QĐND - Ngày 30-4-1970, Tổng thống Ních-xơn đột ngột đăng đàn, công khai tuyên bố: Quân Mỹ được B-52 yểm hộ, đã xâm nhập Cam-pu-chia để tìm diệt các căn cứ của đối phương, đặc biệt là các sở chỉ huy và các cuộc không kích đang tiếp diễn…
Tuyên bố này làm toàn nước Mỹ dậy sóng: Tổng thống Mỹ đột ngột mở rộng cuộc chiến tranh ở Việt Nam (khác với các tuyên bố trước đây của ông ta); xâm lược một nước trung lập; hành động này của Ních-xơn được xem là vi phạm rõ ràng Điều 1, Mục III Hiến pháp Mỹ: Quốc hội được trao quyền tuyên bố chiến tranh.
 |
Ních-xơn lên truyền hình Mỹ ngày 30-4-1970, ra tuyên bố về cuộc xâm lược Cam-pu-chia. Nguồn: Lưu trữ Hoa Kỳ.
|
Học giả Mỹ cho rằng, người dân Mỹ chưa từng bao giờ bị lừa gạt ghê gớm đến như vậy. Rằng, tuyên bố trước toàn dân của Ních-xơn nói trên chứa 3 điều sai sự thật. Thứ nhất, câu “đã từng có nhiều thảo luận trước quyết định này” không đúng, vì Quốc hội Mỹ không hề được hỏi ý kiến theo đúng thể thức, còn đối với chính phủ, các Bộ trưởng Quốc phòng Men-vin Le-đơ và Ngoại giao Uy-li-am Râu-giơ chỉ được biết về quyết định xâm lược nói trên hôm 27-4-1970. Thứ hai, cuộc xâm lược “nhằm tấn công vào đại bản doanh của cộng sản Nam Việt Nam”, trong khi Bộ trưởng Le-đơ nhiều lần thông báo cho Tổng thống Mỹ là không tồn tại một mục tiêu cố định như thế. Thứ ba, câu “chính sách của Mỹ là luôn hết sức tôn trọng nền trung lập của Cam-pu-chia”, trong khi Lực lượng đặc biệt Mỹ đã từ lâu tiến hành hoạt động biệt kích trong lãnh thổ Cam-pu-chia với kế hoạch Sa-lem Hao-xơ (từ tháng 5-1967) và đặc biệt, từ những ngày đầu cầm quyền của Tổng thống “hòa bình trong tầm tay” Ních-xơn, từ tháng 3-1969 (!), máy bay Mỹ đã rải thảm một số vùng đất Cam-pu-chia…
Ném… bom giấu tay
Vừa lách qua khe hẹp chưa từng có (thắng cử với cách biệt dưới 1%) vào Nhà Trắng, Ních-xơn đã ra mật lệnh ném bom Cam-pu-chia. Theo sử gia Nan-xy Gia-ru-lít, khởi điểm này trên đường hoạn lộ thiếu lý trí của Ních-xơn là có tính định mệnh, vì vẫn hành vi ném bom (ý nói các cuộc ném bom Linebacker I, Linebacker II năm 1972) rồi sẽ là một điểm kết thúc sự nghiệp của ông ta.
Khi tờ Thời báo New York Times số ra 9-5-1969 đăng phóng sự của Uy-li-am Bít-sơ (William Beecher) về các trận ném bom vào lãnh thổ Cam-pu-chia, phản ứng của Nhà Trắng là điên rồ. Sau này trong hồi ký Ních-xơn viết rằng, ngày 10-5, một ngày sau bài báo trên, “Kít-xin-gơ (Kissinger) nổi điên, tôi cũng thế”. Ních-xơn lệnh cho Hu-vơ (Hoover) (Giám đốc Cục Điều tra Liên bang-FBI) thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kể cả nghe lén để điều tra vụ rò tin này, tìm ra những kẻ làm lộ bí mật” trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc (cho dù chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không được biết về vụ ném bom tuyệt mật này). Kít-xin-gơ gọi cho Hu-vơ 4 lần trong ngày, cam đoan Nhà Trắng sẽ trù diệt bất kỳ kẻ nào làm rò tin, miễn là FBI tìm ra. Dù các cuộc nghe trộm không tìm ra được thủ phạm làm lộ kế hoạch ném bom tuyệt mật, Nancy Jaroulis nhận định tiếp, từ điểm khởi đầu các thợ chữa ống nước (plumbers – các chuyên gia nghe trộm của phe Ních-xơn) rồi sẽ vẽ nên một cái vòng khép kín nữa của định mệnh, giật đổ ngai tổng thống của Ních-xơn bằng Cổng nước…
50 năm sau, William Beecher cho hay, khi bài phóng sự về ném bom xứ Chùa Tháp của ông xuất hiện, người phát ngôn của chính quyền Mỹ đã bác bỏ nó, bảo đây là một tin được báo giới “phóng tác”.
Cuốn Hồi ký “Mặt dày mày dạn” của cựu Tổng thống Ních-xơn kể về cuộc ném bom tuyệt mật này: “… Chính quyền của tôi mới được hai tháng tuổi và tôi muốn có những tiếng la ó của công luận càng nhỏ càng tốt, vào buổi đầu ấy”. Còn lúc đó, vẫn Nancy Jaroulis, tiếp tục bình rằng một số “bạn” của phe Ních-xơn trên đồi Capitol (Nhà Quốc hội Mỹ) thực ra vẫn biết về cú đấm ngầm cực mạnh (mighty) đầu tiên này vào cấu trúc lập pháp mà mới đó thôi, ông ta vừa “tuyên thệ” trung thành. William Beecher, gần đây chỉ rõ việc bưng bít hành động chiến tranh ở Cam-pu-chia khỏi tai mắt của Quốc hội và công luận Mỹ. Vì Cam-pu-chia là một nước trung lập, Quốc hội Mỹ không thể nào áp dụng quyền mà Hiến pháp Mỹ dành cho, để tuyên bố chiến tranh với một nước trung lập.
“Thực đơn” của quỷ Sa tăng
Chiến dịch đầu tiên chống Cam-pu-chia, theo Nhật ký của Chánh văn phòng Nhà trắng Han-đơ-man (Haldeman), khởi nguồn sau một buổi lễ nhà thờ ngày chủ nhật. Hôm ấy, ngày 17-3-1969, Haldeman viết: “Một ngày đi vào lịch sử: Kế hoạch "Bữa ăn sáng" đã được quyết xong. K (Kissinger) cực phấn khích, P (President Nixon) cũng thế”.
 |
Cuộc xâm lược Cam-pu-chia năm 1970. Nguồn bản đồ: Học viện quân sự Mỹ USMA.
|
Cuộc ném bom bắt đầu vào ngày 18-3-1969 với 60 chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ Guam, tới rải thảm vùng Lưỡi câu nằm trên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, trong số đó 48 chiếc ném bom vào lãnh thổ Cam-pu-chia, rải 2.400 tấn bom. Vẫn theo Haldeman, cuộc không kích này cực kỳ “hiệu quả”, khiến kẻ thủ mưu cười ngoác miệng. Abrams cung cấp thêm 15 mục tiêu nữa và các cuộc ném bom sau được những kẻ bất chấp đạo lý lần lượt gọi là: Lunch (bữa trưa), Snack (lót dạ), Dinner (bữa tối), Supper (ăn nhẹ trước khi ngủ) và Desser (tráng miệng). Tổng số các chuyến bay ném bom trong chiến dịch “tuyệt mật” này là 3.800 đợt xuất kích, ném 108.823 tấn bom. Tất cả các kế hoạch không kích này nằm trong chương trình gọi là Menu (Thực đơn), ném bom Cam-pu-chia và Lào. Theo Nancy Jaroulis, càng ăn phàm, càng kích thích tính háu ăn. “Thức ăn” ư? Theo ước tính của Hội đồng tham mưu liên quân, chỉ trong 6 khu vực nằm trong 6 đòn không kích đầu tiên, đã có tới gần nửa vạn người Cam-pu-chia sinh sống, trong đó chủ yếu là nông dân!!!
Năm 1973, Phnôm Pênh bị bao vây chặt. Không quân Mỹ “tự tiện” rải bom lên các lực lượng chống Lon Non, rồi “báo công” với Nhà Trắng, là vừa cứu chế độ thân Mỹ ở Phnôm Pênh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt đã cận kề…
Tiếm quyền
Đêm 29-4-1970, Ních-xơn bỏ ngủ, chữa thông điệp về cuộc xâm lược Cam-pu-chia đến tận 4 giờ 30 phút rạng sáng 30-4-1970.
Dù biện bạch rằng đã thông tin cho hơn 40 nhân vật quan trọng trong Quốc hội khoảng 1 giờ trước khi Tổng thống Mỹ đăng đàn, ngày 30-4-1970, Ních-xơn đâu có hỏi ý kiến các nghị sĩ xem họ có đồng thuận, hay góp ý gì về nội dung thông điệp sắp được ông ta phát.
Ngày 5-5-1970, nhiều thượng nghị sĩ cáo buộc Ních-xơn đã “tiếm quyền gây chiến của Quốc hội”. “Cài số” cho cuộc chiến của mình, các TNS bỏ phiếu cho một thư ngỏ yêu cầu tổng thống gặp Ủy ban đối ngoại Thượng viện. Tổng thống đồng ý, nhưng ông ta mời thêm Ủy ban đối ngoại Hạ viện, hẳn là mong có thêm “quân xanh” cho mình. Các TNS bực bội, cho rằng tổng thống đã thất thố về lễ tân. Còn các Hạ nghị sĩ Mỹ cũng phật ý, nghĩ rằng các đồng nghiệp ở Thượng viện có phần “chơi trội”, khi đòi gặp riêng nguyên thủ bằng được. Nhưng nguyên tắc là nguyên tắc, một ngày sau cuộc xâm lược Cam-pu-chia xảy ra, Ủy ban đối ngoại Thượng viện đã thông qua quyết định hủy bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, được toàn thể Thượng viện chấp thuận hôm 26-6-1970 và Hạ viện thông qua hôm 31-12-1970. Theo lưu trữ, Ních-xơn bảo: Chả cần để ý gì đến chuyện này (dù tháng 1-1971, Ních-xơn phải ký sắc luật bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ).
