QĐND Online - Ngưỡng mộ tên tuổi ông đã lâu, nhưng chỉ đến khi ông nghỉ hưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, về lập ra tờ tạp chí Việt Nam Hương Sắc, tôi mới có vinh hạnh được gặp Nhà báo Trần Lâm; nhất là khi ông bàn giao hẳn công việc cùng chức danh Tổng biên tập cho người khác, thời gian gần gũi ông càng nhiều hơn. Mỗi khi có một thông tin mới, một bài viết hay, tôi đều chạy ngay tới ông, thong thả đọc từng câu viết và lắng nghe ông chỉnh cho từng chữ:

- Lại văn rồi. Chỉ đọc đến chữ ấy thôi. Viết báo cần ngắn gọn, xúc tích, dễ đọc, dễ hiểu, chứ dài dòng làm gì.

- Thế hả bác? Tôi lần nào cũng vậy.

Nhà báo Trần Lâm chậc lưỡi, kéo dài chữ ở cuối câu:

- Ấy thế, chứ còn gì nữa ...

Cuộc gặp gỡ trao đổi chỉ có vậy. Nhưng, tùy theo tính chất bài viết của tôi có tác dụng tới đâu trong dư luận mà Nhà báo Trần Lâm đã cử phóng viên khác, làm những công việc tương tự như tôi, bảo vệ tôi, bảo vệ tiếng nói của chính nghĩa. Mãi sau này, khi mọi việc đã êm, ông chỉ cho tôi có bài báo đăng ở báo nọ, báo kia. Tôi mới chợt hiểu và reo lên:

- A! Bác làm như vậy là để bảo vệ cháu. Đúng không bác?

Nhà báo Trần Lâm gật đầu. Tôi xúc động. Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng này, hoạt động đơn phương độc mã của người viết báo thường gặp nguy hiểm, nếu không có những tấm lòng hiệp nghĩa như của Nhà báo Trần Lâm. Từ ngày bị thương cổ xương đùi, ông ít đi lại, chỉ ngồi nghe và viết. Ông ghi nhận xét hàng ngày cho Đài truyền hình Trung ương, viết báo, làm cố vấn cho một số tờ báo. Ông thường bảo: - Cái đầu con người ta phải như cái dao của ông thợ cạo, càng mài bao nhiêu càng sắc, không đọc, không viết tự nó cùn đi...

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội 8-1945. Ảnh tư liệu.

Chưa đến chương trình thời sự, ông hay kể cho tôi về thời kỳ hoạt động sôi nổi. Mái tóc dài trắng như cước của bác gái vừa búi gọn ghẽ sau gáy, bác mỉm cười nhắc bác trai đến giờ uống thuốc. Nét đẹp trời phú, dịu dàng của người con gái Hàng Đào với nước da trắng, mắt bồ câu long lanh, sống mũi dọc dừa trên gương mặt tròn ấy, đã hút hồn chàng sinh viên trường Luật Đông Dương năm nào.

- Tôi là con nhà nghèo, có mỗi đôi guốc mộc đi vẹt cả gót. May “trồng cây si” bảy năm, được ông cụ thương học trò nghèo, có chí, gả con gái cho! Tôi có được bà ấy như có cô tiên trong nhà. - Nhà báo Trần Lâm nhìn bác gái cười khà khà.

- Ở Đài, có phát thanh viên Vân Yến là ai, bác nhỉ? - Tôi hỏi.

- Tên bà ấy đấy. Khi đọc phát thanh, bà ấy lấy tên Vân Yến. – Ông nói.

- Dạo ấy, ở Đài ít người, chỉ có chị Dương Thị Ngân và bác đọc phát thanh. Ít lâu, chị Ngân chuyển sang biên tập tin bài, giỏi lắm. Bác đọc nhiều quá, đến năm 1961 bị chùng thanh đới, không nói được mới thôi, phải điều trị mất hai năm ở bệnh viện Việt Xô cơ mà. Tính chưa đủ hai mươi năm nên không được phong nghệ sĩ ưu tú. - Bác gái quay sang tôi, tiếng nói vẫn trong trẻo. – Sau bác làm ở văn phòng. Bác đánh máy tiếng Anh, tiếng Pháp nhanh lắm ...

