QĐND Online - Lần công tác tại Đơn vị 50 (Bộ CHQS thành phố Hải Phòng), tôi thấy cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất thích ca hát; họ hát trên đường hành quân ra thao trường, hát trong lúc giải lao trên bãi bãi tập; tiếng hát tập thể át cả tiếng ghi ta bập bùng trước giờ sinh hoạt, học tập buổi tối. Chứng tỏ phong trào văn nghệ của đơn vị rất được quan tâm..

Sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát

7 giờ tối, Trung tá Nguyễn Văn Năm, Chủ nhiệm Chính trị và Đại uý Nguyễn Anh Tuấn, trợ lý thanh niên dẫn tôi đi dưới tán hàng cây phượng vĩ trên 10 năm tuổi thẳng đều tăm tắp tới phân đội 9. Từ xa chúng tôi đã nghe tiếng hát của cán bộ, chiến sĩ phân đội trước giờ sinh hoạt, học tập buổi tối. Các bài hát quy định của Quân đội được hát lên bằng cả trái tim của những chiến sĩ trẻ như minh chứng cho dòng khẩu hiệu “Sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát” kẻ ngay ngắn, đỏ tươi trên tường đại đội 8. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Năm cho biết: “Có được phong trào như ngày hôm nay là cả một quá trình quan tâm, đầu tư phát triển sâu rộng phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của đơn vị. Đặc biệt, hoạt động giao lưu văn nghệ với các chi đoàn địa phương kết nghĩa đã gặt hái được nhiều đêm diễn thành công, mang lại cho cán bộ, chiến sĩ những “bữa ăn” tinh thần phong phú, đa dạng, góp phần giữ vững danh hiệu “Đơn vị có môi trường văn hoá tốt”.

Đêm liên hoan giao lưu văn nghệ giữa đơn vị với các đoàn thể địa phương

Chọn một góc bàn cuối phòng Hồ Chí Minh, lặng lẽ quan sát đội văn nghệ xung kích phân đội 9 luyện tập, anh Tuấn nói nhỏ với tôi: “Ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, đơn vị đã yêu cầu các chiến sĩ đăng ký khả năng văn nghệ, thể thao của mình. Từ đó chọn lọc và thành lập những đội văn nghệ xung kích để bồi dưỡng thêm khả năng diễn xuất”. Các tiết mục đang luyện tập đã được tuyển chọn từ các đại đội, một số tiết mục được ghép thêm các hạt nhân văn nghệ của địa phương kết nghĩa nên không khí buổi tập rất sôi nổi, những chàng lính trẻ lần đầu tiên luyện tập cùng những “nam thanh, nữ tú” của đơn vị kết nghĩa tỏ ra khá lúng túng. Dù mới chỉ vài động tác ban đầu nhưng mồ hôi đã ướt đẫm vai áo các anh, chỉ tay về phía một đồng chí đang cầm tay cô gái trong điệu “múa sạp”, anh Tuấn cho biết thêm: “Đó là Hải Nam, “cây văn nghệ” của phân đội, mọi khi luyện tập chỉ có bộ đội, cậu ấy múa, hát hát rất tự nhiên, thế mà hôm nay cứ như gà mắc tóc”.

 

Những “nghệ sĩ” không chuyên

Chỉ đến lúc giải lao, mọi người trong đội văn nghệ mới phát hiện ra sự có mặt của chúng tôi. Chủ nhiệm Năm giới thiệu với tôi những cá nhân là “linh hồn” của chương trình văn nghệ ở đơn vị. Đầu tiên phải kể đến Thiếu tá Hoàng Đức Hậu, Chính trị viên phó phân đội 9, người có “thâm niên” trong dàn dựng, dẫn các chương trình giao lưu văn nghệ của đơn vị. Dường như sau thời gian làm trợ lý tuyên huấn ở đơn vị đã tôi luyện cho anh khả năng giao tiếp lưu loát, ứng xử tốt trong mọi tình huống và nụ cười tươi luôn thường trực trên môi. Không chờ tôi phải hỏi, anh “nổ” luôn một tràng: “Với mong muốn mang tới cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị những tiết mục có chất lượng cao nhất có thể, chúng tôi luôn tập trung luyện tập hăng say hết lòng cho dù chỉ có thể tập vào ngày nghỉ, giờ nghỉ”. Anh giới thiệu với tôi cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên trường Mầm non Ngọc Hải, người luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của hai đơn vị kết nghĩa và cũng là người bạn đời của anh. Một chi tiết thú vị là vào ngày chị nhận lời cầu hôn của anh, với niềm hạnh phúc vô bờ, cảm xúc thăng hoa, anh đã sáng tác bài hát “Đại đội 7 đi lên” mà cho tới nay những lớp cán bộ, chiến sĩ đại đội 7 vẫn coi tác phẩm này bài hát truyền thống. Chị Hường tâm sự: “Chúng em không giúp được các anh bộ đội nhiều đâu, trái lại các anh giúp chúng em nhiều hơn đấy, các anh là những hình ảnh trực quan, sống động về “Bộ đội cụ Hồ” cho bài giảng của cô và trò trường em”.

Còn Thiếu uý chuyên nghiệp Vũ Việt Hà, nhân viên Ban Chính trị, người nhạc công và đảm nhiệm âm thanh, ánh sáng cho các cuộc giao lưu của đơn vị lại bày tỏ mong muốn có trang thiết bị hiện đại, công suất loa lớn hơn để bảo đảm cho những cuộc giao lưu lớn. Được biết, tuy anh không qua trường lớp đào tạo nào về nhạc lý nhưng với trí thông minh, ham học hỏi, anh đã mày mò tự học và giờ đây đã đảm nhiệm khá xuất sắc vị trí nhạc công, từ lâu đơn vị đã không phải thuê nhạc công bên ngoài và chủ động trong các cuộc liên hoan.

Hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao đã động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị hăng say công tác, học tập, rèn luyện. Hoạt động kết nghĩa với đoàn thể địa phương góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc sống quân ngũ, qua đó thêm quý mến, cảm thông và chia sẻ với người chiến sĩ trong Quân đội. Các chương trình liên hoan văn nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái đẹp mà còn kích thích sáng tạo cái đẹp, phát hiện những năng khiếu còn tiềm ẩn trong mỗi cán bộ, chiến sĩ; tạo điều kiện để các anh được thể hiện mình làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” thời kỳ đổi mới.

Bài, ảnh: Minh Tuấn (Báo QK 3)