QĐND - Liên tục từ năm 2000 đến nay, Học viện Hậu cần (HVHC) luôn có công trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học-công nghệ (KH-CN) tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong quân đội và đoạt được nhiều giải thưởng cao. Hội đồng Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” Bộ Quốc phòng đã tặng Cờ thưởng cho Học viện Hậu cần về thành tích nghiên cứu KH-CN, sáng tạo kỹ thuật trong 15 năm qua.

Sản phẩm KH-CN trưng bày tại Hội nghị Tuổi trẻ sáng tạo Học viện Hậu cần.

Năm học 2013-2014, HVHC lựa chọn 20 đề tài KH-CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội lần thứ 15. Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nội dung hỏi, đáp về hậu cần chiến đấu” của Đại úy Lê Thành Công, giảng viên Khoa Chỉ huy hậu cần đã đoạt giải nhất. HVHC còn giành được 2 giải nhì và 3 giải ba, 3 giải khuyến khích. Các đề tài KH-CN của HVHC đều bám sát sự phát triển của lý luận khoa học nghệ thuật hậu cần quân sự; thực tiễn công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); hoạt động của ngành hậu cần quân đội và tài chính-ngân hàng hiện nay. Nhiều sản phẩm KH-CN triển khai ứng dụng thực tiễn đã góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, bảo đảm hậu cần (BĐHC) của Quân đội ta.

Đại tá, PGS, TS Lê Trường Sơn, Trưởng phòng Khoa học quân sự HVHC, khẳng định: Là trung tâm GD-ĐT và nghiên cứu KH-CN hậu cần quân sự, học viện hướng các đề tài, sáng kiến không chỉ tập trung nâng cao chất lượng GD-ĐT, mà còn giải quyết những vấn đề ứng dụng phục vụ huấn luyện, BĐHC, tài chính trong quân đội. Trong đó, nghiên cứu nâng cao chất lượng BĐHC cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và hoạt động thường xuyên; chú trọng cho các lực lượng hải quân, phòng không-không quân, cảnh sát biển và phát triển trang bị hậu cần. Học viện đẩy mạnh nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở các chuyên ngành; bảo vệ môi trường, phòng chống thảm họa do biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, GD-ĐT và nghiên cứu khoa học.

Theo hướng nâng cao chất lượng BĐHC, học viện đã triển khai thành công nhiều đề tài và ứng dụng sản phẩm KH-CN vào thực tế. Đáng chú ý là đề tài “Nhân giống cây chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy invitro” của Thượng úy, Thạc sĩ Bùi Thị Thanh, Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật xây dựng cho các công trình doanh trại ven biển miền Trung thích ứng với bão lụt, của Đại úy, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Việt, giảng viên Khoa Doanh trại. Các sáng kiến: Xây dựng phần mềm tính toán, thiết kế đường ống dẫn xăng dầu dã chiến của Thượng úy Bùi Hồng Quân, giảng viên Khoa Xăng dầu; thiết kế, chế tạo máy thái củ, quả quay tay của Thượng úy Cao Văn Vị, giảng viên Khoa Quân nhu; ứng dụng CNTT trong tính toán pha trộn điều chỉnh chất lượng xăng dầu ở phòng hóa nghiệm xăng dầu của Trung úy Vũ Đức Quảng, Khoa Xăng dầu…

Từ đặc điểm BĐHC ở đơn vị cơ sở, cán bộ, giảng viên, học viên HVHC đi sâu nghiên cứu tổng kết thực tiễn, xây dựng lý luận và đề xuất phương thức, giải pháp BĐHC phù hợp. Nhiều đề tài được đánh giá cao, như: Nghiên cứu bảo đảm vật chất hậu cần cho hoạt động chiến đấu của LLVT địa phương phối hợp với sư đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự ở địa hình trung du; tổ chức hệ thống chỉ huy hậu cần chiến dịch tiến công trong tác chiến phòng thủ; sử dụng lực lượng hậu cần lữ đoàn, sư đoàn đánh địch đổ bộ đường không, đường biển, tác chiến phòng không; những giải pháp bảo đảm vật chất, sinh hoạt cho tiểu đoàn bộ binh tiến công địch ở địa hình rừng núi, đô thị, ven biển và trong diễn tập, dã ngoại. Cán bộ, giảng viên HVHC đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng sản xuất một số sản phẩm thịt đóng túi tiệt trùng; thịt sấy ở trạm chế biến tập trung; thử nghiệm một số sản phẩm từ nấm sò… Sản phẩm KH-CN của HVHC có khả năng ứng dụng cao, góp phần giúp cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng BĐHC, nhất là trong huấn luyện, diễn tập, SSCĐ và cơ động làm nhiệm vụ dài ngày trong điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết phức tạp.

Hướng đến nâng cao chất lượng GD-ĐT toàn diện, bên cạnh nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, HVHC còn tăng cường nghiên cứu ứng dụng KH-CN phục vụ GD-ĐT và giải pháp ngăn ngừa tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đối với cán bộ, nhân viên hậu cần. HVHC triển khai áp dụng một số sản phẩm tiên tiến, như hệ thống mô-đun dành cho học và thi trên máy tính; số hóa tài liệu, tra cứu ở thư viện; thiết lập bản đồ địa hình điện tử cho máy GPS Ganmin phục vụ dẫn đường; mô hình trồng cây khí canh dạng mô-đun lắp ráp tại các đơn vị không có đất canh tác. Sản phẩm các đề tài về nâng cao chất lượng tập bài tham mưu hậu cần thường xuyên cho đối tượng đào tạo sĩ quan; giảng dạy môn học thương phẩm hàng lương thực thực phẩm; bồi dưỡng kỹ năng sống cho học viên; giải pháp ngăn ngừa ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường đến ý thức chính trị của học viên… đã góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT của HVHC. 

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU