Đồn Biên phòng Si Ma Cai (BĐBP tỉnh Lào Cai) đứng chân ở vùng núi cao, giao thông không thuận lợi, đời sống người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, tận dụng điều kiện nơi đây có nhiệt độ trung bình hằng năm khá thấp, độ ẩm cao, Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã triển khai nhiều mô hình TGSX phù hợp, như: Trồng các loại rau cao cấp hợp với thời tiết lạnh, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm bản địa, nhất là nuôi cá tầm thương phẩm.
Đơn vị cử cán bộ đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm; đầu tư hơn 60 triệu đồng mua vật liệu, huy động cán bộ, chiến sĩ xây bể và lắp đặt đường ống dẫn nước ngầm từ khe núi gần đó về, sau đó mua cá tầm giống của trang trại có uy tín về nuôi. Để giảm chi phí nuôi cá tầm, đơn vị kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp với các loại thức ăn tự chế biến từ ngô, đậu tương xay nhỏ. Kết quả, mỗi năm, đơn vị thu lãi hơn 50 triệu đồng từ nuôi cá tầm.
|
|
Mô hình làm nước mắm của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) mang lại hiệu quả cao.
|
Tại các đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh Điện Biên, với tinh thần trên dưới cùng lo, cùng làm, cán bộ, chiến sĩ đã triển khai thành công mô hình nuôi bò theo phương pháp bán thả. Trước đó, nhận thấy các đồn đều có lợi thế diện tích đất rộng, nguồn thức ăn tự nhiên cho trâu, bò dồi dào, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã quyết định triển khai đồng loạt mô hình chăn nuôi bò ở các đồn.
Được sự hướng dẫn của cơ quan hậu cần, các đồn biên phòng trích quỹ vốn mua vật liệu, huy động cán bộ, chiến sĩ xây dựng chuồng trại; tận dụng diện tích đất xung quanh đơn vị để trồng thêm cỏ voi, sắn, ngô làm thức ăn cho bò; đồng thời tổ chức thu mua rơm, rạ, thân cây ngô đưa vào dự trữ, ủ chua làm thức ăn cho bò vào thời điểm hanh khô, ít cỏ tươi. Với cách làm này, năm 2023, các đồn biên phòng đều thu lãi bình quân hơn 200 triệu đồng từ chăn nuôi bò thương phẩm.
Đến khảo sát thực tế tại một số đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh Cà Mau, chúng tôi thấy các đồn có khó khăn chung là thường xuyên chịu tác động của triều cường, xâm nhập mặn, hạn hán. Trước khó khăn ấy, các đơn vị đã nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều mô hình TGSX phù hợp nhằm phát huy lợi thế, hạn chế khó khăn; trong đó, nổi bật là mô hình nuôi cá, ếch trong bể bạt cao su. Cụ thể là dưới bể, bộ đội nuôi cá trê hoặc cá rô phi đơn tính, kết hợp nuôi ếch ở trên mặt bể.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) thu hoạch cá tầm. |
Qua nhiều năm triển khai cho thấy mô hình này có rất nhiều ưu điểm, như: Chi phí đầu tư ban đầu thấp, dễ làm, chủ động được nguồn nước, tiện quản lý, chăm sóc và thời gian quay vòng nhanh (mỗi năm có thể nuôi 23 lứa)... Đặc biệt, các loại giống cá, ếch đều là loài ăn tạp, dễ nuôi, đơn vị có thể tận dụng nguồn thức ăn dư thừa và chất thải của ếch để nuôi cá nên giảm đáng kể chi phí. Từ chỗ mô hình được triển khai năm 2020 ở một số đồn biên phòng, đến nay đã được nhân rộng ra tất cả các đồn thuộc BĐBP tỉnh Cà Mau. Sản phẩm cá, ếch được đưa vào bếp ăn phục vụ bộ đội và bán ra thị trường, mỗi năm thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/bể nuôi.
Bên cạnh những mô hình TGSX tiêu biểu nêu trên, chúng tôi còn thấy các đơn vị BĐBP có nhiều mô hình tăng gia, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả khác, như: Mô hình nuôi rong nho biển của BĐBP tỉnh Ninh Thuận; làm nước mắm của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng-Sơn Dương (BĐBP tỉnh Hà Tĩnh); trồng cà phê của BĐBP tỉnh Đắk Lắk...
Những cách làm đem lại hiệu quả cao này không chỉ thúc đẩy công tác TGSX của đơn vị ngày càng phát triển, trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, tạo quỹ vốn cho các đồn biên phòng, mà còn là mô hình sản xuất kinh tế phù hợp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tham quan, học tập, làm theo. Qua đó, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng khu vực biên giới phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời người dân yên tâm bám trụ biên cương, tích cực tham gia bảo vệ biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: HIỀN THANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.