Những ngày đầu tháng 3, khi tiết trời biên giới trở nên khô hanh, thời điểm những cánh rừng khộp rụng lá, dưới tán rừng già những bước chân của những người lính biên phòng cùng với cán bộ và nhân dân xã Krông Na đang sải bước trên cùng đường tuần tra biên giới.

 Già làng Y Mosk Hra cùng chiến sĩ biên phòng vệ sinh cột mốc biên giới.

Thành viên trong đội hình tuần tra, có các đồng chí là bí thư Đảng ủy xã, Phó chủ tịch UBND xã, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt có vị già làng Y Mosk Hra năm nay cũng đã gần 70 tuổi. Nhiệm vụ đặt ra của đoàn là cùng với 7 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tuần tra đoạn biên giới dài hơn 13,3km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, tiến hành phát quang cột mốc và tổ chức dâng hương các liệt sĩ hy sinh tại khu vực Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk…

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Krông Na phải vượt suối, băng rừng tuần tra bảo vệ biên giới.

Là người lớn tuổi nhất trong đội hình tuần tra, cũng là người có uy tín của Buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, già làng Y Mosk Hra chia sẻ: Ông không nhớ nổi mình đã cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP đi tuần tra biên giới bao nhiêu lần, ông chỉ nhớ rằng, trước đây ông có 30 năm làm cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc Gia Yok Đôn, ông đã có nhiều thời gian cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đi tuần tra biên giới, hầu như những cánh rừng, ngọn đồi trong biên giới ông vẫn nhớ tường tận, khi về đời thường trở thành già làng của buôn, ông cũng thường xuyên lên biên giới cùng với Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới.

Già làng cũng chia sẻ thêm: Mỗi lần đi tuần tra biên giới đến bên các cột mốc biên giới, già làng đều muốn tận tay mình lên lau chùi cẩn thận từng cột mốc và được chụp ảnh cùng với cột mốc biên giới. Theo như già làng Y Mosk giải thích những bức ảnh chụp bên cột mốc này là minh chứng để sau những lần tuần tra trở về buôn làng, già làng sẽ đem ra tuyên truyền bà con, thuyết phục bà con tốt hơn.  

Cán bộ và nhân dân xã Krông Na được cán bộ, chiến sĩ BĐBP giới thiệu về cột mốc biên giới số 45.

Trong đội hình tuần tra, có những người đã quá quen thuộc với đường biên cột mốc và cũng có những người lần đầu tiên lên biên giới, Y Nô Ly Kbuôr là một đoàn viên trẻ lần đầu tiên lên biên giới được trực tiếp tham gia vào đội hình tuần tra. Một trong những điều khiến Y Nô Ly cảm phục và tự hào khi nghe cán bộ biên phòng kể về sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ tại khu vực Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tổ quốc. Y Nô Ly bộc bạch: Không dễ gì để có độc lập ngày hôm nay và cũng không dễ gì gìn giữ được bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc đến ngày hôm nay, đã biết bao sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, nên thế hệ trẻ của chúng tôi cần phải có trách nhiệm giữ gìn sự độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Theo kế hoạch phối hợp, định kỳ 3 tháng, chính quyền địa phương xã Krông Na sẽ phối hợp với 3 Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức 1 đến 3 đoàn lên biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, các công trình quốc phòng và tìm hiểu lịch sử vẻ vang của BĐBP. Đồng thời, hằng năm, UBND xã sẽ tổ chức sơ kết phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” và phát động phong trào ‘Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”

Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” trên địa bàn xã đã có 11 tổ tự quản, 212 hộ gia đình, 312 cá nhân đăng ký tham gia quản lý bảo vệ đường biên, cột mốc. Riêng trong năm 2021, cấp ủy chính quyền địa phương và BĐBP đã phát động, tuyên truyền, vận động 80 hộ gia đình và 102 cá nhân đăng ký mới tham gia. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong tham gia bảo vệ đường biên cột mốc. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lựa chọn những thời điểm phù hợp nhất, tổ chức tinh gọn, lựa chọn những người tham gia thực hiện phải là những người có uy tín trong cộng đồng để họ trở thành những tuyên truyền viên, vận động nhân dân tham gia ngày càng sâu rộng và có hiệu quả hơn.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Krông Na tổ chức phát quang cột mốc số 44 

Hiện nay, trên địa bàn 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk đã có 26 tập thể, 482 gia đình, 1.559 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 59,9km đường biên giới; 12 tập thể, 132 gia đình, 209 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 4 cột mốc biên giới; 6.250 hộ gia đình ký cam kết tham gia thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Ngoài ra, có 23 tập thể, 421 gia đình, 3.290 cá nhân tại 38 thôn, buôn biên giới ký cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó chính ủy BĐBP tỉnh nhấn mạnh: Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; dựa vào dân, lấy dân làm gốc “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống” sự gắn kết giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực biên giới góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tính riêng từ năm 2019 đến nay, nhân dân và các lực lượng ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới được 1469 lần với hơn 4000 lượt người tham gia; tổng dọn vệ sinh, phát quang các vị trí mốc quốc giới, đường tuần tra biên giới được 59.9km. Nhân dân còn tích cực tham gia tố giác tội phạm và cung cấp cho BĐBP nhiều tin tức quan trọng. Năm 2021, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, BĐBP Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý 27 vụ với 57 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 104 triệu đồng… 
 

Bài, ảnh: NGỌC LÂN