Lịch sử ra đời súng Bazôka Việt
Tháng 4-1947, quân đội ta đã chế tạo thành công súng Bazôka. Việc nghiên cứu, chế tạo đã được thức hiện ở Xưởng quân giới Giang Tiên (Thái Nguyên) từ giữa năm 1946. Sau đó, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo chế tạo thành công Bazôka theo mẫu của Mỹ (kiểu ATM6A1), cỡ 60 ly, nặng 11kg, có thể vác vai, bắn không giật; cự ly bắn hiệu quả từ 50 đến 60 mét, xa nhất 300 mét. Đạn Bazôka là đạn lõm chống tăng. Ngày 3-5-1947, Bazôka được sử dụng diệt xe tăng Pháp tại Sơn Lộ - chùa Trầm, Hà Đông.
Trận đánh điển hình về vận dụng cách đánh phục kích giao thông thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp?
Đó là trận Giồng Dứa (ngày 25-4-1947). Đây là trận phục kích của của Đại đội học viên Trường quân chính Khu VIII phối hợp với Chi đội 17 và du kích Mỹ Tho đánh đoàn xe của quân Pháp từ Sài Gòn đi tiếp tế vũ khí cho binh sĩ các tỉnh miền tây Nam Bộ (đoàn xe của chính phủ ngụy quyền Nam Kỳ cùng đi) trên quốc lộ 4 (ngã tư Trung Lương - cầu Long Định). 10 giờ ngày 25-4, khi đoàn xe địch lọt vào trung tâm trận địa phục kích tại Giồng Dứa (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), ta dùng mẹo đẩy xe bò đá chặn đầu, tổ chức lực lượng khóa đuôi, chặn viện và đánh chính diện. Sau 10 phút chiến đấu, đã phá hủy 14 xe, làm thương vong 80 tên địch (có quan năm chỉ huy tình báo Pháp), bắt 7 tên (có Trương Vĩnh Tống, bộ trưởng ngụy quyền và sĩ quan kỹ sư Pháp). Trận Giồng Dứa làm chấn động dư luận trong nước và ở Pháp, góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích địa phương.
Hội nghị dân quân du kích toàn quốc lần thứ nhất họp vào thời gian nào? Cho biết những nội dung chính trong trong thư gửi Hội nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Hội nghị dân quân du kích toàn quốc lần thứ nhất họp ngày 24-5-1947, thống nhất việc tổ chức dân quân tự vệ và du kích từ những tổ chức vu trang quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc xây dựng trở thành một bộ phận trong các lực lượng vũ trang nhà nước, do các cơ quan quân sự chỉ huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị, trong thư có đoạn:
"...Dân quân,tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã.
Các chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích ở Nam Bộ, ở Thủ đô, ở miền duyên hải và ở các nơi, đã chứng rõ sự thực đó một cách rất anh hùng. Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng.
Nhưng chúng ta không tự mãn tự túc, không kiêu ngạo, chúng ta luôn luôn phải thực hành mấy điều này:
1. Trong bộ đội phải đồng cam cộng khổ. Phải giữ kỷ luật, phải siêng năng tập tành, phải giữ bí mật, luôn luôn cẩn thận, lúc có địch trấn tĩnh như không có địch, lúc xa địch nghiêm ngặt như gần địch;
2. Đối với dân - phải bảo vệ dân, phải giúp đỡ dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu;
3. Đối với công việc - phải lập làng kháng chiến khắp nơi, phải luôn tích cực hành động;
4. Đối với địch - phải kiên quyết, dũng cảm. Phải có kế họach, mưu trí, phải hữu tiến vô thoái, phải thi đua nhau trong việc sát giặc cướp súng, v.v..Song đối với tù binh thì phải ưu đãi họ".(1).(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 132-133.
|
Nguồn gốc tên gọi "Pháo binh Sông Lô" và "Trung đoàn Sông Lô"?
