QĐND - Sau khi bị quân và dân miền Nam phá tan kế hoạch bình định 18 tháng, Mỹ và Diệm trở nên bất đồng nghiêm trọng về chính sách và đường lối chính trị. Chế độ gia đình trị của Diệm không được lòng Tổng thống Ken-nơ-đi. Nhất là vào cuối năm 1963, khi mà Diệm-Nhu-Cẩn chủ trương lấy Thiên chúa giáo thay thế cho Phật giáo, nên đã xảy ra hiện tượng đàn áp Phật giáo. Phong trào chống anh em nhà Diệm đã được các tăng ni, phật tử đẩy lên cao độ mà đỉnh điểm là cuộc đàn áp Phật giáo do chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành ngày 8-5-1963 tại Thừa Thiên khiến giới Phật giáo rất phẫn nộ. Sợ phong trào Phật giáo lan rộng sẽ gây nguy cơ cho chế độ, nên Diệm đã cử Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ra Huế để dàn xếp và xem xét đáp ứng 5 yêu cầu của Phật giáo.
Tuy nhiên, với sự cố vấn của Nhu rằng nếu đáp ứng các yêu cầu của Phật giáo thì sẽ bị lấn tới, nên ngay sau đó chính quyền Diệm đã lờ đi những lời hứa hẹn. Sự lật lọng của Diệm đã khiến phong trào đấu tranh của Phật giáo bùng lên và lan rộng đến Đà Nẵng, Sài Gòn. Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn ngày 11-6-1963 đã trở thành bản án tố cáo chế độ độc tài phát xít của Ngô Đình Diệm trước nhân dân trong nước và thế giới. Không tìm cách giải quyết mâu thuẫn, Diệm sử dụng cảnh sát thẳng tay đàn áp Phật giáo bằng cách tấn công vào các nhà chùa. Ngày 21-8-1963, chính quyền của Diệm đã bắt hơn 1.400 nhà sư giam vào các nhà tù để tra tấn, xét hỏi. Cũng trong thời điểm này hơn 2000 người là giáo sư, luật sư, sinh viên cũng bị bắt, khiến cho tình hình miền Nam trở nên bất ổn nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi đã nhận ra thực trạng này và đã cử chuyên gia đảo chính Ca-bốt-lốt sang Sài Gòn thay Nâu-tinh làm đại sứ. Mỹ cho rằng, cần phải thay người trong chính quyền Việt Nam cộng hòa để có thể nghe lời Mỹ. Như vậy số phận của Diệm-Nhu coi như đã được định đoạt. Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính lật đổ anh em Diệm-Nhu được một nhóm tướng lĩnh quân đội Sài Gòn thực hiện dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Ngày hôm sau (2-11) Dương Văn Minh chỉ huy quân đội đánh vào dinh Gia Long là nơi mà Diệm-Nhu trú ngụ. Cũng trong ngày này, Diệm-Nhu đã bị bắn chết khi được quân đảo chính “đón” từ nhà thờ cha Tam về dinh Gia Long. Ít ngày sau, Ngô Đình Cẩn cũng bị tòa án quân sự Sài Gòn kết án tử hình. Đây là mốc đánh dấu sự thay đổi từ một chính quyền dân sự sang quân sự để tiếp tục chiến tranh. Hai mươi ngày sau khi Diệm-Nhu bị giết thì Ken-nơ-đi, cha đẻ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” tại Nam Việt Nam cũng bị ám sát.
Tuy nhiên, chính quyền quân sự Sài Gòn cũng không được yên ổn, do sự đấu đá, tranh giành quyền lợi từ các phe phái. Chính vì vậy, hàng loạt cuộc đảo chính đã xảy ra. Ngày 30-4-1964 xảy ra cuộc đảo chính do Nguyễn Khánh cầm đầu, lật đổ chính phủ Dương Văn Minh. Ngày 25-8-1964, Dương Văn Minh lại lật đổ chính phủ Nguyễn Khánh. Ngày 27-1-1965, Nguyễn Khánh lại làm đảo chính lập Hội đồng nhân dân… cứ như vậy tính từ tháng 11-1963 đến tháng 6-1965, chính quyền Sài Gòn đã phải chịu tới 11 cuộc đảo chính và cải tổ chính phủ.
Sự bất ổn về chính trị trong chính quyền Sài Gòn là điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh đấu tranh phá ấp chiến lược, củng cố lực lượng vũ trang. Nhất là sau khi ta giành được chiến thắng trong trận Ấp Bắc, đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của địch. Chiến thắng Ấp Bắc đã thúc đẩy hàng loạt trận đánh thi đua với Ấp Bắc trên toàn miền Nam, khiến Mỹ-ngụy càng lúng túng, báo hiệu sự thất bại thảm hại của “chiến tranh đặc biệt”.
TRẦN KIM HÀ