Đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy nội lực

Lữ đoàn 86 đóng quân phân tán trên địa bàn thành phố, trung du, đồi núi thấp, xen kẽ rừng phòng hộ, độ dốc lớn. Đất đai cằn cỗi, dễ bị rửa trôi trong mùa mưa bão nhưng  Lữ đoàn  đã chủ động đầu tư công tác hậu cần xây dựng các mô hình sản xuất, tăng gia, huy động thêm hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại và làm vốn lưu động.

Đơn vị cũng tận dụng ngày công của bộ đội để san ủi mặt bằng, làm hệ thống tưới tiêu, xây tường rào cho khu tăng gia, chăn nuôi, Trung tá Phạm Xuân Hà, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 86 chia sẻ: “Nhiều năm qua, đơn vị luôn thực hiện tốt công tác tăng gia sản xuất (TGSX), góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên phát triển TGSX càng trở nên cấp thiết. Các đơn vị đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh TGSX, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho bộ đội”.

 Các chiến sĩ Lữ đoàn 86 chăm sóc vườn rau xanh.

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực là các đơn vị đã đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy nội lực. Trong đó, đặc biệt chú trọng phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” gắn với thực hiện Nghị quyết 623 của Quân ủy Trung ương “Về công tác Hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Các đơn vị trong toàn Lữ đoàn bảo đảm tốt công tác hậu cần cho hoạt động thường xuyên và đột xuất. Phong trào Thi đua xây dựng đơn vị “Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” được đẩy mạnh; đơn vị chủ động trong khâu khai thác tạo nguồn bảo đảm lương thực, thực phẩm sạch phục vụ bộ đội. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định đẩy mạnh tăng gia sản xuất là giải pháp then chốt, tạo nguồn thực phẩm sạch vững chắc cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội và tạo nguồn thu cho đơn vị.

Lữ đoàn tập trung đột phá xây dựng quy hoạch khu tăng gia sản xuất, tư vấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng; đầu tư xây dựng nhiều mô hình mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình trồng rau thủy canh, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo tiêu chuẩn rau an toàn. Tận dụng triệt để diện tích hiện có của đơn vị, tập trung phát triển mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn và trạm chế biến). Đối với diện tích trồng rau, được chia thành các khu trồng nước, khu trồng cạn, khu giàn cây leo, đảm bảo cơ cấu 60% rau ăn lá, 40% rau ăn củ quả; kiên cố hệ thống giàn. Sử dụng cây, con giống mới F1, ưu tiên trồng các loại cây, rau cao cấp cho năng suất cao. Để tăng định lượng và chủ động nguồn cung cấp trái cây tươi vào bếp ăn, Lữ đoàn chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả ngắn ngày, đầu tư quy hoạch, xây dựng vườn cây ăn quả tập trung và hàng trăm cây ăn quả phân tán, xen kẽ trong doanh trại.

Lữ đoàn chỉ đạo phát triển theo hướng bán công nghiệp, tập trung chăn nuôi lợn siêu nạc, nuôi cá, gia cầm, đảm bảo đa dạng cơ cấu khẩu phần thịt trong bữa ăn của bộ đội. Phát triển nuôi lợn nái để chủ động một phần con giống; chủ động điều chỉnh cơ cấu đàn, thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín: Lợn nái - lợn con - lợn thịt. Triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch lây lan vào đơn vị. Bên cạnh đẩy mạnh chăn nuôi lợn, đơn vị chú trọng phát triển các loại vật nuôi khác như: Bồ câu Pháp, Thỏ, Chim cút làm đa dạng nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn; mô hình nuôi ếch trên mặt ao kết hợp nuôi cá; chuyển hướng từ “thả cá” sang “chăn nuôi cá”; nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp, tạo môi trường ao nuôi sạch, cá sinh trưởng, phát triển tốt, nhanh lớn. Đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, khu tăng gia sản xuất đã được quy hoạch bảo đảm thẩm mỹ, hiệu quả.

Những bàn tay cần mẫn

Tiểu đoàn 903, đóng quân độc lập dưới chân dặng núi Sóc Sơn, điều kiện đất đai cằn cỗi, đồi dốc nhưng ở đâu xuất hiện một khoảng trống ở đó được bộ đội tận dụng tăng gia, phủ xanh mướt bằng những giàn bầu, bí, mùng tơi, rau dền, rau muống và các vườn gia vị. Thượng úy Đào Mạnh Linh, Trợ lý hậu cần Tiểu đoàn 903 cho biết: “Khó khăn nhất trong công tác tăng gia ở đây là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất khắc nghiệt, mùa khô thì nắng gắt, cỏ cây chết héo còn mùa mưa đất bị nước xói mòn, cuốn trôi”.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã bỏ hàng nghìn ngày công lao động để lọc sỏi đá, san lấp mặt bằng. Mùa mưa, trước khi xuống giống, anh em rải phân xanh trên mặt luống. Sau 7 đến 10 ngày tiến hành gieo trồng, việc làm này vừa giúp đất không bị xói mòn, vừa giúp cây hấp thụ dinh dưỡng để phát triển. Nhờ các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, vườn tăng gia tập trung của đơn vị được xây dựng với hơn 4.000m² vườn rau chuyên canh cùng 5 ao cá; đàn lợn thịt hơn 40 con, đàn gia cầm hơn 500 con.

 Mô hình nuôi chim bồ câu ở Lữ đoàn 86.

Không chỉ Tiểu đoàn 903, các Tiểu đoàn 901, 902, Lữ đoàn 86 khu tăng gia trồng trọt, chăn nuôi được quy hoạch rất bài bản,khoa học, hiệu quả. Nhờ bàn tay cần mẫn chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ, đến nay, các vườn tăng gia của Lữ đoàn luôn xanh tốt với đa dạng các loại rau, củ, quả. Kết quả TGSX luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra từ 3% đến 5%, lữ đoàn tự túc được nhu cầu rau xanh, 65-70% thịt xô lọc, từ 70% đến 80% nhu cầu cá tươi, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá rẻ hơn các loại thực phẩm cùng loại trên thị trường từ 10% đến 20%; giá trị thu lãi từ tăng gia sản xuất hằng năm luôn vượt chỉ tiêu theo kế hoạch; đưa vào ăn thêm hằng ngày; bảo đảm túi quà Tết cho cán bộ có giá trị từ 1.700.000-2.600.000 đồng/người/1 suất quà; góp phần giữ vững, nâng cao đời sống bộ đội. Quân số khỏe của lữ đoàn luôn đạt hơn 99,5%, sẵn sàng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: HÀ BÁCH