Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi xa 55 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về các trận đánh cam go, ông Phạm Đức Cư không bao giờ quên giây phút oai hùng của bộ đội ta cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc hầm tướng Đờ-cát.
Ngày đó, ông là bộ đội thuộc Sư đoàn 351. Một hôm, thủ trưởng gọi ông lên giao nhiệm vụ mới, tham gia lớp huấn luyện pháo phòng không tại Trung Quốc. Ông mang ba lô đi bộ gần 24 ngày mới đến biên giới tỉnh Cao Bằng. Ngày ở trong rừng hoặc nhà dân, đêm hành quân để tránh sự phát hiện của địch. Xe ôtô của nước bạn đón ở biên giới rồi chở sâu vào nội địa, nơi có trường huấn luyện. Để bảo đảm tuyệt mật, ông và đồng đội mang mặc, nói tiếng như người nước bạn. Gần một năm (từ đầu năm 1952 đến tháng 1-1953) ông và đồng nghiệp chuyên tâm học, luyện tập, nên nắm vững kỹ thuật sử dụng pháo phòng không 37mm. Theo kế hoạch, thời gian học còn dài, nhưng Trung ương Đảng và Bác Hồ xét thấy thời gian tổng công kích chiến dịch Điện Biên Phủ đã đến, lớp huấn huyện pháo phòng không được rút về nước sớm, sẵn sàng chiến đấu.
 |
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư |
Tháng 4-1953, Trung đoàn pháo phòng không 367 được thành lập. Trung đoàn có 6 tiểu đoàn, ông Cư được “biên chế” vào Tiểu đoàn 394. Những đêm kéo pháo vượt núi, băng rừng vào lòng chảo Mường Thanh khó khăn, gian khổ. Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện hy sinh vì lấy thân mình chèn pháo. Các vị trí đặt pháo đã sẵn sàng “nhả đạn” thì nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo pháo ra. Lúc đầu, anh em rất băn khoăn nhưng sau đó được đả thông tư tưởng và hiểu ra vấn đề. Phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” được quán triệt tới mọi cán bộ, chiến sĩ.
Trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ta đánh vào khu đề kháng Him Lam lúc 17 giờ 5 phút, ngày 13-3-1954 là đòn phủ đầu chí mạng, làm quân Pháp không kịp trở tay. Dưới đất, bộ binh của ta thần tốc chiếm lĩnh những vị trí quan trọng; pháo phòng không từ các vị trí bắn chéo như đan lưới, đánh hất máy bay địch lên cao, không cho máy bay địch tiếp viện và thả bom. Thất thủ ở cứ điểm Him Lam, quân Pháp củng cố những cứ điểm còn lại, mà theo cách nói của tướng Đờ-cát là “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Thừa thắng xông lên. Ròng rã suốt 56 ngày đêm từ 13-3 đến 7-5-1954, Trung đoàn pháo phòng không 367 đã đảm đương tốt nhiệm vụ khống chế bầu trời. Thua trận thảm hại, tướng Đờ-cát thốt lên: Trung đoàn pháo của Việt Nam mới thành lập được khoảng một năm, lại không có bãi luyện tập, vậy tại sao họ bắn giỏi thế? Không biết bằng cách nào mà đối phương lại đem được những cỗ pháo khổng lồ, trọng lượng 2 đến 3 tấn lên đỉnh núi cao? Với lại, người ta còn bắn như có sẵn hàng trăm kho đạn dự phòng...
Sau giải phóng Điện Biên Phủ, Trung đoàn phòng không 367 hành quân về Hà Nội tiếp quản Thủ đô. Mặc dù vậy, ông Phạm Đức Cư vẫn nặng lòng với Điện Biên – nơi nhiều đồng đội của ông đang yên nghỉ. Năm 1960, ông Phạm Đức Cư trở lại Điện Biên Phủ, nhưng lần này là đi xây dựng vùng kinh tế mới, là chiến đấu với “giặc đói nghèo, lạc hậu”. “Mình đã cùng đồng đội chiến đấu giải phóng Điện Biên, nay phải cố gắng làm cho mảnh đất này ngày càng thay da đổi thịt, và đó cũng là khẳng định giá trị của chiến thắng, xứng đáng với tâm nguyện của đồng đội đã hy sinh”… Nghĩ vậy và với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo ông Cư đã góp nhiều công sức vào sự phát triển của Điện Biên Phủ.
Năm 1981, ông Cư về nghỉ hưu tại Đội 4b, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông rất tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội tại địa phương. Hiện ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội CCB xã. Ông luôn tranh thủ tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thanh niên địa phương và các cháu học sinh. Ông bảo: Nhiệm vụ của tuổi trẻ bây giờ cũng rất vẻ vang, vừa kế tục truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội, vừa phải tích cực học tập để làm giàu tri thức, sống có lý tưởng, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông thường xuyên giáo dục, động viên con cháu chăm ngoan, học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội. Theo ông Cư: Muốn tuyên truyền, giáo dục thanh niên nói chung một cách, hiệu quả thì trước hết phải giáo dục, động viên con cháu nhà mình tốt.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẠI