QĐND - Mùa thu năm 1964, đồng chí Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương điều vào giữ chức Phó tư lệnh Quân giải phóng. Lúc này, trên chiến trường miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ đang áp dụng và đẩy lên đỉnh cao chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với chiến thuật chủ chốt “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” vô cùng quyết liệt, tàn bạo và hiểm độc. Về phía ta, cùng với sự phát triển của lực lượng vũ trang địa phương, 3 sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Bộ tại chiến trường miền Nam là Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 lần lượt ra đời. Vào tới Nam Bộ, tôi (Lê Nam Phong) được giao làm Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, anh Lê Quang Hòa làm Sư đoàn trưởng.
Ngày đầu tiên tôi được gặp trực tiếp đồng chí Lê Trọng Tấn là hôm ông xuống thăm Sư đoàn 7 của tôi ở rừng Lộc Ninh. Tôi kính trọng, ngưỡng mộ tên tuổi và con người đồng chí Lê Trọng Tấn từ lâu, mà hôm nay mới được gặp lần đầu. Phút đầu cũng thoáng chút hồi hộp, nhưng khi thấy phong thái của ông rất giản dị, chân tình nên tôi đã cởi mở và bộc bạch với ông: “Lần đầu tiên tôi thấy anh ở Điện Biên Phủ, lúc đó tôi đã thầm ước mơ là sau này tôi cũng được trưởng thành một cán bộ chỉ huy sư đoàn như anh. Sau mười năm, ước mơ đó đã thành hiện thực. Hôm nay được gặp trực tiếp anh, tôi đã là Phó sư đoàn trưởng”. Ông bảo: “Phần lớn cán bộ khung của Sư đoàn 7 hôm nay là anh em cán bộ của Sư đoàn 312 được phái vào, anh em hãy nỗ lực xây dựng Sư đoàn 7 để phát huy truyền thống của Đại đoàn Chiến Thắng!”.
Đồng chí Lê Trọng Tấn đã kinh qua nhiều năm làm Sư đoàn trưởng bộ binh, cả trong xây dựng và trong chiến đấu, nên có rất nhiều kinh nghiệm về tổ chức, xây dựng lực lượng cấp sư đoàn. Bởi vậy, chúng tôi thấy rất rõ là, thời điểm năm 1963-1964, khi Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ trương thành lập các sư đoàn chủ lực cơ động tại chiến trường Nam Bộ, cấp trên điều đồng chí Lê Trọng Tấn vào thật đúng lúc. Những ngày tháng đó, với tôi, không bao giờ quên. Đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ dạy cho chúng tôi rất nhiều vấn đề, nhiều nội dung công việc vừa cơ bản, vừa thiết thực trong cách thức tổ chức lực lượng, cả về tổ chức biên chế, cả về huấn luyện và nhất là phương cách tiến hành tác chiến của một sư đoàn chủ lực cơ động. Chúng tôi khẳng định: Về kinh nghiệm, bài bản trong xây dựng, tổ chức lực lượng, đồng chí Lê Trọng Tấn đã rất giỏi; về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch, đồng chí cũng thật tuyệt vời. Những ngày đó, chúng tôi thật may mắn và hạnh phúc khi có một chỉ huy cấp trên, một người thầy trực tiếp như đồng chí Lê Trọng Tấn.
Trung tướng LÊ NAM PHONG
Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2