QĐND - Chiều 4-9, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) tổ chức tọa đàm về thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (CVĐ) bằng hình thức trực tuyến, với chủ đề “Vinh dự, tự hào-khát vọng cống hiến xây dựng binh chủng tiến lên hiện đại”. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), đến dự và phát biểu chỉ đạo. Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng TTLL, và Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, đồng chủ trì tọa đàm. Cùng dự có Thủ trưởng Cục Tuyên huấn (TCCT) và đông đảo cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng TTLL tại 10 điểm cầu.

Tài sản vô giá của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thông tin

Trong tiết Thu lịch sử, khi trời vừa quá trưa, các đại biểu về dự buổi tọa đàm đã có mặt đông đủ tại hội trường tầng 4, Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Binh chủng TTLL. Họ đến với niềm vui và sự háo hức để được “báo công”; được sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ và tỏ bày khát vọng cống hiến, xây dựng binh chủng tiến lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ IX.

Trong không khí thân tình, cởi mở, Đại tá Phạm Văn Huấn khẳng định ý nghĩa của buổi tọa đàm: “Đây là hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9; đồng thời cũng là hoạt động chào mừng 69 năm Ngày truyền thống Binh chủng TTLL”. Có lẽ bởi vậy mà buổi tọa đàm bắt đầu bằng một phóng sự được Ban tổ chức xây dựng khá công phu, khái lược các mốc son lịch sử quan trọng của binh chủng anh hùng; gắn với những chiến công lẫy lừng, những tên tuổi đã đi vào trang vàng lịch sử dân tộc và quân đội... Gần 400 cán bộ, chiến sĩ tham dự tọa đàm ngồi lặng, hướng mắt về phía màn hình để cảm nhận và tự hào về 69 năm-một chặng đường vinh quang, hào hùng!

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Sau khoảng lặng đầy ắp hạnh phúc, không khí buổi tọa đàm trở nên sôi động bởi cách dẫn chuyện thu hút của các đồng chí chủ trì. Đại tá Phạm Văn Huấn giới thiệu về một nhân vật đặc biệt: “Vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 7-4-1975, một chiến sĩ báo vụ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 205 (nay là Lữ đoàn 205), đã truyền bức điện số 157-H-TK của Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các Bộ tư lệnh toàn miền Nam với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút; xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng”. Người thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy chính là đồng chí Nguyễn Bá Líu đang ngồi cùng chúng ta!”. Tổng biên tập Báo QĐND đề nghị đồng chí Nguyễn Bá Líu chia sẻ cảm xúc khi đón nhận nhiệm vụ truyền đi bức điện lịch sử trong thời khắc quyết định vận mệnh của dân tộc. Người cựu chiến binh gầy guộc, nhỏ thó không nói nhiều về chiến công của mình, không kể về những vất vả, hy sinh bản thân phải đánh đổi, mà tự hào khẳng khái: “Đối với người lính thông tin chúng tôi, mỗi bức điện đều rất quan trọng, cần phải được hoàn thành kịp thời, chính xác. Đến sau này, khi được biết bức điện ngày đó chính là mệnh lệnh thần tốc của Đại tướng thì tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào. Tôi tự hào vì mình được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ khó, quan trọng. Tôi tự hào hơn vì bản thân đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm tốt TTLL phục vụ chiến đấu”. Đồng chí Nguyễn Bá Líu đã nhận được tràng pháo tay không ngớt của những người có mặt tại 10 điểm cầu tham gia tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân đã trao 5 phần quà tặng các cựu chiến binh, chiến sĩ trẻ của Binh chủng TTLL, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh-nguyên chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 (Đại đội 9, Lữ đoàn 134); Nguyễn Bá Líu-nguyên chiến sĩ báo vụ (Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Lữ đoàn 205); Sùng A Sềnh, Tiểu đội trưởng Đại đội 17 (Tiểu đoàn 54, Lữ đoàn 139) và 2 đồng chí: Nguyễn Thị Nhiều, Nguyễn Thị Hồng-nguyên chiến sĩ Tiểu đội truyền đạt (Đại đội 6, Tiểu đoàn 78) là 2 trong 5 cô gái được mệnh danh “5 cô gái tên lửa” năm xưa.

Tương tự, buổi tọa đàm cũng dành những khoảng lặng trước câu chuyện cảm động qua lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Thanh, nguyên chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 (Đại đội 9, Trung đoàn 134-nay là Lữ đoàn 134). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, A69 nằm trên tuyến lửa Quảng Bình, gánh chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù. Trong trận bom B52 ngày 2-7-1972, 13 cán bộ, chiến sĩ của trạm, trong đó có 10 nữ chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi đã anh dũng hy sinh để bảo vệ phương tiện thông tin, bảo đảm liên lạc thông suốt... Giọng kể của nữ chiến sĩ may mắn được trở về sau chiến tranh vừa rắn rỏi, tự hào, nhưng cũng chứa chan nỗi đau trong sâu thẳm tâm can, khiến người nghe không khỏi bùi ngùi, xúc động.

Cứ thế, những câu chuyện về “một thời hoa lửa” diễn tiến trong niềm tự hào và cảm xúc trào dâng. Đại tá Nguyễn Văn Trị, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh chủng TTLL, khẳng định: “Mỗi con người, mỗi tập thể trong chiến đấu, công tác lập nên những thành tích riêng. Nhiều thành tích riêng ấy cộng lại trở thành chiến công chung của binh chủng, vun đắp nên những phẩm chất của Bộ đội Thông tin. Đó là tài sản chung-tài sản vô giá-là niềm tự hào không thể đánh đổi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thông tin”.

Có lẽ vì cảm nhận đủ đầy chân lý đó nên suốt quá trình tọa đàm, các ý kiến đều nhắc đến giá trị của truyền thống, hứa sẽ phấn đấu kế tục, phát huy gắn với mỗi cương vị công tác và từng nhiệm vụ được giao. Đại tá Đặng Đức Đông, Chủ nhiệm Kỹ thuật của Binh chủng TTLL (con đẻ của đồng chí Đặng Đức Song, Anh hùng LLVT nhân dân)-bố của đồng chí Đặng Đức Tấn, học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin, xúc động nói: “Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng công tác trong Binh chủng TTLL. Bố tôi luôn dạy: Các con phải phấn đấu xứng đáng với truyền thống người “chiến sĩ thông tin ưu tú”. Tôi cũng dạy con tôi: Các con cố gắng học tập, rèn luyện, công tác để phát huy truyền thống của gia đình, của binh chủng anh hùng… Đó chính là bí quyết để các thế hệ gia đình tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ mà “gia đình lớn” giao phó!”.

Kế tục và tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Một chi tiết để lại ấn tượng sâu sắc tại buổi tọa đàm là cuộc gặp “không hẹn trước” giữa Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Bích Hằng, nhân viên Tiểu đoàn 76 (Lữ đoàn 205) và anh Nguyễn Xuân Thu, cán bộ Ngân hàng VietinBank-một khách mời đặc biệt của Ban tổ chức. Chuyện rằng, vào ngày 15-1-2014, anh Thu đánh rơi chiếc ví da có hơn 5 triệu đồng tiền mặt, một thẻ tín dụng 500 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng. Và người nhặt được chiếc ví giá trị đó là nữ quân nhân Nguyễn Thị Bích Hằng. Khi nhặt được của rơi, ngay lập tức, chị báo cáo chỉ huy đơn vị với mong muốn tài sản bị đánh rơi sớm trả lại người làm mất. Một thời gian sau, anh Thu có liên lạc, đặt vấn đề, muốn trực tiếp gặp gỡ để hậu tạ, nhưng chị Hằng xin phép được nhận lời cảm ơn qua điện thoại.

Đến với buổi tọa đàm trong sự bất ngờ của mọi người, anh Thu bước về phía chị Hằng, cẩn trọng tặng “ân nhân” bó hoa tươi thắm, rồi xúc động nói: “Xin cảm ơn chị-nữ chiến sĩ thông tin với phẩm chất đáng kính của Bộ đội Cụ Hồ. Xin cảm ơn quân đội, Binh chủng TTLL đã giáo dục nên những quân nhân sáng ngời về đạo đức”.

Được biết, hoàn cảnh gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Bích Hằng vẫn còn nhiều khó khăn. Cuộc sống của vợ chồng chị trông chờ vào đồng lương bộ đội, nuôi hai con ăn học,… nhưng khi nhặt được tài sản có giá trị, chị không hề suy tính, do dự, mà lập tức tìm cách trả lại người mất. Đáng quý hơn, khi chia sẻ tại buổi tọa đàm, chị Hằng quả quyết: “Trung thực, thật thà là phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ nói chung, Bộ đội Thông tin nói riêng”. Nhưng khi tâm sự với chúng tôi, chị Hằng khiêm tốn: “Về dự tọa đàm lần này là vinh dự lớn đối với tôi. Vì tôi biết, trong lúc đón nhận niềm vui này, thì trong toàn binh chủng còn nhiều lắm những cá nhân tiêu biểu hơn, làm được những phần việc ý nghĩa hơn tôi rất nhiều”.

Chị Hằng nghĩ đúng, bởi lẽ, tuy thời gian thực hiện CVĐ chưa lâu, nhưng trong toàn Binh chủng TTLL đã xuất hiện hàng trăm tấm gương sáng về phẩm chất, năng lực công tác, được các cấp ghi nhận. Ví như tấm gương tự học, vươn lên làm chủ phương tiện trang bị thông tin hiện đại của Thiếu tá QNCN Ninh Thị Nguyệt (Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Lữ đoàn 205); tấm gương không quản ngại khó khăn, xung phong nhận việc khó của Thượng úy QNCN Trần Văn An (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 132) với 7 lần tham gia lắp đặt, bảo quản, sửa chữa trang thiết bị thông tin trên các đảo, điểm đảo, nhà giàn và các tàu, bảo đảm TTLL phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Và còn nữa những tập thể, cá nhân trực tiếp chia sẻ thành tích hoặc được “ghi lại” vào những thước phim phóng sự trình chiếu tại tọa đàm. Tuy mỗi "chiến công” đã được thể hiện khái quát bằng những câu từ dung dị, nhưng vẫn toát lên quyết tâm phát huy truyền thống, khẳng định những đóng góp quan trọng và có sức nêu gương mạnh mẽ.

Được nghe những ý kiến, chứng kiến thành tích của Bộ đội Thông tin, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT, đã khen ngợi: “Tại tọa đàm này, những cá nhân tham dự dù thuộc các thế hệ khác nhau, ở các đơn vị khác nhau, làm những công việc khác nhau, nhưng đều là những tấm gương sáng để chúng ta học tập. Bởi vậy thời gian tới, đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác nhân rộng các điển hình này trong toàn binh chủng”. Nhân dịp tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhắc lại những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội TTLL; đồng thời yêu cầu Binh chủng TTLL tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là 4 nguyên tắc-4 yêu cầu theo tư tưởng của Người trong tiến hành công tác thông tin “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”; bám sát chủ trương của Trung ương, Quân ủy Trung ương về xây dựng lực lượng TTLL tiến lên hiện đại, tiếp tục xây dựng và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội TTLL trong điều kiện mới.

Khát vọng cống hiến

Tham dự buổi tọa đàm, Trung sĩ Sùng A Sềnh, Tiểu đội trưởng (Đại đội 17, Tiểu đoàn 54, Lữ đoàn 139), lộ rõ niềm tự hào trên nét mặt. Sềnh sinh ra và lớn lên ở vùng núi Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Từ khi nhập ngũ (tháng 2-2013) đến nay, chàng trai người dân tộc Mông luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Không những vậy, mỗi tháng, Sùng A Sềnh tiết kiệm 500.000 đồng tiền phụ cấp gửi về phụ giúp gia đình… Với những thành tích đó, năm 2013, Sùng A Sềnh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Và đúng dịp sinh nhật Bác Hồ 19-5 vừa qua, đồng chí vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Khi được Đại tá Phạm Văn Huấn hỏi về mong muốn lớn nhất của mình, Trung sĩ Sùng A Sềnh phấn khởi, nói: “Tôi nghĩ Binh chủng TTLL là môi trường lý tưởng để tôi tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Bởi thế, niềm mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là được phục vụ lâu dài trong binh chủng “như con sông, con suối quê tôi không bao giờ cạn nước”.

Cũng như Sùng A Sềnh, mỗi ý kiến của cán bộ, chiến sĩ thông tin tại buổi tọa đàm đều thể hiện rõ nguyện ước được gắn bó, cống hiến lâu dài tại binh chủng. Đó là minh chứng sinh động để lý giải vì sao thời gian qua, trong điều kiện xã hội phát triển mạnh về công nghệ thông tin, công nghệ số, nhiều công ty, doanh nghiệp viễn thông đã mời chào đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ cao đang công tác tại binh chủng về làm việc hoặc cộng tác với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trong quân đội… thế nhưng, 100% cán bộ, nhân viên vẫn an tâm công tác, yêu mến đơn vị. Có được kết quả đó, Thiếu tướng Ngô Kim Đồng cho rằng, một nguyên nhân hết sức quan trọng là nhờ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã có những chủ trương, giải pháp phù hợp, tạo “môi trường lý tưởng” để bộ đội cống hiến. Đó là việc coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo giải quyết công tác chính sách một cách thiết thực; nhất là chính sách về nhà ở, đất ở để cán bộ, nhân viên an tâm, cống hiến.

Về nguyện vọng của đồng chí Sùng A Sềnh, thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng, Chính ủy Binh chủng TTLL ghi nhận và giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết để đồng chí Sềnh được phục vụ lâu dài trong binh chủng. Quyết định của lãnh đạo Binh chủng TTLL nhận được tràng pháo tay hưởng ứng nhiệt liệt của cán bộ, chiến sĩ ở các đầu cầu. Riêng Sùng A Sềnh thì không thể cầm được nước mắt vì hạnh phúc.

Có lẽ, từ những chủ trương sát trúng, sáng tạo, kịp thời như thế mà khát vọng cống hiến của mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh chủng TTLL luôn sục sôi, tươi mới. Tại buổi tọa đàm, mỗi khi trò chuyện hay phát biểu ý kiến, các đại biểu đều đề cập và làm sâu sắc hơn công lao của tập thể, sự dìu dắt, giúp đỡ, đồng hành của đồng chí, đồng đội để bản thân lập được thành tích. Mỗi cá nhân đều nhận thức được, ở thời điểm hiện tại, bên ngoài không gian của buổi tọa đàm còn biết bao đồng chí, đồng đội đang cần mẫn công tác, huấn luyện, SSCĐ. Ngoài kia, còn hàng trăm tấm gương tiêu biểu đang miệt mài, hăng say lao động, sôi nổi thi đua học tập, rèn luyện; góp phần xây dựng binh chủng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Phát biểu chỉ đạo, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh Binh chủng TTLL và Báo QĐND đã phối hợp làm tốt công tác tổ chức buổi tọa đàm. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Buổi tọa đàm có nhiều nội dung mới so với các cuộc tọa đàm trước đây, mở ra hướng đi mới trong công tác tổ chức hoạt động này. Tọa đàm mà không đọc diễn văn, không có đề dẫn hay kể lể thành tích, nhưng chính bằng con người, việc làm, câu chuyện cụ thể, sinh động, đã tự nó làm toát lên bề dày thành tích của Binh chủng TTLL qua các thời kỳ. Đây là cách làm sáng tạo, “hiện đại”, TCCT ghi nhận và mong muốn thời gian tới, Báo QĐND tiếp tục nhân rộng hình thức tổ chức tọa đàm này ở nhiều đơn vị, nhằm tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng điển hình, nhân lên những khát vọng cống hiến trong lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Nhóm phóng viên CTĐ, CTCT thực hiện