QĐND Online – Những ngày này, trong ngôi nhà nhỏ tại quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) của ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định, không khí thật buồn sau khi ông biết tin Đại tá, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu) qua đời.

Đại tá, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu)

Trong cả thời chiến và thời bình, ông đã từng gặp gỡ và tiếp xúc với người được coi là “vị tướng biệt động” tài ba, nguyên là Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

Với ông Độ, ngoài tài chỉ huy những trận đánh lớn, “vị tướng biệt động” Tư Chu còn là một cán bộ lãnh đạo sống giản dị và tình cảm, luôn quan tâm tới anh em. Câu chuyện về hai lần gặp gỡ “vị tướng biệt động” vẫn đọng lại trong ông nhiều cảm xúc…

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chỉ huy Tư Chu được coi là một trong những mục tiêu “cần phải tiêu diệt ngay” của chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ. Ông bị truy lùng ráo riết khắp nơi cả trong nội thành và ngoại ô, chúng treo thưởng 2 triệu USD cho ai bắt và giết được ông. Việc gặp gỡ và tiếp xúc với ông rất khó ngay cả với những người cùng đơn vị.

Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy, chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Độ lại có cơ hội được gặp chỉ huy Tư Chu, người mà anh thường được nghe kể qua những trận đánh lớn của lực lượng biệt động Sài Gòn, làm chính quyền Ngụy và quân đội Mỹ khiếp sợ.

Hồi đó, ông Độ mới 22 tuổi và đang là giáo viên quân sự và văn hóa tại Trường thiếu sinh quân Lê Văn Tám thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ngày 20-6-1969, Trường được thành lập tại tỉnh Tây Ninh với gần 100 học viên, hầu hết là con em cán bộ chiến sĩ đang hoạt động trong nội thành.

Địa điểm gặp mặt là căn cứ đồi Thơ thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh vào cuối tháng 3-1972. Người giáo viên trẻ được dẫn tới một lán nhỏ nằm ngay trong trường. Trong lòng ông không khỏi hồi hộp muốn được biết người đã chỉ huy những trận đánh lớn làm nghiêng ngả Sài Gòn.

Trong đầu ông nghĩ rằng hình ảnh thủ trưởng là một chỉ huy oai phong, nghiêm khắc nhưng thật bất ngờ “vị tướng biệt động” đó thật giản dị và tình cảm. 

- Em nghe về anh đã lâu, hôm nay mới có dịp gặp. Ông Độ nói.

- Cậu thấy tớ có gì ghê gớm không?

Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Đinh cười hỏi rồi kéo ông xuống ngồi cùng võng.

Chỉ huy Tư Chu hỏi thăm về gia đình ông và tình hình của trường. Ông Độ kể về những khó khăn của nhà trường như thiếu lương thực và thuốc men trong nhiều tháng, rồi trường thường xuyên phải đi sơ tán nhiều nơi do địch càn… Có thời gian dài, học viên của trường phải thường xuyên ăn cháo nấu với củ mài và ngọn lục bình.

Chỉ huy Tư Chu giải thích, trong trường chủ yếu là con em cán bộ, chiến sĩ ta đang hoạt động trong nội đô, nếu để địch bắt, chúng sẽ tạo sức ép lớn cho ta. Ông nói:

- Đây là nhiệm vụ quan trọng, các đồng chí sống thì các cháu phải an toàn, thay mặt bố mẹ nuôi dậy các cháu lên người. Các cháu đều là những hạt giống đỏ sau này đấy.

Sau đó, chỉ huy Tư Chu nhờ người giáo viên trẻ tìm đường ngắn nhất và bí mật đến thăm bếp ăn của trường. Lúc này, chị nuôi tên Ba Ngôn đang nấu bữa cơm chiều.

Vừa bước vào bếp, chỉ huy Tư Chu đã nói:

- Chị Ba có khỏe không?”

Chị nuôi giật mình quay lại đánh rơi chiếc đũa, không nói được câu nào. Chị bất ngờ khi thủ trưởng đến thăm trong thời điểm này.

- Chị đang nấu gì cho các cháu vậy?. Chỉ huy Tư Chu hỏi tiếp.

Chị Ba buồn rầu nói:

- Chúng tôi đang nấu bữa chiều cho các cháu và cả chúng tôi nữa, chỉ có gạo nấu với ngọn lục bình thôi.

Rồi chị khóc.

Vị chỉ huy cầm đũa khuấy vào nồi cháo lỏng cùng những ngọn lục bình xanh rờn. Ông nói:

- Các đồng chí và các cháu ăn như vậy thôi sao. Chúng tôi thấy có lỗi vì không lo đươc cho các cháu, nếu bố mẹ chúng biết được thì làm sao mà chiến đấu được.

Cả ba người đứng lặng yên. Nước mắt rơi xuống gương mặt người chỉ huy.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Độ kể về những lần gặp gỡ chỉ huy Tư Chu

Những năm sau đó, Trường được ổn định và luôn có gạo dự trữ. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 trường kết thúc khóa học cuối cùng. Nhiều thiếu sinh quân học tại trường sau này trở thành những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và cán bộ chủ chốt chính quyền.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Độ xin ra quân, học đại học và công tác tại một doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 1996, ông được gặp thủ trưởng lần thứ 2. Lúc đó chỉ huy Tư Chu đang lâm bệnh nặng và nằm điều trị tại nhà.

Lần thứ hai cũng lại là một bất ngờ.

- Anh Tư còn nhớ em không?. Ông bước vào nhà và hỏi.

- Sao quên được mày, thằng Độ đúng không?.

Chỉ huy Tư Chu nói. Rồi ông lại hỏi tiếp:

- Mày có nhà cửa chưa?

Cựu chiến binh Độ bất ngờ bởi ông không nghĩ rằng thủ trưởng lại hỏi như vậy. Ông hỏi:

- Sao anh lại hỏi em như vậy?

- Không, tao biết, có nhiều anh em sau chiến tranh cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn lắm.

Ông Độ cảm nhận được tình cảm của người chỉ huy quan tâm tới anh em.

Quả đúng như vậy, trong thời gian lâm bệnh nặng nhưng ông vẫn luôn quan tâm tới gia đình các đồng đội. Nhiều đồng đội ông coi như anh em đã hi sinh trong các trận đánh, trong đó có những bí số, bí danh không ai biết.

Câu chuyện của người cựu chiến binh già kết thúc khi vợ ông hỏi về giờ đưa đám tang chỉ huy Tư Chu. Sáng mai (19-5), hai vợ chồng ông sẽ đưa “vị tướng biệt động” tới nơi an nghỉ cuối cùng…

Xuân Duy ghi