Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng (BQP) mà trực tiếp là thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), 15 năm qua (9-8-2004 / 9-8-2019), Cục CHCN đã thường xuyên tham mưu cho thủ trưởng BQP và trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị chuyên trách và bán chuyên trách về tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các đơn vị: Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân PK-KQ), Bộ tư lệnh: Cảnh sát biển, Biên phòng, Thủ đô Hà Nội TKCN được hàng nghìn tàu thuyền và hàng nghìn ngư dân, thuyền viên, công nhân viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang khi hoạt động trên biển, trên đảo xa. Hàng trăm người đã được cứu sống kịp thời từ các đảo xa về đất liền. Riêng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, máy bay của Quân chủng PK-KQ, Hải quân, Binh đoàn 18 đã cấp cứu 18 người từ huyện đảo Trường Sa và các đảo khác trong quần đảo Trường Sa; các tàu hải quân, cảnh sát biển, biên phòng cấp cứu hàng trăm người, trong đó có hàng chục người nước ngoài từ các vùng biển xa về đất liền... Ngoài ra, lực lượng CHCN còn tổ chức tiếp nhận, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men và bố trí nơi ăn, nghỉ cho hàng nghìn ngư dân cùng hàng trăm ghe, thuyền gặp nạn trên biển lên các đảo ngoài khơi xa. Qua đó, càng thêm khẳng định vai trò chủ lực, xung kích của Bộ đội Cụ Hồ trong tìm kiếm, CHCN trên biển; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn nước ta, nhất là trên các vùng biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, thậm chí trái quy luật; trong khi đó, các hoạt động giao thương và phát triển kinh tế biển ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là phải nâng cao năng lực tìm kiếm, CHCN trên biển của lực lượng CHCN, trong đó cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ tìm kiếm, CHCN trên biển. Việc giáo dục, tuyên truyền phải làm cho bộ đội nắm vững chức năng, nhiệm vụ CHCN nói chung và TKCN trên biển nói riêng là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Qua đó, chuẩn bị về tư tưởng, quyết tâm, trách nhiệm và tinh thần khắc phục khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. 

Đối với hoạt động TKCN, phương châm “4 tại chỗ” (gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) luôn được áp dụng triệt để. Trên biển, lực lượng tại chỗ chính là các tàu, thuyền đang hoạt động gần khu vực bị nạn, khi nhận được tín hiệu báo nạn, hoặc thấy có người bị nạn thì phải có trách nhiệm đến tham gia TKCN. Thời gian qua, số lượng người do ngư dân cứu được trên biển là nhiều nhất. Vì vậy, tàu thuyền cá của ngư dân được xác định là lực lượng quan trọng trong "4 tại chỗ" trên biển. Bên cạnh đó phải không ngừng kiện toàn hệ thống tổ chức TKCN từ Trung ương đến địa phương tinh-gọn-hiệu quả. Tăng cường xây dựng và huấn luyện lực lượng TKCN trên biển, bảo đảm có chuyên môn, nghiệp vụ cao để đủ khả năng xử lý các tình huống khi xảy ra các sự cố trên biển. 

Các cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng, địa phương một cách chặt chẽ, chính xác, khoa học ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận thông tin đến tổ chức sử dụng lực lượng, xây dựng phương án và thực hành phối hợp tìm kiếm, CHCN trong từng tình huống cụ thể. Đối với tai nạn, sự cố ở vùng biển ven bờ, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và địa phương, cảng vụ (nơi xảy ra sự cố) để nắm tình hình; phối hợp điều động lực lượng, phương tiện và tổ chức hiệp đồng CHCN đạt hiệu quả cao. Đối với các vụ việc ở vùng biển xa, công tác phối hợp càng phải chặt chẽ giữa lực lượng trên biển, ở các đảo theo một kế hoạch thống nhất, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, kịp thời CHCN. 

Tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị CHCN trên biển với phương châm hiện đại-nhanh gọn-linh hoạt, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả trên mặt nước và dưới mặt nước. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị TKCN. Xây dựng và phát triển hệ thống TKCN mang tính khoa học, hiện đại, chính quy, chuyên nghiệp. Đầu tư xây dựng cho các trung tâm quốc gia TKCN ở 3 vùng Bắc, Trung, Nam với các trang thiết bị đủ mạnh và xây dựng một số đơn vị TKCN chủ lực trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Các trung tâm quốc gia TKCN vùng và các đơn vị TKCN chủ lực sẽ là những hạt nhân trong việc phát triển mạng TKCN trong cả nước.

Thiếu tướng LÊ MẠNH TIẾN

Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu