Đứng trên đỉnh núi ta thề,
Không giết được giặc, không về Núi Voi.
Câu ca nổi tiếng ấy nói về những chiến tích oai hùng và phẩm chất anh dũng, kiên cường của du kích Núi Voi - niềm kiêu hãnh của nhân dân huyện An Lão (thuộc tỉnh Kiến An cũ; nay là huyện An Lão, TP Hải Phòng) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. An Lão bị thực dân Pháp chiếm đóng từ đầu năm 1947.
Cuối năm 1948, Trung ương Đảng nhận định: Cục diện chiến tranh đã thay đổi. Quân và dân ta phải tích cực chuẩn bị chuyển giai đoạn của cuộc kháng chiến. Trung ương cho thành lập các sư đoàn, trung đoàn chủ lực thuộc Bộ Tổng tham mưu và các quân khu, tiểu đoàn chủ lực ở các tỉnh, đại đội chủ lực ở các huyện. Đầu năm 1949, trên cơ sở các đội du kích Hợp Xuân, Nghĩa Phương, các đội tự vệ Câu Trung, Lý Thường Kiệt A., Lý Thường Kiệt B. và các đội vũ trang tuyên truyền, đội hành động và ám sát,… Huyện ủy An Lão cho thành lập đại đội du kích, lấy tên là Đại đội Núi Voi. Du kích Núi Voi đánh địch lúc tập trung, khi phân tán, làm nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch tại chỗ, tiêu diệt đồn bốt địch khi có điều kiện và dìu dắt dân quân, du kích các xã trong huyện. Du kích Núi Voi là sự kinh hoàng của thực dân Pháp.
 |
Phát huy truyền thống Du kích Núi Voi, dân quân huyện An Lão, TP Hải Phòng thi đua huấn luyện giỏi góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. (Trong ảnh: Dân quân huyện An Lão, huấn luyện tháo lắp súng bộ binh). Ảnh: Hoàng Kiên. |
Đến giữa năm 1949, do sự phát triển của lực lượng vũ trang cả nước và cần bổ sung lực lượng từ các xã, huyện lên trên, đồng thời chuẩn bị cho các trận đánh lớn của quân đội ta, Huyện ủy An Lão chủ trương thành lập Tiểu đoàn Núi Voi, bao gồm Đại đội Núi Voi, Đại đội Văn Úc 1 và Đại đội Văn Úc 2. Đại đội Núi Voi cơ động chiến đấu trong toàn huyện. Đại đội Văn Úc 1 là du kích bán tập trung của các xã, khi cần thì huy động cho tiểu khu. Đại đội Văn Úc 2 là du kích của các thôn. Khi tổ chức chiến đấu, có sự phân công, phối hợp của cả 3 đại đội.
Những chiến thắng liên tiếp, giòn giã của du kích Núi Voi làm nức lòng nhân dân tỉnh Kiến An (cũ), như: Diệt các bốt Kim Côn, Liễu Dinh, Thạch Lựu, Đại Phương Lang (xã An Thái, An Thọ), Du Viên (xã Tân Viên), Bách Phương (An Thắng), bốt Thượng (Bát Trang), đồn Khuể (Mỹ Đức); cải trang phục kích ban ngày ở Đẩu Sơn, Đồng Tải (Bắc Hà) sát thị xã Kiến An. Có lần, một số chiến sĩ Núi Voi bị địch bắt, đã tổ chức đánh bọn lính Âu - Phi áp giải trên xe ở gần Quán Trữ, cướp súng giết giặc, trở về vùng căn cứ. Du kích Núi Voi xuất quỷ nhập thần. Địch bị tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và hết sức hoảng sợ; nhiều tên đã đào ngũ. Trong sự phát triển, trưởng thành, Tiểu đoàn Núi Voi còn là lực lượng bổ sung cho bộ đội địa phương thuộc Tỉnh đội Kiến An và cho bộ đội chủ lực Khu Tả Ngạn. Chiến sĩ Núi Voi được biên chế vào nhiều đơn vị, chiến đấu ở nhiều chiến trường, vẫn phát huy tốt truyền thống du kích Núi Voi, góp phần làm nên bao chiến công hiển hách của quân đội ta.
