QĐND - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã đi vào lịch sử, song âm hưởng của nó còn vang vọng mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. 40 năm qua đã có nhiều bài viết về sự kiện vĩ đại này, tuy nhiên, chúng tôi thấy vẫn cần nêu thêm về vị trí, vai trò của các quân đoàn-quả đấm chủ lực của Quân đội ta trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời cơ ra đời các quân đoàn chủ lực

Gần 20 năm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, các quả đấm chủ lực của Quân đội ta đã ra đời trong điều kiện và thời cơ khác hẳn so với cuộc tiến công chiến lược 1953-1954.

Năm 1974-1975, lần đầu tiên Quân đội ta thành lập cấp quân đoàn với đầy đủ các sư đoàn bộ binh, các sư đoàn, lữ đoàn phòng không, các lữ đoàn, trung đoàn xe tăng-thiết giáp, pháo cơ giới, công binh và các đơn vị bảo đảm chiến đấu khác. Các sư đoàn ô tô vận tải của Bộ tư lệnh 559 trực tiếp vận chuyển bộ đội, khí tài, đạn dược, xăng dầu trợ giúp cho các quân đoàn cơ động vào chiến trường được phân công.

Ảnh minh họa/Nguồn: QĐND

Quân đoàn 1 được thành lập sớm nhất tại miền Bắc, ngày 24-10-1973, Quân đoàn 2 thành lập ngày 17-5-1974, Quân đoàn 3 thành lập ngày 26-3-1975, Quân đoàn 4 thành lập ngày 20-7-1974; Binh đoàn 232-tương đương quân đoàn-đang tác chiến ở chiến trường Nam Bộ cũng được thành lập (đồng chí Phạm Hùng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục công bố ngày 20-7-1974).

Việc cho ra đời các quả đấm chủ lực là yêu cầu bức thiết của chiến tranh nhưng cũng là sự sáng suốt, nhạy bén của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Bởi muốn đánh tiêu diệt lớn từng sư đoàn, quân đoàn địch, ta cần phải có từng quân đoàn (30.000-40.000 quân) đủ sức độc lập tác chiến hoặc đảm nhiệm từng cánh, từng hướng chiến dịch. Chỉ có thể tiêu diệt từng quân đoàn địch, đập tan các quân khu của chúng, tiến đến trận quyết chiến chiến lược cuối cùng và giành thắng lợi trong mùa xuân 1975.

Chọn đúng mục tiêu mở đầu 

Nói đến nghệ thuật là phải nói đến sự sáng tạo độc đáo về sử dụng quả đấm chủ lực trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cách sử dụng lực lượng và cách chọn mục tiêu chiến lược của ta.

Sau năm 1975, các sĩ quan ta được cử sang Liên Xô học kể lại rằng, các giáo sư quân sự dạy họ ai cũng hỏi: "Ai là người đầu tiên chọn Buôn Ma Thuột?". Chúng ta đều biết Tây Nguyên là "mái nhà" của miền Nam Đông Dương, là cao nguyên thuận lợi cho chủ lực ta giấu quân và cơ động nhanh xuống miền Trung, trực tiếp uy hiếp miền Đông Nam Bộ. Tại đây, khi đó do Quân đoàn 2-Quân khu 2 Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ. Ở phía Quảng Trị là nơi đối đầu giữa chủ lực ta và Quân đoàn 1-Quân khu 1-lực lượng chủ lực mạnh nhất của quân đội Sài Gòn. Giả sử đánh Trị-Thiên trước, với địa hình hẹp và rất dài, lại nhiều sông chia cắt, chiến dịch của ta rất khó phát triển. Đầu năm 1972, ta đã mở Chiến dịch Quảng Trị, song địch đối phó quyết liệt, chiến dịch chỉ hoàn thành ở mức độ hạn chế. Nếu chọn chiến trường Đông Nam Bộ hoặc Tây Nam Bộ thì địa hình có nhiều sông lớn và kênh rạch, cơ động rất khó, xăng dầu chưa bảo đảm kịp, địch lại phòng ngự rất mạnh, quân ta khó hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, Bộ thống soái tối cao chọn Buôn Ma Thuột trên địa bàn Tây Nguyên để mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là hoàn toàn chính xác. 

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lớn đã phát triển xuống Tuy Hòa, Cam Ranh cắt đứt chiến lược, cô lập Quân đoàn 1 ngụy với các quân đoàn và quân khu phía sau, gây nên tâm lý hoảng loạn và đảo lộn thế trận quân đội Sài Gòn. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên tạo thời cơ cho ta mở các chiến dịch gối đầu và liên tiếp, thực hiện các đòn đánh choáng váng đưa đến trận quyết chiến chiến lược cuối cùng-Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cách đánh linh hoạt của quả đấm chủ lực

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta dùng 15 sư đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn, trung đoàn xe tăng, các sư đoàn phòng không, 20 lữ đoàn, trung đoàn pháo binh... và sử dụng phương pháp thần tốc "Đánh nhanh, thắng nhanh" bởi ưu thế lực lượng của ta đã hoàn toàn áp đảo quân địch.

Phát hiện thế trận của địch vòng ngoài cứng, vòng trong mỏng yếu, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt xác định từng mục tiêu, từng hướng cụ thể cho 5 quân đoàn. Để tránh không cho địch co cụm về Sài Gòn, giữ Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, một cách đánh sáng tạo cho từng quân đoàn là bao vây, tiêu diệt, làm tan rã 5 sư đoàn chủ lực và các lữ đoàn tổng dự bị của địch ngay từ vòng ngoài, mỗi hướng tổ chức một sư đoàn và một lữ đoàn, trung đoàn xe tăng thọc sâu nhanh (đánh trong hành tiến), lao thẳng đến các mục tiêu chủ yếu.

Với cách đánh sáng tạo trên, các quả đấm chủ lực phối hợp chặt chẽ với đặc công, lực lượng Biệt động Sài Gòn, lực lượng tại chỗ nhanh chóng chiếm thế thượng phong áp đảo quân địch, tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập trong thời gian ngắn nhất...

Có thể thấy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các quân đoàn chủ lực của ta đã nhanh chóng trưởng thành, hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh là nòng cốt trong việc đập tan các khối chủ lực địch hỗ trợ cho lực lượng địa phương nổi dậy. Các quân đoàn chủ lực ngày nay, những đứa con của nhân dân sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang đó, sẵn sàng chiến đấu đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.

Đại tá, GS, TS LƯƠNG MINH CAO 

Nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Học viện Lục quân.