QĐND - “Khối lượng công việc của đơn vị nhiều, cộng với đặc điểm thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dã ngoại, nếu cán bộ không sâu sát, thiếu gương mẫu và không có tình yêu thương chiến sĩ thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Ở Lữ đoàn 219, điều này là điểm mạnh, là chìa khóa mở ra thành công trong điều kiện thi công với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn”-Trung tá Nguyễn Hoàng Tú, Chính ủy Lữ đoàn 219 (Quân đoàn 2) khẳng định với chúng tôi như vậy.
Cuối thu! Nắng rải nhẹ xuống khu dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng). Công việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 219 đang diễn ra khẩn trương, nhằm hoàn tất những mét đất cuối cùng bảo đảm thời gian theo quy định. Thiếu tá Bùi Văn Đạo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 đã gần 4 tháng ròng bám công trường, bám bộ đội không giấu nổi niềm vui trên khuôn mặt, chia sẻ:
- Bao lo toan của chúng tôi từ lúc được chỉ huy lữ đoàn giao nhiệm vụ giờ đã thay thế bằng niềm vui. Chúng tôi đã hoàn thành việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ trên diện tích 143ha, vượt tiến độ thời gian gần 2 tháng; thu hồi, hủy nổ an toàn 2 quả bom 350 bảng Anh và hơn 300 đầu đạn nổ, lựu đạn, bom bi… Hiện, khối lượng công việc còn lại của đơn vị không đáng kể.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 tham gia rà phá bom, mìn, vật liệu nổ ở dự án mở rộng khu Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng)
|
Là người trong cuộc nên Thiếu tá Nguyễn Xuân Chức, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 219 hiểu được niềm vui của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 trong việc hoàn thành dự án này. Bởi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 bắt tay vào công việc với ngổn ngang nỗi lo. Khu vực của dự án vốn là địa bàn đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trong chiến tranh, hơn nữa, 75% quân số tham gia thực hiện dự án đều là chiến sĩ lần đầu làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ. Anh Chức nói:
- Mặc dù trước khi bước vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ, 100% cán bộ, chiến sĩ đều được huấn luyện và kiểm tra chất lượng. Thế nhưng, do anh em lần đầu tham gia đến công việc có tính chất nguy hiểm nên nhiều đồng chí còn có biểu hiện tâm lý.
Nắm chắc đặc điểm trên, nên ở bất cứ công đoạn nào, đội ngũ cán bộ các cấp cũng đều trực tiếp tham gia. Cứ ở đâu máy rò bom, mìn phát hiện ra tín hiệu là lập tức đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm có mặt trực tiếp hướng dẫn anh em tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm đúng quy tắc an toàn. Ví như, hôm Đội thi công số 6 phát hiện 5 quả bom bi. Cùng với thời gian, các quả bom bi đã bị ô xy hóa, rất nguy hiểm. Số chiến sĩ lần đầu nhìn thấy bom bi bị ô xy hóa có khả năng gây nổ nên tỏ ra mất bình tĩnh. Thiếu tá Bùi Văn Đạo sau khi nghiên cứu kỹ vị trí của từng quả bom đã trực tiếp tiến hành các bước xử lý, bảo đảm an toàn. Chứng kiến việc tiểu đoàn trưởng trực tiếp "xắn tay" vào công việc nguy hiểm, Binh nhất Nguyễn Viết Thắng rất xúc động, anh cho biết: “Tuy lần đầu tham gia nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm, nhưng cán bộ các cấp luôn có mặt ở “điểm nóng” để hóa giải thành công các loại bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh nên chúng tôi rất vững tâm và thêm quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Hay câu chuyện của Thượng úy Vũ Đình Vân, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 cũng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần nêu gương. Dự án mở rộng khu Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) có đến 60% diện tích mặt nước. Khu vực này chủ yếu là đầm hồ mà bà con nhân dân nuôi thủy, hải sản nên rất ô nhiễm. Khi triển khai việc dò, gỡ bom, mìn ở khu vực trên, nhiều chiến sĩ e ngại việc nguồn nước bị ô nhiễm. Biết được tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, Thượng úy Vũ Đình Vân đã tiên phong làm trước. Từ tấm gương của anh, nhiều đồng chí khác đã xung phong được làm việc trong vùng đầm hồ...
Cái lạnh đầu mùa nơi vùng núi đá mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đang thi công công trình quốc phòng lạnh đến tê tái. Đại tá Cao Đăng Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 219 chỉ đạo bộ phận quân nhu của đơn vị “xuất” chăn bông để bộ đội chống chọi với cái lạnh nơi miền sơn cước. Anh Hải quyết định: “Hai người được mượn ba chăn”. Giải thích về quyết định này, anh cho biết:
- Thời điểm giao mùa, nếu không chăm lo tốt sức khỏe cho bộ đội thì anh em rất dễ bị ốm. Không chỉ lo ấm cho bộ đội mà chúng tôi chỉ đạo công tác hậu cần phải bảo đảm bữa ăn nóng. Như thế mới bảo đảm sức khỏe cho bộ đội.
Rồi chúng tôi theo chân anh Hải vào công trường nơi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đang thực hiện nhiệm vụ. Trong ánh sáng của đèn pin, tôi chợt nhận ra “người quen” - Đại úy Trần Lê Nhân, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 đang cùng anh em chèn đất để thực hiện việc đặt nổ do kết cấu địa chất ở đây khá yếu. Đoán được ý của tôi, anh Nhân giải thích: "Ở bộ phận nào tiểu đoàn cũng bố trí sĩ quan cùng làm, cùng kiểm tra công việc nên hiệu quả rất cao, kịp thời xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn. Với bộ đội có thể làm theo ca, nhưng đội ngũ cán bộ thì tùy theo tình hình cụ thể, nhiều người trực tiếp làm việc hai ca liền...".
Từ công trường… đến đường tuần tra biên giới - nơi mà cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 219 thực hiện nhiệm vụ thì ở đâu chúng tôi cũng được chứng kiến hình ảnh cán bộ các cấp nêu gương trong lời nói và việc làm, xung kích vào việc khó. Đây là minh chứng sinh động điều mà Trung tá Nguyễn Hoàng Tú, Chính ủy Lữ đoàn 219 khẳng định khi nói về đội ngũ cán bộ của đơn vị: “Sự nêu gương của đội ngũ cán bộ trong đơn vị mang tính tự giác cao, ở mọi lúc, mọi nơi. Đó còn là sự thể hiện tình yêu thương với chiến sĩ, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các công việc mà đơn vị được đảm nhiệm”.
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC