QĐND - Anh hy sinh cách đây tròn 65 năm, khi mới 26 tuổi, bởi vậy tôi muốn mãi mãi anh là “anh bộ đội” 26 tuổi! Anh là Lê Gia Đỉnh, sinh năm 1920 ở làng Chắm (tức Trúc Lâm ngày nay), xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1943, anh tham gia cách mạng, rồi vào bộ đội, lên đóng quân ở Hà Nội.
Năm 1946, anh là chính trị viên Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn 101 Vệ Quốc đoàn. Vào thời điểm 19-12-1946, Đại đội 1 đang được giao trấn giữ Bắc Bộ Phủ, ngoài vũ khí cá nhân như súng, lựu đạn, chai cháy (lựu đạn lửa), Đại đội 1 còn được trang bị thêm bom ba càng và hai quả bom 150kg đặt ở hai đầu cầu thang gác của Bắc Bộ Phủ. Ngày 19 và 20-12-1946, anh đã cùng đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Bắc Bộ Phủ.
Bắc Bộ Phủ (nay là số 12 phố Ngô Quyền - nhà khách của Chính phủ) thời thuộc Pháp dành cho viên thống sứ người Pháp cai quản các tỉnh phía Bắc Việt Nam, vì vậy được gọi là Phủ Thống sứ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) thì nơi đây là Phủ Khâm sai tượng trưng cho uy quyền của chính phủ bù nhìn Việt Nam thân Nhật. Sau Cách mạng Tháng Tám, ngôi nhà này được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ và trở thành nơi làm việc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ lâm thời, bởi vậy nhân dân gọi là "nhà của Cha Hồ”. Trước ngày 19-12, Bác Hồ được đưa ra khỏi thành phố tới khu an toàn để chỉ đạo kháng chiến.
Bắc Bộ Phủ là trụ sở cơ quan đầu não của ta, cho nên một trong các mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch của quân Pháp đánh úp Hà Nội là phải đánh chiếm được Bắc Bộ Phủ. Chúng cho đóng sẵn ở Khách sạn Metropole hơn 200 lính tinh nhuệ với trang bị đầy đủ vũ khí, cùng với lính ở trong Thành Hà Nội và trong Khu Đồn Thủy sẵn sàng tiếp viện. Trong khi đó, lực lượng của ta tại Bắc Bộ Phủ chỉ vẻn vẹn có Đại đội 1 của Lê Gia Đỉnh cùng với 20 tự vệ. Tại Bắc Bộ Phủ, sáng 19-12, Tiểu đoàn 101 trong đó có Đại đội 1 làm lễ nhận danh hiệu “Đội quyết tử của Thủ đô”. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, những cánh tay rắn chắc giơ lên, thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, những tiếng hô “Chúng tôi còn, Bắc Bộ Phủ còn!” vang lên!
Ngay từ sau khi có lệnh tấn công tới suốt đêm 19 và ngày 20-2, địch nã pháo rồi liên tục mở 6 đợt tấn công vào Bắc Bộ Phủ, quân ta bắn trả quyết liệt. Ngay sau khi dứt nã pháo, chúng ào ạt tấn công: Một mũi tấn công trực diện ở phố Ngô Quyền, một mũi từ Vườn hoa Chí Linh (Vườn hoa Lý Thái Tổ) đánh tạt vào sườn trái của Bắc Bộ Phủ. Lúc 21 giờ quân địch huy động cánh quân lớn nhất gồm 18 xe tăng, 300 lính lê dương từ cửa nam của Thành Hà Nội theo đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ), Tràng Thi tiến đánh Bắc Bộ Phủ. Đến 24 giờ, chúng cho quân tăng viện. Chờ cho giặc vào vừa đúng tầm súng, các chiến sĩ cảm tử của Đại đội 1 từ các góc tường, cửa sổ, ụ đất,… nhả đạn, ném hàng loạt chai cháy, lựu đạn, ôm bom ba càng lao thẳng vào xe tăng của giặc. Ngày 20-12, xe tăng địch húc đổ hàng rào sắt, cho bộ binh tiến vào. Quân ta chiến đấu quyết liệt, một chiến sĩ cảm tử của ta ôm bom ba càng lao thẳng vào xe tăng làm nó bốc cháy ngay trong sân, địch hoảng loạn, nhiều tên bị tiêu diệt, xe tăng, xe quân sự bị cháy. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11 giờ trưa 20-12, giặc vẫn không vào nổi Bắc Bộ Phủ. Lúc này đạn dược đã cạn, chính trị viên Lê Gia Đỉnh lệnh cho các chiến sĩ còn lại chuyển thương binh theo giao thông hào sang nhà Bưu điện, còn mình ở lại. Đợi cho giặc Pháp xúm vào quanh, anh đã đập kíp quả bom lớn cuối cùng vào thành một chiếc xe tăng của địch. Bom nổ, chiếc xe tăng cùng hàng chục tên lính Pháp bị tiêu diệt. Anh hy sinh tại đó, còn quân giặc thì tháo chạy. Đại đội 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Giặc Pháp không thể đánh úp để chiếm ngay Bắc Bộ Phủ như kế hoạch của chúng...
Tết Nguyên đán năm ấy, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi các chiến sĩ cảm tử của Thủ đô. Anh Lê Gia Đỉnh được mệnh danh là “Người Quyết tử quân số 1 của Thủ đô Hà Nội”. Tháng 4 năm 2000, anh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Phạm Thúy Lan