QĐND - Khi còn là học sinh phổ thông, tôi đã nhiều lần được nghe về tấm gương hy sinh dũng cảm của Đại úy Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xe tăng 1, Lữ đoàn 203. Ngày ấy, mỗi lần nghe chuyện, tôi mong ước sau này có dịp được đến thăm gia đình hoặc gặp lại những đồng đội của anh để biết thêm về tấm gương hy sinh dũng cảm này. Và niềm mong ước ấy của tôi đã thành hiện thực. Cùng một ngày, tôi được đến thăm đơn vị, được gặp vợ con và đồng đội của anh tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ do Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Xe tăng 203 tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua. Gặp lại họ, nghe họ nói, dẫu bây giờ Đại úy Ngô Văn Nhỡ mới được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, nhưng trong lòng những người đồng đội, anh Nhỡ đã trở thành anh hùng từ rất lâu...
Trận chiến đấu trước ngày toàn thắng
Tôi được gặp những đồng đội của Đại úy Ngô Văn Nhỡ cùng vợ, con anh trong ngày vui đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhìn ai tóc cũng đã điểm bạc, dấu tích của một thời trận mạc hằn in trong từng nếp nhăn của những người lính xe tăng thuở nào. Thời gian có thể làm tóc các anh thêm bạc, nhưng thời gian không thể nào xóa được ký ức về một thời hào hùng trên trận tuyến chống quân thù; đặc biệt, không thể nào xóa được hình ảnh người tiểu đoàn trưởng anh dũng hy sinh trước giờ toàn thắng của dân tộc.
Qua hồi ức của các anh: Nguyễn Huy Thông, nguyên Trung đội phó, Trung đội Trinh sát; Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội 4; Phạm Đăng Tảo, nguyên y tá Đại đội 4, Tiểu đoàn xe tăng 1…, tôi biết, Đại úy Ngô Văn Nhỡ xuất thân từ quê hương Hiệp Hòa, Bắc Giang. Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Ngô Văn Nhỡ viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ xe tăng thuộc Lữ đoàn 203. Trưởng thành qua thực tiễn, anh được cấp trên tin tưởng giao đảm trách nhiều cương vị khác nhau. Điều đặc biệt, dù ở bất cứ cương vị nào, Ngô Văn Nhỡ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mà còn để lại những tình cảm rất sâu đậm trong tâm trí của đồng đội.
 |
Chị Loan cùng con, cháu trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ.
|
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại úy Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xe tăng 1, Lữ đoàn 203 được giao nhiệm vụ: Chỉ huy lực lượng đi đầu trong đội hình thọc sâu của quân đoàn, đánh địch ở cầu Xa Lộ-Đồng Nai, tiến vào Sài Gòn, chiếm phủ tổng thống ngụy.
Sau khi tiêu diệt 5 xe thiết giáp M113 của địch, thông cầu Xa Lộ- Đồng Nai, đến 7 giờ ngày 30-4-1975, Đại úy Ngô Văn Nhỡ tiếp tục chỉ huy đơn vị tiến vào cầu Sài Gòn. Đây là một chiếc cầu quan trọng, nằm trên xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, lá chắn cuối cùng của quân địch tại cửa ngõ Sài Gòn. Do vậy, địch bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc, quyết chặn hướng tiến công của ta bằng mọi giá. Để thực hiện mưu đồ này, chúng bố trí 14 xe tăng, thiết giáp cùng bộ binh dàn ra giữ cầu. Trong đó, 3 xe tăng địch án ngữ trên mặt cầu, một số chôn chìm xuống đất, chỉ ngóc nòng pháo lên phía cầu. Dưới sông, tàu chiến của địch bắn mạnh về hướng cầu.
Anh Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 kể lại: “Cầu Sài Gòn kết cấu hình vòm nên địch rất dễ quan sát đội hình của ta, trong khi ta rất khó quan sát được địch, nhất là hệ thống phòng ngự của chúng ở mặt cầu bên kia. Do đó, ba chiếc xe tăng của ta đi đầu đều bị chúng bắn cháy, lửa, khói mù mịt, khiến đội hình phía sau dồn lại, không thể di chuyển lên phía trên được”.
Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ bật cửa xe, nhô hẳn người lên để quan sát địch và chỉ huy đơn vị vượt cầu. Trong làn mưa đạn của kẻ thù, hình ảnh người chỉ huy hiên ngang hô vang mệnh lệnh: “Hãy nhằm thẳng Sài Gòn! Tiến lên!” đã thôi thúc cả tiểu đoàn xung phong tiêu diệt địch.
Khi mặt cầu yên tiếng súng, đồng đội của anh mới biết, người tiểu đoàn trưởng của mình đã anh dũng hy sinh ngay trên tháp pháo xe tăng, trước giờ toàn thắng của dân tộc chỉ ít phút.
Vui sao nước mắt lại trào
Ngồi cùng con và các cháu lắng nghe những đồng đội kể về sự hy sinh anh dũng của chồng mình, tôi thấy chị Loan thỉnh thoảng lại đưa tay lên lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo. Có lẽ, chị khóc một phần vì thương chồng không được hưởng trọn niềm vui ngày chiến thắng, một phần thương con mới lọt lòng đã mồ côi cha. Chị cầm tay cậu con trai Ngô Văn Việt của mình, khoe với đồng đội của anh Nhỡ: “Đây là kết quả của lần tôi vào thăm anh Nhỡ ở chiến trường Cửa Việt đầu năm 1974. Ngày ấy, chiến trường đâu đâu cũng bom đạn ác liệt, một ngày, cụ thân sinh ra anh Nhỡ khuyên tôi rằng: "Cha có linh cảm thằng Nhỡ sẽ không trở về nữa, con nên vào thăm nó một chuyến". Nói rồi, hôm sau, cụ quyết định bán đi con trâu duy nhất trong nhà, lấy tiền làm lộ phí cho tôi vào chiến trường thăm anh. Và đúng như linh cảm của cha tôi, một năm sau, anh Nhỡ hy sinh...".
Biết tin anh Nhỡ hy sinh, chị Loan mới sinh con được hơn một tháng. Dạ con chưa yên thì dạ lòng lại thắt, chị giữ chặt nỗi đau vào sâu trong tim, lặng lẽ, âm thầm ở vậy nuôi con. Tôi quay sang nhìn Ngô Văn Việt, cậu con trai ngày nào của anh Nhỡ và chị Loan giờ đã trở thành bố của hai đứa trẻ, giám đốc một công ty chuyên về máy xúc. Không biết mặt bố ngay từ khi lọt lòng, mọi ký ức về bố chỉ nghe qua lời mẹ kể, nhưng đối với Ngô Văn Việt thì bố Nhỡ luôn là tấm gương sáng thôi thúc anh cố gắng vươn lên trong cuộc sống!
Bài và ảnh: THÀNH DUY