Tôi rót nước dâng trà hai bác:

 - Bác ơi, bác kể chuyện hồi còn sinh viên trường Luật tung cờ ở Nhà hát Lớn đi bác.

Mái tóc muối tiêu cắt ngắn của ông nghiêng hẳn sang phía tôi, đôi mắt to sáng lên hào khí cả một thời sôi nổi: 

 - Năm 1944, tôi học ở trường Luật, dạy thêm ở trường Gia Long và tích cực tham gia phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố (Viện trưởng Viện Khảo cổ học) làm Chủ tịch. Nhờ sớm tiếp cận với Việt Minh, nên cuối năm bốn tư, tôi gia nhập Đội Tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội, một tổ chức của Đảng Dân chủ Việt Nam (ông Dương Đức Hiền làm Bí thư). Tôi vừa học hết chương trình của đại học Luật thì nổ ra sự kiện “Nhật đảo chính Pháp” (9/3/1945). Người Nhật gọi sinh viên trường Luật chúng tôi, tập trung học khẩn trương hai tháng, đào tạo thành quan tri huyện mới của Nhật, thay thế cho lớp tri huyện cũ của Pháp. Tất cả anh chị em sinh viên trường Luật khóa tôi đều tẩy chay hết. Đội tuyên truyền xung phong của tôi hoạt động ngày càng mạnh và có hiệu quả trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi bí mật nghe đài nước ngoài, chọn lọc tin tức, viết thành tài liệu, viết khẩu hiệu, biểu ngữ, rải truyền đơn khắp Hà Nội, ủng hộ Việt Minh. Tôi khoái nhất là đột nhập nhà hát, rạp xinê cắt cầu dao điện, lên diễn thuyết vài ba phút, căng khẩu hiệu rồi nhanh chóng rút ra cửa sau.

Ngày 17/8/1945, tổ tuyên truyền xung phong của chúng tôi được phân công hai việc: Một là, treo lá cờ đỏ sao vàng cực lớn (6m x 8m = 48 mét vuông, do chị Lê Thị Tý là vợ anh Nguyễn Dực may) từ thành cửa sổ khoang giữa tầng hai trải phủ xuống khoang giữa cửa ra vào Nhà hát Lớn, ngay trên đầu ban tổ chức mít tinh của Tổng hội viên chức chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Hai là: chiếm diễn đàn đọc lời hiệu triệu của Việt Minh.

Việc thứ nhất, do tôi và anh Nam thực hiện. Cuộc mít tinh bắt đầu, tôi giấu lá cờ, giả làm thợ điện đi lên tầng hai. Khi tới ban công, tôi tung lá cờ đỏ sao vàng lên. Anh Nam giúp tôi một tay buộc vào lan can. Lá cờ đỏ sao vàng to rộng, sáng chói nổi bật trên cao, làm đảo lộn tình thế.

Việc thứ hai, do chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng và anh Ngô Quang Châu thực hiện. Cả hai việc, chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc. Sau chị Diệu Hồng còn có một đại biểu của Phụ nữ Cứu quốc Hà Nội nhảy lên diễn đàn hô hào nhân dân ủng hộ Việt Minh! Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim! Cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh, chuyển thành cuộc diễu hành của hàng vạn người từ Quảng trường Nhà hát Lớn qua Tràng Tiền, Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng (lúc ấy có tên là Carnot), qua dinh Toàn quyền (lúc ấy là Tổng hành dinh quân Nhật), vòng về Cửa Nam rồi chia ra nhiều ngả …

Đỉnh cao của lòng dân khát khao độc lập tự do là ngày 19/8/1945! Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Giành được chính quyền về tay nhân dân. Đây là những ngày sôi động nhất của cuộc đời tôi. Những ngày tràn đầy sự kiện ấy, khi tổ chức giao việc là làm ngay, làm hối hả, làm đến nơi đến chốn. Một lời nói của người chỉ huy, một bàn tay ấm nóng vỗ vai với nụ cười tin cậy là mệnh lệnh, là quyết định hành động.

Hà Nội, 8/2011


Trần Minh Thu – (Để tưởng nhớ anh linh Nhà báo Trần Lâm)