QĐND - Chúng tôi về Kho K23 (Quân khu 3) trong những ngày đầu tháng 3-2011. Tiếng máy của xe thiết giáp đang gầm gào, xen lẫn là những tiếng hô dõng dạc và bước chân chắc nịch của cán bộ, nhân viên đơn vị đang say sưa huấn luyện… Những âm sắc tươi mới như hứa hẹn một năm đầy quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Gia đình, điểm tựa để phấn đấu
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán sau khi thực hành một số động tác kỹ thuật làm mẫu cho các phân đội huấn luyện, Đại tá Vũ Quang Lý, Chủ nhiệm Kho K23 tâm sự với chúng tôi về cuộc sống và công việc của cán bộ, nhân viên đơn vị. Theo anh Lý, hầu hết, anh chị em trong đơn vị quê đều ở xa. Sau nhiều năm vất vả, đến nay một số ít cán bộ, nhân viên đã đưa được vợ, con "lên" sinh sống gần đơn vị. Rồi anh nói như khẳng định:
- Anh em chúng tôi ai nấy đều xác định: Binh làm nghiệp, kho là nhà. Xây dựng Kho vững mạnh toàn diện cũng giống như giữ cho gia đình mình trong ấm, ngoài êm. Vì thế, dẫu còn không ít khó khăn, nhưng 100% cán bộ, nhân viên trong kho đều yên tâm công tác, xác định rõ nhiệm vụ, đồng lòng, chung sức xây dựng đơn vị.
 |
Kiểm tra bảo dưỡng xe tăng ở Kho K23
|
Rồi anh đưa chúng tôi đi thăm khu bảo quản, niêm cất xe tăng, xe thiết giáp của đơn vị. Xe pháo được lau chùi sạch sẽ, bảo dưỡng và kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tham gia huấn luyện, diễn tập hay phục vụ nhiệm vụ phòng, chống bão lụt. Trung úy QNCN Phạm Minh Tân, Trung đội trưởng Trung đội thiết giáp, Đại đội thiết giáp 592 kể cho chúng tôi nghe về những lần lái xe tham gia ứng cứu bão lụt tại Nam Định, Hải Phòng. Không ít lần, do yêu cầu nhiệm vụ, nhận lệnh là các anh lên đường ngay dẫu là ban ngày hay đêm tối...
- Những lần như thế và cũng thường xuyên như thế, việc ăn lương khô, uống nước suối đối với chúng tôi là "chuyện thường ngày ở huyện". Tuy nhiên, muốn lên đường được ngay thì không chỉ con người sẵn sàng, mà phương tiện cũng vậy-Tân chia sẻ.
Khi được hỏi về gia đình, giọng anh thoáng ngập ngừng và trầm hẳn xuống. Tôi được biết, bố mẹ Tân đều đã nhiều tuổi, nhưng vì nhiệm vụ nên dù năm nay 38 tuổi rồi, nhưng anh vẫn là lính “phòng không” và rất ít có điều kiện về chăm sóc bố mẹ.
Ở Kho K23, những người như Tân không hiếm. Ví như, Đại tá Vũ Quang Lý, 21 năm công tác tại kho cũng là chừng ấy năm anh không có mặt vui Xuân, đón Tết cùng gia đình. Hay trường hợp Thượng tá Nguyễn Văn Xuyên, Chính trị viên Kho, 19 năm anh làm việc tại kho thì có tới hơn 10 năm anh và gia đình phải thuê nhà ở... "Chẳng ai thích khổ, hay thích tự làm khổ người thân, nhưng tất cả đều do yêu cầu nhiệm vụ" - anh Lý giải thích với chúng tôi.
Có một điểm chung khi tôi trò chuyện với cán bộ, nhân viên đơn vị là họ đều rất mãn nguyện và hết sức tự hào về gia đình, về con cái. Ví như hai con của anh Lý đều rất trưởng thành. Một người làm bác sĩ, còn người nữa là giáo viên. Hoặc anh Xuyên, hiện cháu lớn đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Như thế, đủ khẳng định: Gia đình chính là điểm tựa tinh thần để các anh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.
Phát huy từ nội lực
Khi được hỏi bí quyết để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là gì? Đại tá Vũ Quang Lý không ngần ngại chia sẻ:
- "Nhà tôi", Kho K23. Câu nói ấy chính là truyền thống mà các thế hệ cán bộ, nhân viên của đơn vị luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả xây đắp nên. Đơn vị chúng tôi đứng chân trên địa bàn rừng núi; điều kiện kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vì thế muốn xây dựng Kho vững mạnh toàn diện, không có gì khác ngoài việc phát huy từ nội lực.
Trên con đường bê tông dài hơn 600m chạy quanh đơn vị đưa chúng tôi xuống các kho bảo quản, niêm cất, Chủ nhiệm Kho Vũ Quang Lý tự hào chia sẻ:
- Con đường này là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đơn vị. Có được nó còn nhờ sự giúp sức rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ đơn vị 200 tấn xi măng, anh em chúng tôi gấp rút làm trong 12 ngày.
Không chỉ tập trung chăm lo xây dựng đơn vị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, mà một điều đặc biệt ở Kho K23 là tinh thần đoàn kết, sự quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính từ sự yêu thương, quý trọng của mỗi cán bộ, nhân viên đã giúp đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Những câu chuyện về sự sẻ chia, hay chỉ vài chục nghìn đồng tự nguyện quyên góp giúp đồng đội lúc khó khăn, thậm chỉ chỉ đơn giản là đón hộ con ở trường, nhặt giúp bó rau... cũng đủ để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ... Nhiều hơn, đáng kể hơn là vừa qua, Hội Phụ nữ Kho quyết định trích 50 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm giúp Trung tá QNCN Nguyễn Thị Vân xây nhà và hỗ trợ 10 triệu đồng để gia đình phát triển tăng gia sản xuất.
Nghe chuyện của họ và chính từ họ, tôi mới hiểu vì sao ở một đơn vị còn không ít khó khăn, cường độ làm việc lớn, sức cơ động cao, nhưng tinh thần sẵn sàng nhận việc khó và thể hiện nỗ lực vươn lên của mỗi cán bộ, nhân viên đơn vị thì có thừa. Đó là điều mà không phải bất kỳ đơn vị nào cũng dễ dàng có được....
Bài và ảnh: Minh Mạnh