Binh pháp cổ dạy: “Giương đông, kích tây”, để nói về mưu lừa địch, khiêu chiến chỗ này, nhưng đánh chỗ khác. Nhưng tại chiến dịch Đắc Tô, Tân Cảnh tháng 4-1972, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lại “giương tây, kích đông”? Về bản chất đó vẫn là phép lừa địch. Chỉ có điều, tại mặt trận này, quân đoàn 2 ngụy chăm chăm phòng ngự hướng tây và tây bắc, trong khi ta tìm cách để địch bị bất ngờ khi ta tiến công hướng đông.

|
Trận địa pháo quân Nguỵ ở Tân cảnh |
Toàn cảnh chiến trường lúc này, Đắc Tô, Tân Cảnh là hai cụm cứ điểm phòng ngự, che chở chủ yếu cho Kon Tum. Đây là một tập đoàn phòng ngự do một sư đoàn thiếu của Nguỵ chiếm giữ. Trong đó địch có quân dù, xe tăng, công sự kiên cố, máy bay yểm trợ mạnh. Địch rất sợ ta tiến công, vây hãm trực tiếp cụm phòng ngự thị xã Kon Tum, nghi ngờ Sư đoàn 320 của ta sẽ đánh Kon Tum.
Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên lúc này cho mở một con đường hướng về phía thị xã, làm như là chuẩn bị cho xe tăng, cơ giới tập trung tiến đánh Kon Tum. Động thái này khiến địch càng khẳng định phán đoán của chúng là đúng. Quả nhiên, chúng cho một bộ phận sư đoàn 22 và quân dù ngụy ra chống phá hướng này. Đòn nghi binh chiến dịch đã làm cho địch phản ứng theo ý đồ của ta.
Khi địch tập trung vào che chắn Kon Tum, thì ta gấp rút làm tiếp một con đường bí mật khác nối vào đường 14. Con đường này cho phép ta đưa một lực lượng khác vòng từ tây Tân Cảnh về đông Tân Cảnh. Đây là lực lượng chủ chốt gồm Sư đoàn 2, (Quân khu 5) Trung đoàn 66… trong đó có cả xe tăng, pháo binh, cao xạ, tên lửa chống tăng B72.
Lại nói về quân ngụy ở Đắc Tô, Tân Cảnh, do các động thái của ta bộc lộ ở hướng biên giới khá rõ, nên đại tá Lê Đức Đạt, sư đoàn trưởng sư đoàn 22 ngụy tại đây bố trí lực lượng binh khí nặng và xe tăng của chúng chiếm lĩnh ở hướng tây, chủ ý sẵn sàng phản kích lại ở khu vực này (hướng tây). Trong bản đồ, hướng phản kích của địch chú ý sát sao nhằm vào hướng tây.
Lúc này, xung quanh Kon Tum, Sư đoàn 320 của ta vừa tiến công, vừa vây hãm lực lượng địch, khiến cho Quân đoàn 2 ngụy không phán đoán được nơi nào là hướng tiến công chủ yếu. Tân Cảnh hay Kon Tum?
Tại trận này lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, ta đánh thắng tuyến phòng ngự cơ bản của địch gồm một sư đoàn thiếu, nhiều trung đoàn, thiết đoàn, trong cụm phòng ngự kiên cố, dày đặc. |
Giờ G, sau khi ta cơ động lực lượng sang hướng đông, mũi đột kích từ hướng đông đánh vào Tân Cảnh đã phát huy hiệu quả rất cao. Nhờ bí mật, bất ngờ, lại có xe tăng, pháo binh yểm trợ, thế trận ta áp đảo. Địch bị hoảng loạn khi phát hiện xe tăng ở hướng đông tham gia tiến công cùng bộ binh. Một tình huống hoàn toàn ngoài dự kiến của địch. Bị áp lực mạnh, căn cứ này bị phá hủy từng hỏa điểm. Tên lửa B72 của ta bắn đổ chòi canh, tháp nước, bắn cháy nhiều hỏa điểm, xe tăng.
Hệ lụy từ trận then chốt “giương tây, kích đông” đã đến: Trải qua gần 11 giờ chiến đấu quyết liệt, anh dũng, ta đã làm chủ chiến trường ở thị trấn Tân Cảnh, sân bay Đắc Tô 2, sở chỉ huy sư đoàn 22 ngụy, bắt sống gần 1000 tên địch.
Địch “chót” bố trí sai hướng phản kích, nên xoay trở không kịp, vỡ trận, đối phó bị động, phải yếu ớt chống trả theo” kịch bản “ của ta.
Nhiều kinh nghiệm chiến đấu được rút ra từ chiến dịch Đắc Tô, Tân Cảnh. Trong đó có bài học: Nghi binh lừa địch, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, dùng mưu hơn dùng lực…
Diện tích hủy diệt của Box B-52
Trưởng cố vấn Hoa Kỳ tại Quân đoàn 2 ngụy, bên cạnh tướng Ngô Du năm 1972 là Pôn-van. Y hứa với tướng Ngô Du, Tư lệnh quân đoàn rằng ông ta có thể xin đại tướng Abrams sử dụng 25 "box" của pháo đài bay B-52 mà Hoa Kỳ đang dùng “yểm trợ” cho toàn miền, trong một ngày, nay chỉ để yểm trợ cho Quân đoàn 2, nhằm đối phó với Sư đoàn 320 Quân giải phóng trên hướng Kon Tum.
Vậy mỗi box của B-52 là bao nhiêu? Đó thực chất là đơn vị quy ước, đo diện tích hủy diệt của B-52. Mỗi box B-52, có chiều dài là 3km, chiều ngang 1km, được thả bằng 3 chiếc B-52 chứa hơn 100 quả bom đủ loại, từ 100 lbs đến 500 lbs.
Trung đoàn 64 và Trung đoàn 28 của ta sau khi tham gia đánh Đắc Tô - Tân Cảnh đã phối hợp tiến đánh Kon Tum ngày 14-5-1972. Lúc 5 giờ cùng ngày, cả 25 box B-52 do Mỹ thực hiện đồng loạt thả xuống hơn 3.000 quả bom đủ các loại trên đầu Sư đoàn 320 và Sư đoàn 2 của Quân giải phóng. Tiếng bom nổ long trời lở đất, khói bụi bay mịt mù. Diện tích rải thảm của 25 box B-52 là 75 km2. Tiếp theo từng đoàn A37 và AD6 của sư đoàn 6 không quân ngụy bay vào mục tiêu, tiếp tục bắn vào các xe tăng và các khẩu đội phòng không. Trực thăng vũ trang Cobra của địch còn tập hậu bắn vào đội hình của ta.
Dưới làn bom đạn địch cày xới mặt đất, quân ta chiến đấu kiên cường, phá vỡ hàng loạt căn cứ phòng ngự của trung đoàn 44 và 45 ngụy ở vòng ngoài thị xã Kon Tum. Tuy nhiên, do hỏa lực và phi pháo của địch chế áp mạnh, mùa mưa bắt đầu đến, tiếp tế khó khăn, lại do sử dụng lực lượng dự bị cơ động của ta phân tán, nên ta chưa giải phóng được Kon Tum.
Pôn-van, viên trưởng cố vấn Quân đoàn 2 ngụy, sau này tử trận khi y ngồi trên một chiếc trực thăng và bị quân giải phóng bắn rơi.
|
TRẦN DANH BẢNG