Từ cuối năm 1949 và mấy năm sau, LLVT của huyện An Lão hình thành hai bộ phận: Một bộ phận ở hẳn trong địch hậu bám dân, bám đất để đối phó với địch, đánh phá giao thông liên lạc, quấy rối địch, nắm tình hình địch và tổ chức các đoàn thể đấu tranh chính trị; một bộ phận tạm nhờ địa bàn của các huyện bạn để bảo toàn lực lượng, tổ chức giáo dục, huấn luyện chiến sĩ, nâng cao trình độ tác chiến, đào tạo cán bộ cho các cơ sở, tích cực chuẩn bị đánh sâu vào vùng địch tạm chiếm. Bộ phận này về các vùng căn cứ thuộc huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, sang cả Quỳnh Côi, Phụ Dực (Thái Bình), nhưng nhiều nhất là ở hai huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ (Hải Dương). Dù ở đâu, du kích Núi Voi cũng phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương các tỉnh lân cận, tích cực xây dựng cơ sở kháng chiến và đánh địch, phá càn. Chiến công phá càn ở Cầu Thiều (5/1950) thuộc huyện Thanh Hà làm phấn chấn lòng dân địa phương. Bà con ca ngợi: “Du kích Núi Voi đội mũ mo, thổi kèn đồng, đánh lui cuộc càn lớn của địch”.
Những cán bộ, chiến sĩ Núi Voi tiêu biểu là các đồng chí: Đỗ Ngạn (tức Huy lác) - nguyên Huyện đội trưởng An Lão, sau làm Tỉnh đội trưởng Sơn Tây; Nguyễn Bá Phương - nguyên Đại đội trưởng Núi Voi, sau làm Huyện đội trưởng An Dương; đồng chí Phạt (không nhớ họ)- nguyên Huyện đội phó An Lão, và đồng chí Phan Thủy - Trưởng Ban Địch vận, đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Nhiều người khác như các đồng chí: Tảng (quê xã An Thắng), Trượng (Tân Viên), Tạp (Bát Trang), Cúc (Nam Hà),… đều hy sinh oanh liệt trên đất An Lão. Trong công tác địch hậu, nhiều đồng chí bị địch bắt, bị tù đày, tra tấn dã man, nhưng không ai đầu hàng, khai báo cơ sở, như các đồng chí: Đặng Xưởng (xã Chiến Thắng), Hòa (An Thắng), Trần Thị Dung (Trường Thọ), Nguyễn Thị Lán (An Tiến),... Ra tù, các đồng chí này lại tiếp tục hoạt động. Có những đồng chí bị thương nặng, nhưng vừa khỏi vết thương đã hăng hái đi chiến đấu, như các đồng chí: Khái (xã Thái Sơn), Lê Kha (Tân Dân), Nguyễn Thị Liên (Quốc Tuấn),… Nhiều đồng chí bị địch vây hãm trong hang Núi Voi hàng tuần, đói cơm, khát nước, bị bom đạn và hơi cay của địch, vẫn giữ vững tinh thần.
Du kích Núi Voi được sự nuôi dưỡng, chở che của nhân dân toàn huyện An Lão, đặc biệt là hai xã An Tiến và Trường Thành. Từ nhân dân mà ra, cán bộ, chiến sĩ du kích Núi Voi đã hết lòng vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà chiến đấu.
Phát huy truyền thống du kích Núi Voi thời chống Pháp, Trung đội gái Núi Voi, với 28 xạ thủ, vai cõng đại liên lên đỉnh Núi Voi bầy thế trận, chống trả oanh liệt với không lực Hoa Kỳ. Tháng 11-1967, chị em đã bắn rơi một máy bay siêu âm A4 của giặc Mỹ. Trung đội nữ du kích Núi Voi đã được thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 28 nữ dân quân đều được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Trung đội trưởng Trần Thị Mây (quê xã Trường Thọ) là điển hình của đội nữ dân quân ấy. Du kích Núi Voi là biểu tượng anh hùng của nhân dân huyện An Lão, tỉnh Kiến An (cũ). Truyền thống vẻ vang của du kích Núi Voi được ghi nhận trong lịch sử quân sự của Quân khu 3 (trước đây là Quân khu Tả Ngạn), với những chiến tích đáng tự hào, góp phần đáng kể vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
ĐÀO NGỌC ĐỆ (*)
(*) Ghi theo lời kể của đồng chí Cao Thu - nguyên Chính trị viên Đại đội Núi Voi 1949 - 1951; nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Lương Khánh Thiện, quận Kiến An, TP Hải Phòng.