 |
Kéo xuồng vào đảo An Bang. Ảnh Phúc Thắng |
Tháng 5 này tôi cùng một số anh em là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam ra Trường Sa, được đến với bộ đội, ghi lại những hình ảnh sinh hoạt cũng như học tập, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo phía Nam. Niềm háo hức sáng tạo, gắn với trách nhiệm cao hơn khi giới nhiếp ảnh đang bước vào cuộc vận động sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày đầu tháng, tại Bộ tư lệnh Hải quân, lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam đã tặng bộ đội Trường Sa 100 bức ảnh đẹp, quý về hình ảnh đất liền để các chiến sĩ nơi đảo xa luôn luôn thấy Tổ quốc và nhân dân cả nước bên cạnh họ. Cả 6 thành viên của đoàn nhiếp ảnh, lần đầu tiên với tư cách một hội chuyên ngành nghệ thuật Trung ương háo hức chuẩn bị các thiết bị chụp tốt nhất, cơ động nhất với hành trang mang theo như những người lính ra trận. Họ đem theo cả các loại bao ni lông đề phòng nơi bão gió. Ra đảo họ gặp vô số bất ngờ. Ở nơi ấy, có được chỗ đứng chụp ảnh là khó. Diện tích dành cho trồng rau xanh cũng phải thu xếp. Có nơi rau được trồng trên chậu như ở các đảo chìm. Nước tráng người sau khi tắm được giữ lại để tưới các loại rau xanh. Màu xanhrất khác những năm nào các nhà báo từng có mặt ở các đảo Trường Sa Lớn, Phan Vinh và An Bang. Hôm nay màu xanh bao trùm với nhiều loại cây khác nhau mới mang từ đất liền ra trồng.
Trên boong của tàu HQ996, đoàn chúng tôi đã nhiều lần khóc. Chúng tôi kính cẩn và xúc động thắp những nén nhang tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh để giữ đảo, giữ thuyền. Trên đường từ đảo An Bang đến Đá Đông, con tàu đưa chúng tôi đi đã phải dừng lại vài giờ để tìm cách vào đảo, nhưng không được vì sóng lớn. Tàu cách anh em trên đảo có vài trăm mét, thấy nhau mà không gặp được. Đã vài tháng rồi, các chiến sĩ ở đây không nhận được thư nhà. Quà của các địa phương thăm hỏi cũng không thể mang vào để trao tận tay cán bộ, chiến sĩ được. Những tiếng hát của văn công hải quân cũng như những lời chúc của những người đất liền ra công tác đã được truyền qua loa, phục vụ anh em trên đảo.
Chỉ vì sóng lớn, mà chúng tôi, các nhà báo, lãnh đạo Quân chủng, văn công hải quân, đại diện các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương v.v.. không được gặp anh em.
Nằm trên tàu chờ, ai cũng thấy buồn. Và tất cả như muốn khóc khi các nữ chiến sĩ văn công hải quân đã hát qua biển, qua máy bộ đàm cho đồng đội của mình trên đảo.
Không ai ghi lại được những hình ảnh cảm động này bởi những người đang cầm máy ảnh trên tay như tôi cũng không nén được xúc động, nước mắt trào ra. Tôi và các đồng nghiệp đã có chuyến đi 10 ngày lênh đênh giữa đại dương mênh mông ghi lại những hình ảnh của người lính đảo. Chuyến đi thật vất vả nhưng sẽ mãi mãi không quên. Đây là chuyến đi đặc biệt nhất, ấn tượng nhất trong cuộc đời làm báo, làm văn nghệ của tôi. Cũng là lần đầu tiên 10 ngày, xa đất liền, không tiêu tiền, 10 ngày chúng tôi được chứng kiến những hành động anh hùng, sự chịu đựng hy sinh của quân và dân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tôi còn thấy ở chính mình nhiều điều, thấy có cách nhìn mới sâu sắc và kỹ càng hơn về đời sốngngười chiến sĩ hải quân. Tôi khâm phục và biết ơn họ.
Vài nghìn bức ảnh đã được chụp, và nếu mai đây, Hội NSNA Việt Nam có giới thiệu với nhân dân cả nước những hình ảnh mới về Trường Sa hôm nay thì đó vẫn không phải là tất cả những gì lớn lao, vĩ đại mà các chiến sĩ hải quân nơi đảo sóng đã và đang làm vì Tổ quốc thân yêu.
Vũ Huyến (Phó chủ tịch thường trực Hội NSNA Việt Nam)