bao máu xương, bao mồ hôi, của cải mới giành được ngày này. Nước mắt của sướng vui dâng trào trong trái tim chúng tôi.

Tôi ngước mắt nhìn lên, lá cờ cách mạng đầu tiên no gió đang ngạo nghễ tung bay trên bầu trời thành phố. Có lẽ gió trời đã hòa vào niềm vui của chúng tôi đưa nó bay lên cao, mang tin chiến thắng bay đi xa cùng hàng triệu trái tim của nhân dân cả nước và bạn bè trên thế giới đón chào ngày Đại thắng của dân tộc.

Nhìn sang dãy nhà của các đồng chí lãnh đạo đoàn ta, tôi thấy đồng chí Hoàng Anh Tuấn cũng đang dùng khăn tay thấm lên hai khóe mắt. Còn tôi mắt cũng nhòa đi, sống mũi cay xè. Tôi cứ để cho nước mắt tuôn rơi, bởi nghĩ rằng đó là nước mắt hạnh phúc của cả dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi ra đón đoàn quân giải phóng, anh em đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng. Đây là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng của tôi.

------------

* Những ngày chiếu phim ở Trại Đa-vít (Kỳ 1)

PHẠM VĂN LÃI