Nếp sống văn hóa, sự tế nhị góp phần tôn thêm vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người, tạo sự hấp dẫn, thân thiện với những người xung quanh và rất cần trong cuộc sống, nhất là trong giao tiếp xã hội và sinh hoạt cộng đồng.
Môi trường quân đội có những nét đặc thù; tình cảm đồng chí, đồng đội thân thiết, nhưng vẫn rất cần sự khéo léo, tế nhị. Bộ đội sinh hoạt, ăn, ngủ, học tập, công tác tập trung, nên những hành vi thiếu tế nhị dễ gây ảnh hưởng, dẫn đến xích mích, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và tình đồng chí, đồng đội trong đơn vị.
Trong gia đình, cha mẹ thường dạy con nết ăn, nết ở ngay từ khi còn nhỏ. Giờ đây, nhịp sống diễn ra nhanh hơn, cường độ lao động cao, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng đầy đủ, khiến nhiều gia đình xem nhẹ việc giáo dục con cái những điều tế nhị, ý thức tập thể trong cuộc sống. Không ít thanh niên khi vào quân đội thường mắc các lỗi sơ đẳng trong sinh hoạt và giao tiếp, như tư thế ngồi ăn chưa đẹp, vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa, miệng nhai nhồm nhoàm... Có chiến sĩ chưa quen nói lời cảm ơn, xin lỗi, không tôn trọng tính cách, sở thích của người khác hoặc lúng túng khi cần động viên, chia sẻ với đồng đội gặp khó khăn...
Thiếu tế nhị trong sinh hoạt, giao tiếp của chiến sĩ trẻ có nguyên nhân từ những khiếm khuyết trong giáo dục của gia đình. Quân đội là trường học lớn của tuổi trẻ, vì vậy, khi vào quân đội, họ rất cần được giáo dục, rèn luyện, thực hiện những điều tế nhị trong cuộc sống; không chỉ góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội, mà còn góp phần làm đẹp hơn nếp sống văn hóa, tư cách người quân nhân cách mạng.
Các đơn vị không chỉ quan tâm rèn luyện tác phong chính quy, kỷ luật, mà cần coi trọng giáo dục, rèn luyện chiến sĩ cả những điều tế nhị trong cuộc sống. Đoàn thanh niên nên tổ chức các buổi diễn đàn, mạn đàm về chủ đề này, thực hiện giao tiếp, ứng xử có văn hóa trong đơn vị bằng những việc làm thiết thực; mở các lớp tập huấn cho cán bộ đoàn, cán bộ chính trị những kỹ năng, quy tắc trong giao tiếp để chiến sĩ hiểu và thực hiện tốt hơn những điều tế nhị trong cuộc sống.
LƯƠNG NGỌC VĨNH (Học viện Hậu cần)