Trong các ngày 23, 24-10 và ngày 10-11-1947 đã diễn ra trận Sông Lô. Đây thực chất là các trận phục kích đường sông của lực lượng pháo binh Khu X, có sự phối hợp của trung đoàn bộ binh 112 và dân quân du kích địa phương, đánh tàu chiến Pháp trên sông Lô (địa phận Tuyên Quang - Phú Thọ), trong chiến dịch Việt Bắc (từ ngày 7-10 đến 22-12-1947). Ngày 23-10, tại Khoan Bộ với 1 sơn pháo 75 ly và 1 súng chống tăng 25 ly, Trung đội pháo binh 175 bắn trọng thương 2 tàu vận tải. Trưa ngày 24-10, tại trận địa chân Gò Đồi (gần bến phà Đoan Hùng), với 2 pháo 75ly Trung đội pháo binh 200 đã bắn chìm và bắn bị thương 4 trong số 5 tàu địch có máy bay hộ tống từ Tuyên Quang về Đoan Hùng. 10 giờ ngày 11-10, tại Khe Lau (ngã ba sông Gâm - sông Lô), với 1 sơn pháo 75 ly, Trung đội pháo binh 225 đã bắn chìm 2 và bắn bị thương 1 tàu chở quân từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, diệt hàng trăm tên địch. Đây là chiến công đầu của pháo binh Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Bằng cách đánh gần, bắn thẳng, bí mật bất ngờ bố trí trận địa sát bờ sông, kết hợp nghi binh (tạo khói thuốc để hút máy bay, dùng bưởi sơn đen giả làm thủy lôi trên sông lừa địch vào hướng đã định), trận sông Lô đã góp phần bẻ gãy gọng kìm phía Tây của quân Pháp vào Việt Bắc. Sau chiến thắng sông Lô, lực lượng pháo binh Khu X và Trung đoàn 112 được tặng danh hiệu "Pháo binh sông Lô và "Trung đoàn sông Lô".
 |
Nêu tóm tắt diễn biến và kết qủa của chiến dịch Việt Bắc?
Chiến dịch phản công Việt Bắc diễn ra từ ngày 7-10 đến 9-12-1947.
Bộ Tổng chỉ huy sử dụng các Trung đoàn 147, 165 (chủ lực Bộ), 72, 74, 121 (Khu I), 11, 26, 98 (Khu XII), 1 tiểu đoàn pháo binh và Trung đoàn sông Lô (khu X), 5 tiểu đoàn độc lập của Bộ, Khu I và Khu XII, các đơn vị binh chủng và du kích đánh bại cuộc tiến công lớn của quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc.
Ngày 8-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ra sức tiêu diệt địch. Ngày 15-10, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của Pháp.
Chiến dịch diễn ra thành hai đợt. Các đơn vị thực hiện phương châm” đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” và cách đánh du kích, vận động, đánh địch trên các địa bà, trọng điểm là các mặt trận đường số 3, đường số 4 và sông Lô; bẻ gãy các mũi tiến công đường không, đường bộ và đường thủy của Binh đoàn đổ bộ đường không, Binh đoàn bộ binh thuộc địa, Binh đoàn hỗn hợp bộ binh thuộc địa, lính thủy đánh bộ cùng lực lượng dự bị của Pháp (tổng số khoảng 1,2 vạn quân). Nhiều trận gây cho địch tổn thất lớn: bắn rơi tại chỗ máy bay chở viên Tham mưu phó quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thu bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của địch (ngày 9-10); phục kích bản Sao – đèo Bông Lau ( ngày 30-10); bắn tàu chiến, ca nô tại Khoan Bộ (ngày 23-10), Đoan Hùng (ngày 24-10), La Hoàng (ngày 2-11), Khe Lau ( ngày 10-11)… trên sông Lô; tập kích đồn Phủ Thông (ngày 30-11); phục kích tại đèo Giàng trên đường số 3 (ngày 15-12)…
 |
Toàn chiến dịch, các đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 Pháp, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến và canô, phá hủy 100 khẩu pháo, cối, hàng nghìn súng, hàng trăm xe quân sự, thu hàng chục tấn chiến lợi phẩm. Chiến dịch phản công Việt Bắc đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta. Bộ đội ta dần dần quen tác chiến. Bộ Chỉ huy của ta học được những kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh….
Chiến thắng Việt Bắc làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc khoáng chiến của quân và dân ta chuyển sang một giai đoạn mới.
Theo: 60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng(hỏi và đáp)
Nam?