QĐND - Nhằm phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ để củng cố, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng niềm tin đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, đầu tháng 10-1965, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định mở Chiến dịch Plei-me. Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo, diễn ra từ ngày 19-10 đến 26-11-1965, thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực hết sức quyết liệt, căng thẳng giữa ta và địch. Nét đặc sắc đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch, nổi bật là lập thế trận ta, phá thế địch, tạo ưu thế trong các trận then chốt chiến dịch.
Thực tiễn của Chiến dịch Plei-me về lập thế trận trước hết là việc bố trí, triển khai lực lượng phù hợp với từng trận đánh. Sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá địch bố phòng trên địa bàn chiến dịch (từ Bầu Cạn - Plei-me đến Đức Cơ - Ia Đrăng thuộc tỉnh Gia Lai), Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng, bố trí lực lượng gồm: Trung đoàn 33 (thiếu 1 tiểu đoàn) được tăng cường 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm làm nhiệm vụ bao vây đồn Plei-me; Trung đoàn 320 tập trung đánh phục kích địch trên Đường 21; Trung đoàn 66 được tăng cường 1 tiểu đoàn (thuộc Trung đoàn 33) bố trí đánh địch phản kích ở khu vực Chư Pông; Tiểu đoàn Pháo binh 200 đánh nghi binh ở Đức Cơ, Tiểu đoàn Đặc công 952 và 1 đại đội bộ đội địa phương huyện 5 đánh nghi binh ở Tân Lạc; lực lượng vũ trang các tỉnh Gia Lai, Kon Tum phối hợp hoạt động đánh phá giao thông các đường 19, 14. Với cách bố trí lực lượng như vậy, ta đã tạo được thế trận chiến dịch phù hợp trong từng trận đánh, khiến cho địch bị bất ngờ. Chúng không biết ta có những lực lượng nào, triển khai ở đâu, chuẩn bị tiến công vào hướng, mũi nào để chuẩn bị đối phó.
 |
Quân Mỹ đổ bộ xuống thung lũng Ia Đrăng trong Chiến dịch Plei-me năm 1965. Ảnh tư liệu.
|
Yêu cầu của lập thế trận trong Chiến dịch Plei-me là ta bảo đảm được các yếu tố vững chắc, hiểm hóc và cơ động. Vững chắc là khi bị ta tiến công kẻ địch đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt lớn, nhưng không tìm được cách phá vỡ hoặc thoát ra khỏi thế trận ta tiến công (đồn Chư Ho, đồn Plei-me), không tránh khỏi bị ta phục kích khi đưa quân giải tỏa (trên Đường 21) và bị ta dụ vào điểm quyết chiến đã lựa chọn (Ia Đrăng). Hiểm hóc là ta bảo đảm được yếu tố giành thế chủ động, tạo yếu tố bất ngờ cao nhất, buộc địch phải chấp nhận tác chiến ở nơi ta lựa chọn (đồn Plei-me), hành động theo phương án ta dự đoán (đưa quân ra giải tỏa trên Đường 21), co cụm ở Ia Đrăng, cách Plei-me 25km về phía tây), khiến chúng bị động đối phó theo cách đánh của ta, không phát huy được sức mạnh hỏa lực và cách đánh sở trường của chúng mà bộc lộ điểm yếu, sơ hở để ta tiêu diệt. Cơ động là vừa bảo đảm cho ta hoàn thành nhiệm vụ tiến công diệt đồn Chư Ho, bao vây đồn Plei-me, vừa sẵn sàng thực hiện các trận đánh kế tiếp, trong đó có những trận then chốt, nhất là trận then chốt quyết định để giành thắng lợi.
Thành công nổi bật của ta là hoạt động tạo ưu thế trong các trận then chốt, trong đó tạo ưu thế để đánh thắng trận then chốt mở đầu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của chiến dịch. 12 giờ ngày 23-10-1965, trước sức ép ta bao vây đồn Plei-me, địch huy động Chiến đoàn 3 và Tiểu đoàn 21 biệt động quân mở cuộc hành quân từ ngã ba Phú Mỹ theo Đường 21 ra nhằm ứng cứu giải tỏa. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch điều động Trung đoàn 320 đến xây dựng trận địa phục kích địch trên Đường 21 (đoạn từ Điểm cao 538 đến đồi Blu, dài 4km). Đến 16 giờ 30 phút ngày 23-10, lực lượng địch hành quân giải tỏa lần lượt tiến vào khu vực trận địa phục kích của ta. Bằng cách đánh bất ngờ, kết hợp tiến công bao vây, chia cắt từ nhiều hướng, mũi, sau một thời gian chiến đấu, quân ta tiêu diệt phần lớn lực lượng ứng cứu của địch. Thắng lợi của trận then chốt mở đầu thể hiện ta chọn đúng điểm khơi ngòi, khu vực đánh địch ứng cứu. Tuy lực lượng ta không chiếm ưu thế so với địch, nhưng ta ở thế tiến công, bố trí lực lượng phù hợp nên đã tạo được ưu thế ngay từ đầu, từng bước tiêu diệt nhiều địch, làm chuyển hóa thế ta, phá thế địch, khiến thế trận của địch bị phân tán, suy yếu, còn ta có ưu thế tạo sức mạnh mới để phát triển chiến dịch.
Phát huy thắng lợi, ngày 17-11-1965, hai trung đoàn 66 và 33 được lệnh tiến đánh Lữ đoàn 3 (Sư đoàn Kỵ binh bay 1 Mỹ) ở thung lũng Ia Đrăng (nay thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Sau 4 ngày chiến đấu (từ ngày 14 đến 17-11-1965), bằng 4 trận đánh liên tiếp, ta tiêu diệt Tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 quân Mỹ. Thắng lợi của trận Ia Đrăng cũng là trận then chốt quyết định thể hiện mưu hay của ta là lừa địch, kế giỏi của ta là dụ quân Mỹ vào đúng khu vực quyết chiến điểm mà ta chuẩn bị. Với lối đánh bất ngờ, thọc sâu, chia cắt, đánh gần theo tinh thần “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, ta đã làm cho quân Mỹ không phát huy được ưu thế về không quân, pháo binh và sức cơ động, khiến Mỹ ở vào thế bị động, bất lợi. Trong khi đó, bộ đội ta được chuẩn bị chu đáo về thế trận nên giữ được quyền chủ động tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi to lớn.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP