QĐND Online - Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, do phải lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều nên những chiến dịch tiến công thần tốc và những trận đánh thần tốc không nhiều. Tuy nhiên, những cuộc tiến công ấy hầu hết mang tính quyết định, có ý nghĩa quyết chiến chiến lược hoặc chiến dịch tùy theo quy mô, đã tạo nên nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự dân tộc.
Qua nghiên cứu lịch sử nghệ thuật quân sự, mở những chiến dịch tiến công thần tốc hay những trận đánh thần tốc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, các thống soái quân sự của dân tộc ta đều nhằm mục tiêu tiêu diệt lực lượng lớn chủ lực của địch,đánh bại ý chí xâm lược của chúng, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, tương đối ngắn hoặc tiêu diệt một bộ phận quan trọng của địch, từng bước thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực có lợi cho ta. Trong lịch sử đương đại chống thực dân, đế quốc xâm lược, quân đội ta cũng đã tổ chức một số cuộc tiến công thần tốc, trong đó đỉnh cao là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lật đổ ngụy quyền, đánh tan rã hàng triệu ngụy quân, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước diễn ra trong chưa đầy 2 tháng.
Ngoài nhân tố thời gian, chúng ta thấy những chiến dịch tiến công thần tốc hay trận đánh thần tốc có nét chung: mang tính bất ngờ cao. Diễn biến của những chiến dịch tiến công thần tốc hay trận đánh thần tốc thường diễn ra vào thời điểm địch không ngờ tới, có biểu hiện chủ quan, trễ nải. Bất ngờ là nhân tố quan trọng nhất trong tác chiến đã được cha ông ta tận dụng để thực hiện quan điểm tư tưởng giữ nước “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Bị đánh bất ngờ thì địch dù có “binh hùng, tướng mạnh” đến mấy cũng sẽ “trở tay không kịp” nhanh chóng tan rã, thất bại. Ngược lại, đối với ta, nếu lợi dụng được thì dù quân ít cũng tạo được sức mạnh lớn để đánh địch. Bởi vậy, để tạo bất ngờ, các thống soái, tướng lĩnh quân sự của ta thường hành động ngoài dự kiến của địch, khiến chúng không phán đoán kịp hướng đánh, mục tiêu đánh, cách đánh, gian đánhcũng như quy mô, lực lượng tiến công của ta. Trận đại phá quân Thanh của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ (năm 1789) và Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của Mỹ – ngụy, thống nhất đất nước của quân và dân ta tuy cách xa nhau gần 200 năm, nhưng có chung một bất ngờ - bất ngờ về chiến lược. Xâm chiếm nước ta, vua Càn Long nhà Thanh sử dụng những lực lượng quân sự lớn để đe dọa Nguyễn Huệ, giáng đòn quyết định vào trạng thái chính trị và tâm lý của quân và dân ta đang trong bối cảnh đất nước chia rẽ, thực hiện chiến lược “không đánh mà thắng” buộc Tây Sơn phải “quy thuận” Thiên triều. Vua Càn Long đã chỉ dụ cho đội quân xâm lược, dưới sự chỉ huy của Tổng binh Tôn Sĩ Nghị: “ Cứ từ từ, không gấp vội... Nếu như người trong nước, một nửa theo về Huệ và Huệ không chịu rút quân thì chờ quân Mãn, Quảng vượt biển đánh vào Thuận, Quảng trước, sau đó lục quân mới tiến lên. Cả hai mặt đằng trước, đằng sau Nguyễn Huệ đều bị đánh, tất phải quy phục. Ta nhân đó giữ cả hai” . Chúng đâu ngờ, Nguyễn Huệ lại đề ra và thực hiện chiến lược “Tận suất vi binh” (chiến tranh toàn dân) quyết tâm đánh cho địch “phiến giáp bất hoàn” nên đã dùng tổng hội chiến để “chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc”. Còn trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Mỹ- ngụy cũng không ngờ quân và dân ta tiến hành tổng hội chiến với phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong các chiến dịch tiến công thần tốc hay các trân đánh thần tốc, nhân tố thời cơ giữ vai trò quan trọng. Trong chiến tranh, thời và thế có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vấn đề này trong bài thơ Học đánh cờ: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”. Mở chiến dịch, trận đánh đúng thời cơ có thể tạo nên sức mạnh gấp nhiều lần so với thực lực của ta, còn mở chiến dịch, trận đánh quá sớm hoặc quá muộn thì cục diện có thể khác hẳn. Cho nên, Nguyễn Trãi từng nói: “ Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ như trở bàn tay mà thôi”. Nghiên cứu kỹ các chiến dịch thần tốc hay trận đánh thần tốc (có ý nghĩa chiến lược) trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, thấy các nhà chiến lược quân sự thiên tài của ta chẳng những đã phát hiện rất nhạy bén và không bỏ qua thời cơ thuận lợi khi địch phạm sai lầm, mà còn có một nghệ thuật chủ động sáng tạo ra thời cơ có lợi để tiêu diệt địch, dựa trên cơ sở phát huy những nhân tố thuận lợi của mình như : sự ủng hộ và tham gia chiến đấu tích cực của nhân dân, sự thông thạo địa hình và khả năng cơ động nhanh chóng, bí mật của quân đội, v,v.
Ngoài những nét chung, mỗi chiến dịch tiến công thần tốc hay trận đánh thần tốc đều hết sức đa dạng và chiến thắng có được là tùy thuộc vào điều kiện khách quan và ý định chủ quan của con người trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nét riêng làm nên chiến thắng thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta là do quán triệt sâu sắc phương châm chiến lược: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Do đó, đã sử dụng các lực lượng và phương tiện có trong tay với hiệu quả cao, đẩy tốc độ tiến công quân địch và đánh chiếm các thành phố lên nhanh với hiệu suất chiến đấu cao, giành thắng lợi chiến dịch trong một không gian lớn mà thời gian lại rất ngắn.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, nếu kẻ địch liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thì đây sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao. Đặc điểm của cuộc chiến tranh này là không gian chiến tranh rộng, thời gian chiến tranh ngắn, mức độ ác liệt cao, thời cơ giành chiến thắng chỉ trong khoảnh khắc. Do đó, việc nghiên cứu nghệ thuật tiến công thần tốc trong các chiến dịch và trận đánh diễn ra trong lịch sử là vô cùng cần thiết. Nó đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng và kế thừa những kinh nghiệm lịch sử hết sức sáng tạo trong điều kiện mới./.
Thu Trang