 |
Thanh niên thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc đợt 1-2009.
|
Quân khu 5 vừa có một mùa tuyển quân khá đặc biệt, vì lần đầu tiên quân khu thực hiện thí điểm không tiến hành “3 gặp, 4 biết” ở 2 đơn vị nhận quân và 4 địa phương giao quân.
Địa phương, gia đình và thanh niên nhập ngũ đều chủ động
Không thể phủ nhận ưu điểm của “3 gặp, 4 biết” trong tuyển quân lâu nay. Nhờ “3 gặp, 4 biết” mà đơn vị nhận quân hiểu được đầy đủ, trọn vẹn đối tượng nhập ngũ, đã nắm người nào là chắc người đó, gắn trách nhiệm của cán bộ đi nhận quân với thanh niên trúng tuyển; chủ động sắp xếp tổ chức, biên chế trước khi đưa thanh niên nhập ngũ về đơn vị; sau nhận quân có thể bắt tay ngay vào huấn luyện...
Tuy nhiên, cách làm bài bản, ngỡ như khá chặt chẽ này dần dần tỏ ra bất cập, nhất là ở những địa phương có đông thanh niên đi làm ăn xa, địa bàn rộng, đặc thù như Quân khu 5. Chính các địa phương giao quân đã nhận thấy bất cập này và đề nghị điều chỉnh. Tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự, Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ của Quân khu 5 (tháng 9-2008) Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị nên giao cho địa phương làm tròn khâu trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Bởi vì để bảo đảm “3 gặp, 4 biết” thì cả cán bộ đơn vị về thâm nhập, thanh niên, gia đình và địa phương đều vất vả. Thanh niên đi làm ăn xa, buộc phải gọi về để “3 gặp, 4 biết”. Có khi thanh niên về thì không có cán bộ. Cán bộ về thì không có thanh niên. Ai cũng mất thời gian, địa phương thì không quyết định được giao cho địa phương làm tròn khâu, thì Hội đồng NVQS xã sẽ phân công trách nhiệm cho từng thành viên kết hợp với thôn, xóm chủ động làm việc rất thuận lợi…
Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí
Thượng tá Trần Kim Ba, Chính ủy Đơn vị 38 (Đoàn H) cho rằng, thuận lợi của việc giao cho địa phương làm tròn khâu rất rõ: “Cán bộ bám địa bàn tuyển quân giảm hơn nửa, thời gian giảm 3/4, công tác phí tiết kiệm đáng kể. Các đơn vị có điều kiện tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, hoàn chỉnh hệ thống bài giảng, sổ sách, sắp xếp biên chế, củng cố doanh trại chuẩn bị đón chiến sĩ mới và ra quân huấn luyện, đồng thời có thời gian giải quyết phép cho cán bộ, tạo tư tưởng phấn khởi trước khi bước vào huấn luyện. Hiện nay, chiến sĩ mới của đơn vị đều rất tốt, yên tâm học tập, huấn luyện”. Còn Đại tá Trương Đức Nghĩa, Đoàn trưởng Đoàn B15 nơi có 2 Đơn vị M43 và M42 thí điểm làm tròn khâu trong tuyển quân, nêu những con số so sánh cụ thể hơn: “Nếu tuyển quân đợt 1, để thâm nhập “3 gặp, 4 biết” chúng tôi phải cử 55 cán bộ, thời gian đi mất 12 ngày, thì nay chỉ cần 18 cán bộ và mất 4 ngày. Chi phí xăng dầu trước đây phải mất 1.586 lít, nay chỉ còn 490 lít. Công tác phí trước đây 13,3 triệu đồng, nay chỉ có 4,3 triệu đồng. Tôi nghĩ giao cho địa phương làm tròn khâu trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là hoàn toàn đúng. Tất nhiên về phía đơn vị phải có sự nỗ lực rất lớn, nhất là khâu phối hợp với địa phương phải rất chặt”.
Thượng úy Cao Thanh Vơn, Chính trị viên Đại đội 8, Phân đội 5, Đơn vị 38-Đoàn H phấn khởi: “Mọi năm, thời điểm tuyển quân thì từ cán bộ trung đội đến đại đội, phân đội đều dồn hết về các xã, tiếp xúc với thanh niên, gia đình, địa phương. Có nơi đi xa hàng mấy trăm cây số, nhiều xã đi bộ là chủ yếu. Đi lần thứ nhất không gặp đối tượng do họ đi làm ăn xa, hoặc lên nương rẫy, phải đi lần thứ 2, thứ 3. Không gặp thì không yên tâm. Một cán bộ chỉ nắm từ 10 đến 15 hồ sơ mà cũng “toát mồ hôi”. Năm nay, chúng tôi chỉ nắm quân trên hồ sơ do Ban CHQS huyện giao”.
Vướng mắc và cách tháo gỡ
Hội nghị rút kinh nghiệm thí điểm công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đợt 1-2009 của Quân khu 5 đã thẳng thắn đánh giá: Một số cơ quan quân sự các cấp chưa quán triệt sâu sắc đến từng cơ sở để phát huy hết sức mạnh của hệ thống chính trị. Nhiều nơi chưa tập huấn kỹ năng làm tròn khâu cho cán bộ. Có nơi cơ quan quân sự làm thay nhiệm vụ của Hội đồng NVQS xã, thị trấn. Văn bản, mẫu biểu, hồ sơ chưa đồng bộ, dẫn đến trường hợp đáng tiếc là nhiều thanh niên tốt bị loại. Phía đơn vị nhận quân chưa có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương trong phúc tra, nhất là đối với một số trường hợp nghi vấn. Chưa thống nhất với các trung tâm y tế về những bệnh ngoài da, xăm trên cơ thể. Thời gian từ khi khám sức khỏe lần đầu đến khi về đơn vị phúc tra khá lâu nên đã không lường hết những bệnh lý mới phát sinh. Với các địa phương, tuy đã được giao làm tròn khâu nhưng việc xét duyệt hồ sơ chưa đổi mới. Các bước gặp gỡ, nắm bắt hoàn cảnh, tình cảm, sức khỏe thanh niên có nơi thiếu sâu sát. Chưa bàn giao người nào chắc người đó mà vẫn còn có ý chờ đơn vị nhận quân phúc tra lại như trước đây. Hệ quả là hồ sơ dự phòng nhiều, tỷ lệ quân dự phòng đông, số đổi bù cao (có nơi 22/380 công dân) gây tốn kém thời gian, chi phí.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5 thì từ kinh nghiệm tuyển quân đợt 1, đợt 2-2009, Quân khu 5 sẽ giao cho 11 tỉnh, thành phố thực hiện làm tròn khâu trong tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Không tổ chức cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện, quận đi thâm nhập, mà giao trách nhiệm, phát huy đầy đủ vai trò từng thành viên của Hội đồng NVQS ở cơ sở.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN