QĐND Online - Đoàn quân tiến về phía trước đều có chung quyết tâm, làm sạch vùng “đất chết” nơi biên cương Tổ quốc để người dân nơi đây mở rộng phạm vi canh tác, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 17 dò gỡ mìn, vật nổ trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Ninh. |
Khi tiếng gà rừng gáy canh ba, thì cũng là lúc khu lán trại dã ngoại của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) sáng đèn. Mọi người thức dậy làm công tác chuẩn bị hành quân đến sườn Nam của núi Ngàn Chi, thôn Ngạn Chi, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) dò gỡ mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Thượng úy Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tiểu đoàn trưởng (phụ trách phân đội) đưa cho tôi một nắm muối và một hộp cao Sao Vàng, rồi hướng dẫn:
- Anh hòa nước muối đặc bôi bên ngoài giày, gấu quần; cao Sao Vàng thì bôi ở tai và sau gáy.
- Để làm gì vậy, đồng chí chỉ huy? - Tôi hỏi.
- Chống vắt anh ạ! Rừng ở đây nhiều vắt lắm, chúng bò dưới đất và nằm trên cây. Vắt cắn rất khó cầm máu vì trong dịch tiết ra ở miệng của chúng có chất chống đông máu. Người dân địa phương đã bày cho chúng tôi mẹo này. Cán bộ, chiến sĩ đã làm thử và thấy khá hiệu nghiệm. Tuy nhiên, anh vẫn phải hết sức cẩn thận, vì con vắt quăng mình rất nhanh, nhiều khi chúng còn thả thân từ trên cây xuống, nếu không may để chúng bám vào người thì rất khó nhận biết.
Điều anh Nghĩa nói, tôi đã thấy trên đường hành quân đi qua khu rừng nứa. Không phải một con, hai con, mà cả đàn vắt nhô lên khỏi mặt đất, con nào cũng bé như que diêm, dài khoảng hai đốt ngón tay, đầu nhỏ như hạt đậu xanh lắc lư, nhiều con bò lên giày, gặp hơi muối mặn thì cuộn người lăn xuống đất. Chứng kiến điều này khiến tôi thêm tự tin mà tiến lên cùng các chiến sĩ công binh.
Sau gần 2 giờ hành quân, bãi mìn ở sườn Nam núi Ngàn Chi đã hiện ra, chỉ có cây lúp xúp, cỏ và lau. Theo anh Nghĩa, trong chiến tranh, bãi mìn và vật cản thường được bố trí ở khu đất trống, nên những khu vực có mìn ở vùng biên này không có cây to. Giúp chúng tôi hiểu thêm công việc các anh sẽ làm, anh Nghĩa giải thích:
- Ở mỗi bãi mìn đều có diện tích rất rộng, nên phải dò gỡ theo khoảnh. Làm như vậy để đảm bảo an toàn và xử lý sạch vật nổ. Phân đội sẽ chia ra làm 3 bộ phận gồm: Phát dọn mặt bằng, dò tín hiệu, xử lý tín hiệu. Các bộ phận thực hiện công việc theo hình thức cuốn chiếu.
Khoảnh thứ nhất có chiều rộng 25m chiều dài 50m, sau khi được bộ phận phát dọn bàn giao lại, các đồng chí trong bộ phận dò tín hiệu dùng máy dò mìn cá nhân khá hiện đại cẩn trọng tiến về phía trước. Mỗi khi máy phát tín hiệu “tít tít” liên tục, các anh lấy lá cờ nhỏ màu đỏ ở túi đồ nghề đeo bên hông, cắm xuống vị trí máy phát tín hiệu. Lát sau, tôi đã thấy một màu cờ đỏ rực trên bãi mìn. Anh Nghĩa ra lệnh cho bộ phận xử lý tín hiệu thực hiện nhiệm vụ.
Tôi quan sát Binh nhất Bùi Văn Tú, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 4, Đại đội 2 khi anh đang dùng thuốn kiểm tra lớp đất thứ nhất, động tác tay vừa nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng dứt khoát, các lần xuyên thuốn đều tăm tắp. Chợt chiến sĩ Tú dừng lại. Anh phát hiện có vật lạ. Anh lấy xẻng bộ binh gạt từng nhúm đất để lộ rõ vật nổ có lớp sơn màu nâu to gần bằng miệng bát ăn cơm.
