 |
Người bị say nắng, say nóng được đưa vào lều chuyên dụng để cấp cứu.
|
Cùng Đại úy Bùi Văn Hậu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 Pháo binh, thuộc Sư đoàn 324, chúng tôi đến kiểm tra buổi huấn luyện chiến sĩ mới Đại đội 2. Gần 8 giờ sáng, nắng đã chói chang, hơi nóng hắt xuống mặt đất hầm hập. Tuy vậy, các trung đội huấn luyện diễn ra khẩn trương, nghiêm túc.
Đại úy Bùi Văn Hậu cho biết: “Đơn vị tôi đóng quân ở địa hình đồi núi, thao trường chật hẹp, cây cối ít, mùa hè rất nắng, nóng. Để đảm bảo sức khỏe và thời gian huấn luyện, chúng tôi tiến hành dựng các lán bạt ngoài thao trường để tạo bóng râm cho bộ đội. Tiểu đoàn cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như điều chỉnh lịch huấn luyện. Buổi chiều huấn luyện muộn hơn và nghỉ muộn hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ quân y tổ chức huấn luyện cho bộ đội những kiến thức cơ bản về phòng chống say nắng, say nóng, từ đó biết bảo vệ mình và cứu chữa cho đồng đội”.
Đến Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, chứng kiến một buổi huấn luyện cách phòng chống say nắng, say nóng cho bộ đội. Trung úy, chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Sơn, y sĩ Tiểu đoàn 5 cho biết: “Nếu quan sát thấy bộ đội có biểu hiện say nắng, say nóng chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa đến vị trí thoáng mát. Khẩn trương khơi thông đường thở, hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực và cấp cứu hồi sinh. Đo thân nhiệt. Nếu như thân nhiệt còn cao thì phải áp dụng các biện pháp làm mát để hạ nhiệt của cơ thể như cho uống nước, lấy khăn lau lên mặt, trán, nặng hơn sử dụng thuốc cấp cứu ban đầu hoặc chuyển về tuyến sau (nếu cần thiết)”.
Theo Đại úy Đặng Duy Núi, Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, các tình huống say nắng, say nóng thường diễn ra rất nhanh, 30 phút đầu là thời cơ vàng để cứu sống bệnh nhân, vì vậy chúng tôi bám sát hoạt động của bộ đội nhất là trên thao trường, bãi tập. Nắm chắc bệnh lý, sức khỏe từng đồng chí, nhất là các trường hợp có biểu hiện huyết áp, tim mạch. Quân y đơn vị luôn chuẩn bị sẵn các loại nước có tính mát như: Trà thanh nhiệt, chè xanh, nhân trần, cam thảo, gạo rang… để bộ đội mang ra thao trường.
Từ sự chỉ đạo đồng bộ của cấp ủy, chỉ huy đơn vị với phương châm: Không để bộ đội say nắng, say nóng nên mặc dù thời tiết khắc nghiệt, có thời điểm nắng nóng kéo dài, cường độ huấn luyện cao, nhưng đơn vị không để xảy ra hiện tượng bộ đội bị say nắng, say nóng; giữ vững kết quả, chất lượng huấn luyện, Đại úy Đặng Duy Núi cho biết thêm.
 |
Buổi tập huấn cấp cứu người bị say nắng, say nóng của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335.
|
Theo Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Nam Dân, Chủ nhiệm quân y Sư đoàn 324, khi huấn luyện, lao động ngoài trời, bộ đội phải đội mũ cối đầy đủ, mặc quần áo rộng, không nên lạm dụng nước đá và các loại nước có ga. Các đơn vị cũng nên trồng các loại cây có tác dụng giải nhiệt và chống mất nước nhanh để chế biến làm nước uống. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội cách phòng, chống say nắng, say nóng. Khi xảy ra tình huống say nắng, say nóng, quân y tuyến cơ sở phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu ngay trong “thời điểm vàng”.
Trao đổi với chúng tôi Thượng tá Hoàng Duy Chiến, Phó Sư Đoàn trưởng, tham mưu trưởng Sư đoàn 324 cho biết: Hằng năm chúng tôi chỉ đạo ngành quân y thường xuyên chăm lo sức khỏe bộ đội. Trước hết tổ chức huấn luyện về công tác quân y nghiêm túc, đúng đủ nội dung, lấy thực hành làm chính để cán bộ có kiến thức phòng tránh say nắng, say bóng. Sắp xếp, bố trí lịch huấn luyện trong ngày, trong tuần hợp lý, hạn chế tối đa để bộ đội tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Bộ đội trước lúc đi huấn luyện phải mang đủ nước uống và quân y đơn vị phải đi cùng. Với nhiều chủ trương, biện pháp như vậy nên sức khỏe bộ đội luôn đạt trên 98,9%.
Bài, ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU