Trời mưa xối xả cả ngày lẫn đêm, khiến con đường dẫn đến Trường THCS xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi trở nên lầy lội. Chẳng quản mưa giông, bão giật, hàng chục cán bộ, chiến sĩ LLVT, cán bộ, công chức địa phương túc trực 24/24, kịp thời hỗ trợ mọi nhu cầu thiết yếu cho gần 200 người dân đang tránh bão tại đây.
 |
Bà con nhân dân xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tại nơi tránh bão Noru. |
Chúng tôi đến thăm đồng bào vùng bão vào đúng giờ ăn tối. Từng suất cơm canh nóng hổi được các chiến sĩ dân quân, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên trao tận tay bà con cùng những lời động viên ân cần, lễ phép.
Bưng trên tay bát cháo thịt bò bốc hơi nghi ngút, nhẹ nhàng bón từng thìa cho người mẹ già năm nay đã 96 tuổi, nước mắt bà Lê Thị Hiệp, thôn Năng Đông, xã Nghĩa Hiệp chảy tràn xuống gương mặt hốc hác, khắc khổ. Bao nhiêu năm nay, bà Hiệp sống cùng mẹ già trong căn nhà tạm bợ, chỉ cách bờ biển vài trăm thước. Nghe tin sắp có bão to, đang lo lắng chưa biết xoay sở thế nào, thì mẹ con bà được bộ đội, dân quân và đại diện chính quyền địa phương đến hỗ trợ di dời đến nơi an toàn.
"Ở đây, mẹ con tôi được cấp chăn màn đầy đủ, ăn uống miễn phí, lại được các cô y tế kiểm tra sức khỏe hàng ngày, thật chẳng biết phải cảm ơn các bác thế nào", bà Hiệp nghẹn lại vì xúc động.
Ngồi ở giường kế bên, bà Nguyễn Thị Kim Nga, thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, cũng góp câu chuyện: "Cũng như vài hộ gần nhà, lúc bộ đội, dân quân, rồi chính quyền đến vận động tạm di dời đến nơi ở mới, mình chẳng biết thế nào, trong lòng lo lắm, vì không biết sẽ ăn, ở, sinh hoạt ra sao. Ông chồng nhà mình thì đau ốm miết à. Nhưng từ khi đến đây, được xã chăm sóc cẩn thận, ăn uống đúng giờ, thuốc thang đầy đủ, mình thấy yên tâm quá. Chính quyền lo cho dân chu đáo, trách nhiệm thế này thì bão to mấy cũng chẳng lo".
 |
Những suất cơm nóng hổi kịp thời phục vụ người dân vùng bão. |
Bữa ăn của bà con vùng bão vẫn diễn ra vui vẻ, ấm áp. Cách đó không xa, tại căn bếp dã chiến đặt tại trụ sở UBND xã, không khí làm việc của đội ngũ hậu cần mỗi lúc thêm khẩn trương, hối hả. Tổ nấu ăn này do chị Bùi Thị Đào, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Hiệp phụ trách với sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn xã, được cắt cử luân phiên từ các chi hội.
Vừa hoàn thành hàng trăm suất ăn tối cho bà con, các chị em lại tất bật chuẩn bị lương thực, thực phẩm, rau xanh cho bữa ăn ngày hôm sau. Hương thơm quyến rũ của các loại thức ăn lan tỏa khắp không gian, khiến ngôi nhà chung của người dân rốn bão càng trở nên ấm cúng. Trong số những người trực tiếp chia từng suất cơm, bê từng bát canh cho bà con, có một phụ nữ gương mặt thật phúc hậu, thái độ thân thiện, gần gũi, thu hút mọi ánh nhìn. Hỏi chuyện được biết, chị là Võ Thị Thịnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp.
 |
Lãnh đạo xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa và cán bộ Ban CHQS huyện Tư Nghĩa thăm hỏi, động viên bà con tại địa điểm tránh lũ. |
Suốt mấy ngày qua, từ khi thông tin dồn dập về trận bão lịch sử sắp đổ bộ vào quê hương mình, chị cùng toàn bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt trong xã đã gác lại toàn bộ công việc gia đình, túc trực 24/24. Lực lượng cán bộ một mặt tỏa đi khắp các thôn, xóm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con nhân dân sinh sống ở địa bàn xung yếu di chuyển đến nơi an toàn, một mặt cử lực lượng khẩn trương khảo sát, tìm kiếm địa điểm cho người dân tránh trú bão, bảo đảm kiên cố, an toàn, gần trạm y tế, sát cơ quan chính quyền, để việc hỗ trợ, giúp đỡ bà con được thuận lợi. Ví như tại Trường THCS này, ngay sau khi học sinh được nghỉ học để tránh bão, xã nhanh chóng cho người tổng dọn vệ sinh toàn bộ các phòng học, củng cố hệ thống điện nước, cửa ra vào, gia cố thêm các vị trí xung yếu, đồng thời chuẩn bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, chăn màn, nước uống... sẵn sàng đón nhân dân về tránh trú bão.
Qua câu chuyện thân mật với chị Võ Thị Thịnh, chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Nghĩa Hiệp có gần 200 hộ thuộc diện phải di dời trước khi bão Noru đổ bộ vào đất liền. Đây đều là những hộ nghèo, sống trong những ngôi nhà cũ, đã xuống cấp, hoặc những ngôi nhà tạm bợ, không bảo đảm an toàn.
 |
Bữa cơm phục vụ nhân dân ngày mưa bão ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. |
Do số lượng người dân phải di dời đông, trong khi cơ sở vật chất của địa phương còn nhiều khó khăn, nên một mặt địa phương vận động ở ghép giữa các gia đình có nhà kiên cố với các hộ có nhà bán kiên cố, nhà tạm bợ. Số còn lại, phần lớn là người cao tuổi, neo đơn, ốm đau, bệnh tật, gia đình có trẻ nhỏ, các hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... xã ưu tiên đưa đến nơi ở tập trung để tiện chăm sóc, hỗ trợ. Toàn bộ các khoản chi phí ăn uống, chăm sóc y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con vùng bão đều được lấy từ nguồn quỹ vốn của xã. Thực tế từ chính sách này, mùa bão năm nay, quá trình các cấp chính quyền vận động bà con tạm rời khỏi nhà đến nơi tránh trú thuận lợi hơn những năm trước.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, không chỉ ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, mà tất cả các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, khi vận động nhân dân đến nơi tránh trú an toàn, các cấp chính quyền, LLVT đều dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo chu đáo, giúp bà con yên tâm phòng tránh thiên tai.
 |
Bác sĩ Trạm Y tế xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi khám bệnh cho đồng bào tránh trú báo Noru. |
Chia tay mảnh đất Tư Nghĩa, vùng quê cách mạng nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm xưa, chiếc xe chở chúng tôi và Đại tá Võ Văn Bá, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi lao đi trong mưa gió mù trời.
Sau mấy ngày quần quật chống bão, có lẽ đến giờ anh và cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Quảng Ngãi đã tạm yên tâm khi hàng vạn người dân miền biển Quảng Ngãi, làm ăn, sinh sống nơi xung yếu đã được di chuyển kịp đến nơi an toàn, cũng vừa lúc trận bão Noru bắt đầu tràn vào đất liền. Anh trải lòng: “Cuộc sống của các hộ nghèo vốn đã rất khó khăn, vất vả, nay phải tạm dời bỏ nhà cửa đi tránh bão, họ lại càng hoang mang, lo lắng. Do đó, họ rất cần được quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị khát. Mình nghĩ rằng, bà con có được an toàn, vượt qua trận bão lịch sử này, thì công cuộc phòng, chống thiên tai của chúng ta mới thực sự thành công và có ý nghĩa”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG