QĐND - Hướng tiến công chủ yếu trong giai đoạn đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là Chiến trường Tây Nguyên. Nhiệm vụ chiến lược trước mắt là tiêu diệt lực lượng cơ bản của Quân đoàn 2 địch, giải phóng Tây Nguyên. Nhiệm vụ chiến lược tiếp theo là giải phóng vùng đồng bằng ven biển và vùng ven Sài Gòn. Nhiệm vụ cuối cùng là đánh vào nội đô, tiêu diệt lực lượng vũ trang còn lại của địch, giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh.

Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Quân đội Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Mở đầu cuộc tiến công chiến lược, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu. Thực tiễn đã chứng minh rằng, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác. Giai đoạn đầu của cuộc tiến công chiến lược, ta đã tiêu diệt được lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 2 và một bộ phận lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, giải phóng Tây Nguyên, do đó đã tạo ra chuyển biến rất quan trọng về so sánh lực lượng, về thế chiến lược và một sự thay đổi đột ngột về tinh thần. Tình hình đó đã tạo điều kiện và thời cơ rất thuận lợi để giải phóng vùng đồng bằng, vùng ven biển và vùng ven Sài Gòn. Địch mất một quân đoàn, mất một địa bàn chiến lược quan trọng là nguy cơ rất nghiêm trọng đối với chúng. Tây Nguyên là hướng quân địch yếu, nhưng lại là hướng hiểm yếu. Vì vậy, ta giành được thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiến công tiếp theo các hướng, các mục tiêu quan trọng và hướng quyết định.

Sau khi giành được thắng lợi, ta đã bảo đảm vững chắc thắng lợi đó, làm bàn đạp tốt để tiếp tục phát triển tiến công. Thực tế cho thấy, sau khi Tây Nguyên được giải phóng, địch khó tiến hành phản kích để chiếm lại. Lực lượng địch đã bị căng mỏng trên khắp các chiến trường và ở đâu cũng đều bị ta tiến công, có nơi lại bị tiến công mạnh. Nếu chúng rút một phần lực lượng ở các chiến trường khác tung ra phản kích ở Tây Nguyên, thì vừa có thể bị sa lầy và bị tiêu diệt ở Tây Nguyên lại vừa có thể bị thua ở các nơi khác.

Khi thất thủ ở Tây Nguyên, địch đã vội vã tháo chạy và tiến hành ngăn chặn bộ phận. Nhưng tất cả những hành động đó đều bị thất bại thảm hại vì tốc độ tiến công của ta quá nhanh. Nếu quân địch dám liều lĩnh tập trung quân lên phản kích ở Tây Nguyên, thì ta vừa có điều kiện tiêu diệt chúng một cách dễ dàng, lại vừa có thời cơ giải phóng các vùng đồng bằng, ven biển một cách nhanh chóng.

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược lợi hại, một chiến trường rất cơ động. Chiếm được Tây Nguyên, quân ta có thể bảo đảm thắng lợi vững chắc và lấy đó làm bàn đạp tốt, tập trung thêm lực lượng để phát triển tiến công một cách thuận lợi về các hướng quan trọng khác như vùng đồng bằng ven biển và đông bắc Sài Gòn. Thực tế chiến đấu diễn ra đã chứng minh sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong việc chọn hướng này. 

 

NGUYỄN THÀNH HỮU

(Theo “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng”, NXB QĐND, Hà Nội, 1977)