Buộc phải nhượng bộ, Ních-xơn hứa: Sẽ hạn chế cuộc xâm nhập Cam-pu-chia trong phạm vi 35km; sẽ cố tìm kiếm sự ưng thuận của Quốc hội; sẽ rút quân Mỹ khỏi Cam-pu-chia trước ngày 1-7-1970.
Lý thuyết kẻ điên
Tổng thống Ních-xơn “hận” các nghị sĩ chống lại ông ta. Ngay trước đó, Ních-xơn bảo Kít-xin-gơ: “Những thượng nghị sĩ kia muốn xem thường tôi, nhưng tôi sẽ chỉ cho họ thấy mèo nào cắn mỉu nào”.
Cuối tháng 4-1970, Ních-xơn tới Lầu Năm Góc nghe báo cáo của Hội đồng tham mưu liên quân về Cam-pu-chia. Chỉ vào một số những “cứ điểm” (strongholds - nơi “Việt Cộng” trú ẩn), Ních-xơn tuyên bố: “Tôi muốn đánh tan những thánh địa này. Hãy lên mọi kế hoạch cần thiết và thực hiện. Hãy đánh chúng tan tành, để chúng không bao giờ có thể tiếp tục được sử dụng để chống lại chúng ta”.
Đóng lồng
Hành động lén lút (kiểu như ném bom “vụng trộm” Cam-pu-chia) và bưng bít, đã mau chóng trở thành vũ khí ưa chuộng của chính quyền Ních-xơn để leo thang và mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương, theo Nancy Jaroulis. Nhưng giới lập pháp Mỹ, đặc biệt là Thượng viện, dĩ nhiên đã không mất thì giờ để “chăng lưới” bắt những ‘thợ chữa ống nước” chuyên Oa-tơ-gết, mà làm chức phận của mình là “đóng lồng cho diều hâu”. Đó là soạn thảo và thông qua các điều luật chống các hành động chiến tranh trái Hiến pháp của Ních-xơn.
Ngoài nỗ lực bãi bỏ phán quyết bị dẫn dắt “lệch hướng”, mang tên Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, trên đồi Capitol đã lấp ló hai dự thảo nhằm cắt giảm sự có mặt về quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Thứ nhất, đạo luật chỉnh sửa Cúp-pơ Chớt-sơ: Cấm lục quân Mỹ tham chiến ở Cam-pu-chia và Lào; cấm ném bom lãnh thổ Cam-pu-chia không có phê chuẩn của Quốc hội Mỹ; cấm Mỹ hỗ trợ quân Sài Gòn trong các hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ. Nội dung cơ bản của Cúp-pơ Chớt-sơ đạt được sự thông qua của hai Viện, tháng 12-1970, cho dù điều khoản cấm tự ý ném bom Cam-pu-chia chưa đạt được… Thứ hai, đạo luật chỉnh sửa Mắc Go-vơn Hát-phin do TNS McGovern đề xuất, được 16 TNS hậu thuẫn, đòi rút hết quân Mỹ về nước trước ngày 31-12-1971. Tuy nhiên, do chính quyền Ních-xơn viện cớ một thời hạn có tính chất “tối hậu” như vậy sẽ làm yếu “vị thế” của Hoa Kỳ trên bàn hội nghị Paris, nên McGovern-Hatfield Amendment chưa được Nghị viện Mỹ thông qua.
Tiến trình của các nhà lập pháp tiến bộ Hoa Kỳ đòi lại quyền kiểm soát theo Hiến pháp của Quốc hội đối với việc chính quyền Mỹ làm chiến tranh, khởi nguồn từ “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, là vô cùng gian nan. Lực lượng tiến bộ trong Quốc hội Mỹ “thắng” trong các trận cuối chống lại những kẻ chủ trương làm chiến tranh ở Việt Nam, như Quyết nghị Quyền lực chiến tranh (Wars Power Resolution), được thông qua tháng 11-1973 với đa số áp đảo, vượt lên phủ quyết của Ních-xơn…
Năm 1975, Tổng thống Ford dự báo “một trang sử khủng khiếp đến khó tin”, khi Khmer Đỏ sắp chiếm được Pnôm Pênh và đề nghị Quốc hội khởi động lại chiến dịch yểm trợ cho Lon Non, nhưng đã bị từ chối.
LÊ ĐỖ HUY