Anh nhanh chóng báo cáo chỉ huy đã phát hiện quả mìn K58 và được lệnh tiến hành xử lý theo quy trình. Chiến sĩ Tú nhắc tôi ra xa hơn, vì vật nổ phức tạp, vô tình, rồi anh nhẹ nhàng dùng dao nhỏ, tỉ mỉ lấy từng nhúm đất xung quanh quả mìn. Sự tập trung của hệ thần kinh được dồn vào đôi bàn tay khéo léo của người lính trẻ nhập ngũ tháng 9-2013. Sau khi lấy hết đất viền, quả mìn lộ gờ đáy, chiến sĩ Tú dùng hai tay nâng nó lên khỏi lòng đất và tháo ngòi nổ.
Khi Binh nhất Bùi Văn Tú hạ chiếc cờ đỏ và báo cáo chỉ huy đã khắc phục xong vật cản, con vắt có màu đen sẫm to bằng ngón tay, bụng căng tròn lăn theo vạt áo anh rơi xuống đất để lại vết máu đỏ tươi loang bên cổ áo. Sự tập trung cao độ khiến Tú không cảm nhận được sự nhói đau do vắt cắn. Sau đó, Bùi Văn Tú được lệnh cơ động về lán chỉ huy để quân y tiểu đoàn xử lý bằng hình thức rửa sạch vết thương, tẩy chất chống đông máu trong nước dãi của con vắt bằng nước cây lá nón và bôi thuốc kháng sinh.
Những quả mìn như Binh nhất Bùi Văn Tú đã gỡ khỏi lòng đất hay nhiều loại mìn khác cùng với các loại bẫy đã nhiều năm nay cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn vẫn thường xuyên phải đối mặt. Có những loại được phép tháo gỡ, nhưng có loại phải hủy ngay tại thực địa. Nhưng dù đó là loại vật nổ nào, nếu thực hiện không đúng quy trình, hay chỉ lơ là thiếu quan sát, thiếu tập trung một chút sẽ phải trả giá bằng xương máu của mình và đồng đội.
Bởi vậy tiểu đoàn luôn làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho bộ đội trước mỗi đợt hành quân thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ cùng ăn, cùng ở với chiến sĩ, coi chiến sĩ như anh em ruột thịt, làm việc luôn có tập thể, có chỉ huy.
Để làm sạch đất, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn công binh phải thực hiện đúng quy trình rà phá bom mìn vật nổ trên cạn ở địa hình rừng núi: Sau khi dò bằng máy dò mìn, xử lý tín hiệu đến độ sâu 30cm, sau đó tiếp tục dò làm sạch đất đến độ sâu 7m…
Sau hơn 2 tháng miệt mài vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, mệt nhọc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn công binh 17, Sư đoàn 395 đã dò tìm xử lý gần 2.000 tín hiệu, thu gom 5.300 chông, mìn các loại, hủy 230 quả nổ, làm sạch 115ha đất trên địa bàn thôn Ngạn Chi, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.
Hôm bàn giao đất cho địa phương và tổ chức cắm cột mốc an toàn khu vực biên giới, cán bộ UBND xã Vô Ngại, thôn Ngạn Chi cùng người dân địa phương hăng hái vận chuyển cột mốc bằng bê tông với bộ đội. Ông Nguyễn Văn Bội, Chủ tịch UBND xã hồ hởi nói với cán bộ, chiến sĩ công binh:
- Bộ đội Tiểu đoàn Công binh 17 đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, bám địa bàn biên giới, dò gỡ mìn giúp bà con có thêm đất sản xuất, góp phần mang no ấm về bản làng vùng biên. Chắc chắn rằng, một ngày không xa, những khu “đất chết” sẽ trở thành những cánh đồng, vựa ngô, vựa lúa của xã.
Bài, ảnh: Mè Quang Thắng