Rồi Đại tá Phạm Đức Dũng, Trưởng phòng Tuyên huấn (nguyên Chính ủy Lữ đoàn 28) còn kể cho tôi nghe câu chuyện xã Đa Phúc mất danh hiệu "Cờ thi đua" do huyện Yên Thủy tặng, vì thương Bộ đội Công binh 28. Chuyện là, những ngày đầu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 30 hành quân lên Yên Thủy khảo sát triển khai nhiệm vụ, thấy bộ đội phải ăn ở trong điều kiện dã ngoại, khó khăn, thiếu thốn, lãnh đạo xã quyết định bố trí cho bộ đội một khoảng đất bằng phẳng để làm nơi dựng lán trại ở tạm. Không ngờ, trong kỳ xét thi đua năm đó, xã Đa Phúc không được công nhận "Cờ thi đua" vì lý do chưa báo cáo cấp trên mà đã "cho phép bộ đội" dựng lán trại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, tiểu đoàn được địa phương gửi công văn cho phép dựng lán trại phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của bộ đội.

leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo Lữ đoàn 28 trao 220 vỉ VitaminA tặng Trường Dân tộc nội trú THCS và THPT Yên Thủy. 
Những câu chuyện trên không phải tự nhiên đến, mà nó được xuất phát từ phương châm chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 28 là phải đi trước đón đầu trong công tác dân vận. Nếu không linh hoạt, sáng tạo thì lỡ hết thời cơ, ảnh hưởng đến tiến độ công việc, nhất là trong điều kiện thời tiết, địa hình phức tạp, bộ đội phải sinh hoạt, làm việc dài ngày. Các đơn vị của lữ đoàn khi thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện dã ngoại luôn xác định, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Trung tá Hà Quang Tùng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 30) cho biết: "Ngày mới về "đóng đô" ở địa bàn xã Đa Phúc, thấy bà con đi lại khó khăn, nên tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, đơn vị huy động các phương tiện cùng với công sức bộ đội tổ chức san ủi, mở đường giúp dân. Cũng trong thời gian ở đây, đơn vị khảo sát và đề nghị lữ đoàn hỗ trợ kinh phí triển khai xây dựng hai ngôi nhà tình nghĩa tặng người có công. Nhờ sự góp sức đó nên xã Đa Phúc được UBND huyện Yên Thủy tặng giấy khen về thành tích thực hiện công tác chính sách".

 

Giờ đây, các thế hệ cán bộ của Tiểu đoàn 30 đã phát triển thành cán bộ lữ đoàn hoặc chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các lớp chiến sĩ cũng lần lượt đến rồi đi sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng tình cảm giữa nhân dân Đa Phúc với Bộ đội 28 không bao giờ thay đổi. Hình ảnh Bộ đội 28 luôn in đậm trên mỗi công trình, mỗi con đường và trong lòng mỗi người dân Đa Phúc. Bởi vậy, dù giữ những trọng trách công tác khác nhau, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã có thời gian gắn bó với công trình, với nhân dân xã Đa Phúc luôn ghi nhớ sâu đậm mối tình đoàn kết, thủy chung. Vào các dịp lễ, Tết hay khi địa phương có công việc, họ lại cùng nhau trở về, mang theo tình cảm và những món quà ý nghĩa trao tặng nhân dân. Chuyến công tác thăm, khám bệnh của Lữ đoàn 28 đối với nhân dân xã Đa Phúc vừa qua là một trong những chuyến đi như vậy.

Trong chuyến trở về đó, đoàn công tác của Lữ đoàn 28 do Thượng tá Lê Công Luyến, Phó chính ủy Lữ đoàn dẫn đầu đã trao tặng các em học sinh trên địa bàn những phần quà gồm: Viên sáng mắt VitaminA, áo ấm, cặp sách, giày học sinh. Đoàn y sĩ, bác sĩ của Lữ đoàn 28 còn tiến hành khám, tư vấn sức khỏe cho 219 học sinh, 37 thầy giáo, cô giáo. Cảm động trước tình cảm của cán bộ, nhân viên đơn vị, cô giáo Nguyễn Thị Dung, Phó hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú THCS và THPT Yên Thủy xúc động nói: “Trước đây, cũng nhờ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 30 san ủi, rải đá cấp phối mà con đường vào trường rộng rãi và thông thoáng hơn. Giờ đây, không chỉ trao quà tặng các học sinh khó khăn mà các thầy thuốc của Lữ đoàn 28 còn tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm trong khám, tư vấn sức khỏe cho thầy giáo, cô giáo và từng học sinh”. 

Mai đây, khi hoàn thành nhiệm vụ, các anh lại đi đến những miền đất khác. Nhưng, những câu chuyện về tình quân dân giữa Bộ đội 28 với nhân dân Đa Phúc (Yên Thủy, Hòa Bình) sẽ còn được lưu truyền mãi. Nghĩa tình sâu đậm ấy thể hiện bản chất truyền thống, sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 28 đối với nhân dân...

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG