Máy bay tiêm kích đa chức năng (TKĐCN) là loại máy bay vừa có thể tham gia không chiến và khi cần thiết có thể thực hiện nhiệm vụ của các máy bay cường kích ném bom. Máy bay dạng này được thiết kế có thể thực hiện mọi nhiệm vụ mà trước đây phải sử dụng một loại máy bay chuyên biệt như: Đánh ngoài biển, ném bom, đánh chặn...

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, các nước trên thế giới nhận ra rằng, sẽ không có chiến tranh hạt nhân tổng lực, mà xu thế chung sẽ là các cuộc chiến tranh cục bộ, khu vực. Việc duy trì các hệ máy bay tiêm kích, cường kích chuyên biệt tỏ ra lãng phí và tốn kém. Những tiến bộ của ngành công nghệ chế tạo máy bay và tên lửa là tiền đề để máy bay TKĐCN ra đời.

Máy bay TKĐCN đã thể hiện rõ những ưu điểm trong nhiều cuộc xung đột. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, không quân Mỹ đã sử dụng các máy bay TKĐCN F-4 Phantom-2 (máy bay Con ma) vừa có thể sử dụng các tên lửa tầm gần AIM-9 Sidewinder, tên lửa điều khiển bằng ra-đa AIM-7 Sparow, lại vừa có khả năng mang bom (số lượng bom đạn mà máy bay F-4 có khả năng mang theo bằng với máy bay ném bom B-24 trong chiến tranh thế giới thứ 2). Chúng vừa có thể tiến hành ném bom, vừa có khả năng không chiến trực tiếp với máy bay đối phương. Lực lượng Phòng không-Không quân của ta ban đầu đã gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn và đánh trả các máy bay này.

Ngày nay, công nghệ đã có những tiến bộ vượt bậc, ra-đa tích hợp trên máy bay (AGP-73, Irbis-E) có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc cả trên không và trên mặt đất. Các loại tên lửa đối không (R-77 Alder, AIM-120 AMRAAM), đối đất (Kh-31 Kryton; Kh-59M) trang bị trên máy bay có tầm bay xa, chính xác cùng với các loại bom có điều khiển (KAB-500; JDAM), máy bay TKĐCN ngày càng có vai trò quan trọng trong các cuộc chiến với những khả năng chúng có thể thực hiện được. Các máy bay TKĐCN trở thành xương sống của lực lượng không quân nhiều quốc gia.

Điển hình cho các máy bay TKĐCN ngày nay chúng ta có thể thấy như: Máy bay Su-27 Flanker (của Nga) và các biến thể; F/A-18 Super Hornet của Mỹ; JAS-39 Gripen của Thụy Điển; Rafale của Pháp…

Với xu thế phát triển của ngành hàng không thế giới hiện nay, các thế hệ máy bay TKĐCN sẽ tiếp tục được phát triển và nâng cấp, phù hợp với điều kiện chiến trường hiện tại, mặc dù hiện nay, các máy bay không người lái với ưu thế nhỏ gọn, dễ chế tạo, chi phí rẻ ra đời đang dần thay thế vai trò của máy bay TKĐCN trên chiến trường.

TUẤN SƠN